Info
" Cục Cưng Thượng Hải " - xâm phạm húy kỵ, thổi thả khiêu khích, độc tính cao - vừa chào đời đã bị tịch thâu, tiêu hủy không thương tiếc ngay tại quê hương tác giả. Ðề tựa cho cuốn tiểu thuyết, Vệ Tuệ tự nhận đây là một bán tự truyện, trong đó cô mượn hình ảnh Coco, một thiếu nữ sống như thể ngày mai ta không còn thấy nhau kể lại cuộc tình nước - lửa với hai người đàn ông. Một bên là bạn tình Trung Hoa đớn đuối, bất lực; bên kia, nhân tình từ trời Tây tối hảo. Lấy Thượng Hải làm nền, xác thân làm nguyên liệu, Vệ Tuệ sử dụng lối viết trực tuyến, hỏi – đáp tắp lự, cốt muốn phát biểu. Cô đã phát biểu hết sức minh bạch cảm nhận của bản thân về cuộc sống mà cụ thể ở đây là sự phân cân giữa hai giá trị Ðông – Tây, kết quả chênh lệch ngay những trang đầu. Trẻ trung, xinh đẹp và biển trào. Khát sống, khát tình, khát tự do. Càng bị phủ lấp, cô càng muốn chòi nhú, hơn thế nữa, mãn khai. Trong một thời gian rất ngắn, Vệ Tuệ chẳng những trở thành hiện tượng quốc gia mà còn được phương Tây kể tên khi liệt kê các nữ văn sỹ trẻ hàng đầu thế giới hôm nay. Cũng bởi, cho đến bây giờ, chưa một nhà văn nào ‘‘quậy bạo’’ như cô tại Hoa Lục. Mà cô nào viết gì lạ lẫm! Tâm tình tuổi trẻ ở đâu, bao giờ chẳng thế: thích khám phá, ham bay nhảy. Chỉ có điều, là một thiếu nữ da vàng, nói toẹt ra những điều ấy, kiểu ấy thì chỉ có từ chết đến bị thương. Lý do: Vệ Tuệ đã biểu cảm vô cùng xác thực thời đại mình đang sống, giữa một lục địa vừa thức giấc, vừa tái khám phá Tây Phương kể từ chiến tranh Nha Phiến. Một thế hệ thanh niên Trung Hoa không còn biết đến cách mạng văn hoá nhưng muốn thoả mãn cơn khát thế giới. Thành công trước hết của Vệ Tuệ là đã ghi lại đời sống đô thị hậu Cộng Sản. “ Cục Cưng Thượng Hải “ được chuyển ngữ từ bản dịch Pháp văn Shanghai Baby của Cora Whist, Nxb Philippe Piquier.