Info
“Bảo bối Thượng Hải” viết về một cô gái trẻ đang tràn đầy hy vọng trở thành một nhà văn được giới trẻ yêu thích. Cô sống bằng nội tâm hơn hành động, thích suy ngẫm mọi việc diễn ra với mình và quanh mình. Chính tính cách ấy đã đưa cô tới tình yêu với một thanh niên ủy mị, ốm yếu, mắc nhiều thứ bệnh và bất lực. Cùng lúc ấy, cô gái gặp một chuyên gia kinh doanh người Đức đang công tác ở Thượng Hải và dễ dàng rơi vào cạm bẫy của cái mà mình đang muốn nhưng chưa có. Như một con thiêu thân, bất cẩn, lừa dối người yêu để rồi cuối cùng nhận ra đó chỉ là một ham muốn bản năng, thỏa mãn dục vọng tầm thường. Chuyên gia người Đức có vợ, có gia đình, yêu vợ, yêu gia đình, trở về nước bỏ rơi cô lại trong tình cảnh tuyệt vọng bên người yêu ốm yếu, bệnh nặng sắp qua đời...Không đi vào những vấn đề lớn lao của cuộc sống, những khúc mắc bi kịch giữa con người, “Bảo bối Thượng Hải” là câu chuyện về một con người, một hoàn cảnh sống với những tâm sự, khát vọng, lỗi lầm và cả những đau khổ, chia ly. Nhân vật Coco được khắc họa chân thực về hành động cũng như tâm lí (bên cạnh đó là Thiên Thiên và Mark). Đằng sau câu chuyện tưởng chừng “trôi chảy” đó là những ẩn ức, những dự cảm, với nhiều thức nhận mới mẻ dành cho bạn đọc về những khía cạnh rất đời thường: Tình yêu, hạnh phúc, lẽ sống, phẩm giá...Văn phong của “Bảo bối Thượng Hải” viết xô bồ, pha tạp, không dung tục nhưng rất tự nhiên chủ nghĩa trong bộc lộ tâm lý. Cái kết cục của toàn bộ câu chuyện như là lời cảnh báo chung cho lớp trẻ, cho giới nữ cần thận trọng trong những quyết định tình cảm ngay ở cả trong bản năng thuần túy nhất. Tình yêu là sự kết hợp hoàn mỹ của nhiều yếu tố, nên biết chế ngự, làm chủ mình trong mọi tình huống thì mình mới chính là mình.Nhà văn Vệ Tuệ với “Bảo bối Thượng Hải” được coi là trường hợp phá cách tự sự nổi loạn của văn học đương đại Trung Quốc. Cái “phá cách “ này gây ra hai luồng khen chê khác nhau. Người khen cho rằng, Vệ Tuệ là tiếng nói của lớp trẻ đương thời, dám nói thẳng, nói thật dám bộc lộ những khao khát thầm kín nhất của chính mình, giới mình. Có người khen còn đẩy lên coi Vệ Tuệ như là người tiên phong chống lại thứ văn chương đông cứng, rập khuôn của tư duy cũ kỹ. Người chê thì ngược lại, Vệ Tuệ được xem là sự nổi loạn về đạo đức, văn phong, là ảnh hưởng quá nặng lối sống tư sản từ công cuộc mở cửa do các nước tư bản đưa vào, là phá phách văn phong, dung tục, bợm trạo... Và có thể nói cùng với các nhà văn nữ Miên Miên, Xuân Thụ, Vệ Tuệ đã góp một tiếng nói rất riêng trong dòng văn học đương đại Trung Quốc viết về nữ giới.