Có hai cuốn sách tôi đọc khi trưởng thành khiến tôi sút hai cân là Tội ác và trừng phạt (1982) và mới đây nhất là Cái trống thiếc. Thật lý thú là sau khi người ta đã chán nản nhiều sự, chán đến cả văn của mình mà rồi còn bị hấp dẫn đến mức đọc mấy đêm liền tù tì một cuốn sách gây sốc bởi có cảm giác bản thân bị bới móc và sỉ nhục.
Xin trước hết nói rõ hơn khái niệm nhúc nhích. Văn chương từ Homerre tới giờ nói chung không tiến được mấy độ đường, nó khác hẳn với văn minh. Thậm chí tuyến tính không có mấy vai trò ở chỗ này. Và giữa những đỉnh khác nhau, ví như anh hùng ca Odisse với sử thi M’Nông Tây Nguyên mới phát hiện chẳng hạn, là thung lũng của những nhà văn thời vụ với rất nhiều tài năng và ảo tưởng làm nền. Nếu ta xếp các đỉnh đó theo lịch trình văn chương, ta sẽ vừa có cảm giác không hề có sự dịch chuyển lại vừa thấy rất khác. Tôi tạm gọi tính chất nhùng nhằng ấy là sự nhúc nhích trong khi chờ một hình dung từ đúng hơn.
Cái thằng bé Oskar sinh ra trong một thời kỳ buộc nó phải khôn ranh sớm, nó sớm ý thức rằng cần phải ngụy trang để tồn tại bằng cách là sẽ không lớn nữa. Không chỉ trong chiến tranh, khi hòa bình được vãn hồi, nó định chui khỏi vỏ bọc 94cm bằng rất nhiều đau đớn, nhưng nó cay đắng nhận ra rằng, tốt hơn là cứ tiếp tục ngụy trang trước cả ông thầy lùn Bebra đã chỉ trích gay gắt sự ảo tưởng của nó. Nhờ vậy, nó mới ăn mày được kha khá sự thương cảm cùng với tí chút yêu thương của rất ít người. Và nó dùng luôn cái lùn, cái dị biệt để kiếm ăn trên sự nông nổi, sự thích thú với việc lấy cái xấu của đồng loại để cười, để che đậy cái xấu của mình giữa những con người được coi là lành mạnh. Nguồn gốc ra đời từ cái váy bốn tầng của bà ngoại Koljaizek - mẹ Oskar được xác định chắc chắn, còn ông ngoại - kẻ phóng hỏa thì đi từ xác định này đến ngày càng mơ hồ. Mô típ trở lại với chính cuộc đời nó, đứa trẻ có hai ông bố (một giả định, một pháp lý) và thằng con - nhà phân phối đá lửa chợ đen. Cái thật, cái đẹp thế hệ váy bốn tầng thì còn lòe nhòe tới cuối cùng với niềm tin ông ngoại tỷ phú vẫn sống bên Mỹ; còn thế hệ váy mini chết yểu; thế hệ làm tình bờ bụi thì sống khỏe, thế hệ nhà nghỉ giờ thì chán sống mà chết non. Hình như văn học trước thời Gunter có cất công đi tìm nguồn gốc con người, sự tìm chưa thấy thì đến lượt mình, Gunter ấn định tồn nghi bằng giả định để bận tâm viễn vọng vào điều nguy hiểm chết người là cái tha hóa - quả là một trí tuệ khôn ngoan. Bằng vào chỗ này thì tác giả có vẻ rất Đức? Nhưng ở chỗ cay đắng đến phẫn nộ xuyên suốt cả nghìn trang sách như một thứ nhạc cảm toàn tuyến thì xem ra ông nghiêng sang Ba Lan? Tôi bỗng nhớ lại sự nhập nhòa của văn học ngoại biên thời văn học Liên Xô còn khá sung sức với Anatoli Kim - một nhà văn Nga gốc Triều và càng tin vào cái điều tồn nghi từ khi tôi đọc anh ta: Phải chăng, nên chú mục tìm kiếm con người ở vùng biên cõi - nơi còn nhiều hoang hóa thì dễ hơn? Thì ra, Gunter Grass mới là tiên khởi và ông mới là người phát hiện ra tính phi biên giới trong thuộc tính người.
Trên tiến trình văn minh có một mâu thuẫn thường trực giữa hai phạm trù Đạo đức truyền thống và Hành lang pháp lý (gọi tắt là Đạo- Lý) dành cho tự do của con người. Sự cãi vã không ngã ngũ của đạo - lý là “mảnh đất Trung Đông” dành cho chức nghiệp nhà văn, và ở chỗ này, G.Grass là một nhà văn chưởng môn phái. Oskar muốn không bị giết nên tố giác Jan Bronski - bố giả định mà nó rất yêu - với kẻ chiếm đóng, khiến ông ta bị bắn. Đạo đức truyền thống khiến ta sững sờ nhưng nhà văn thì lạnh lùng và ngô nghê dẫn chúng ta đi tiếp, khiến ta quên đi. Nhưng đến khi Oskar vốn ngấm ngầm hận ông bố pháp lý Alfred Matzerath đã rắp tâm đặt bẫy để Alfred sẽ nuốt chiếc huy hiệu đảng và sẽ chết; đến khi đó ta bỗng không thể yên tâm về cái ta đã đoan quyết về cái chết của bố giả định. Nếu không có chiến tranh thì không có sự “bất hiếu” kiểu ấy. Mà chiến tranh thì không phải do Oskar Trống gây ra, nó cũng không thừa người tình để có thể dùng làm vật phẩm báo hiếu bố pháp lý. Còn cái án ở phòng tuyến Đại Tây Dương, do nó không đi lấy cà phê khiến người yêu Raguna bị chết, thì chứng cứ ngoại phạm của nó là sự khôn ngoan - thứ hàng hóa duy nhất mà nó có được trong quá trình giao thiệp với con người. Cho đến trước Gunter Grass chưa ai huỵch toẹt ra sự thật phũ phàng là giáo lý thì ra chỉ chảy theo một chiều áp đặt. Sự vỡ òa ra này đưa ta từ chỗ phẫn nộ mà cay đắng lủi thủi trở về như những kẻ đê nhục tổ tông; trở về với cấu trúc vững chãi hay như người ta thường nói là thi pháp của tiểu thuyết, không thể choãi ra. Hình tượng nghệ thuật siêu phàm này, cùng với cách hỏi trống, kể chuyện bằng trống và đặc biệt là giọng hủy diệt thủy tinh không những tồn tại với tư cách ẩn dụ bện thừng toàn tuyến, nó còn khiến ta bất yên, gợi ra nhiều chiều nhưng chung cuộc thì thấy con người nhếch nhác đấy nhưng cũng thật đáng thương đấy, dù đó là bạn đọc bảo hoàng hơn vua hay những người dân chủ chúng ta.