Info
Văn hóa Việt, bản sắc văn hóa Việt là vấn đề, là câu hỏi đã được nêu ra và được hàng trăm, nếu không nói hàng nghìn nhà nghiên cứu tìm cách lý giải từ rất lâu.
Nguyễn Xuân Khánh là nhà tiểu thuyết, anh cũng có câu trả lời của mình không phải bằng lý lẽ uyên bác mà bằng một cuốn tiểu thuyết sinh động, Mẫu Thượng Ngàn, còn dày dặn, bề thế, phong phú hơn cả cuốn Hồ Quý Ly từng gây xôn xao của anh mấy năm trước. Và có vẻ đây có thể là câu trả lời hấp dẫn hơn cả, nếu không nói là thuyết phục hơn cả.
Quả vậy, nếu đi tìm một nhân vật chính cho cuốn tiểu thuyết này, thì hẳn có thể nói nhân vật chính đó là nền văn hóa Việt, cái thực tại vừa vô cùng hiện thực, vừa rất hư ảo, bền chặt, xuyên suốt mà cũng lại biến hóa khôn lường, rất riêng và rất chung, rất bản địa mà cũng lại rất nhân loại.
Để nắm bắt được “nhân vật” vô cùng gần gũi mà vô cùng kỳ ảo đó, Nguyễn Xuân Khánh cũng như tất cả các nhà tiểu thuyết thật sự đẩy nó vào những hoàn cảnh cực đoan nhất: nông thôn Bắc bộ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, khi dân tộc phải đối mặt mất còn với thực dân phương Tây, cái phương Tây mang đến vừa vũ khí xâm lược hiện đại, vừa nền văn minh tân tiến mà xa lạ với Thiên Chúa giáo đi cùng; khi cả đạo Phật từng bám rễ suốt nghìn năm nay đã suy tàn, khi Nho giáo chỉ còn thoi thóp...
Bỗng bừng sống dậy một tôn giáo nảy sinh và thấm sâu âm thầm có lẽ từ thuở mới hình thành của dân tộc, đạo Mẫu rất Việt, rất phương Nam, rất dồi dào, bất tận, bất tử, như Đất, như Mẹ, như người Đàn bà.
Không phải ngẫu nhiên mà trong cuốn tiểu thuyết này đông đúc nhất, và cũng đẹp nhất, hay nhất, đậm nhất, mê nhất là những nhân vật nữ, có cảm giác như vô số vậy, từ bà Tổ Cô bí ẩn, bà Ba Váy đa tình... cho đến cô đồng Mùi, cô mõ Hoa khốn khổ, cô trinh nữ Nhụ tinh khiết. Hàng chục, hàng chục nhân vật nữ hết sức gần gũi, hiện thực, mơn mởn, sần sùi, dào dạt, trễ tràng, trữ tình, thừa mứa, khát khao cho và nhận, nhận và cho... và đến cả bà Đà của ông Đùng huyền thoại nữa..., tất cả tràn trề sinh lực, đầm đìa phồn thực...
Và ta bỗng hiểu ra: một nhân dân tiềm chứa trong mình sức sống ẩn sâu trong một thứ tín ngưỡng tuyệt diệu như vậy thì không bao giờ có thể chết, có thể cạn. Vĩnh cữu như Đất, như Rừng, như Mẹ, như người Đàn bà.
Bằng cuốn tiểu thuyết này, bằng khám phá này - tôi muốn nói vậy - Nguyễn Xuân Khánh một lần nữa khiến ta kinh ngạc vì bút lực còn dồi dào đến tràn trề và say đắm của anh. Tác giả đã ngót 75 tuổi. Gừng già thật cay!
NGUYÊN NGỌC