Info
... Bạch Cư Dị (772 – 846) tự Lạc Thiên, cuối đời có hiệu là Hương Sơn cư sĩ, chánh quân ở Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, sinh quán ở Tân Trịnh, tỉnh Hải Nam. Ông không chỉ là nhà thơ hiện thực nổi tiếng để lại nhiều tác phẩm nhất ở đời Đường mà còn là một nhà phê bình, lí luận văn học xuất sắc. Quan điểm lí luận văn học của ông thể hiện một cách rải rác trong nhiều bài thơ tặng đáp, được nêu lên một cách khá rõ nét trong lời Tựa của 2 tập thơ Tần trung ngâm, Tân nhạc phủ và đặc biệt đã được trình bày một cách có hệ thống trong bức thư gửi cho người bạn gần gũi nhất của mình là Nguyên Chẩn.
Năm Nguyên Hòa thứ 10 (815), vì dâng sớ xin bắt bọn thích khách tay sai của phiên trấn Lí Sư Đạo giết tể tướng Vũ Nguyên Hành, Bạch Cư Dị đã bị bọn quyền quý oán giận và bị biếm về làm Tư mã ở Giang Châu. Sự kiện này đã giáng một đòn nặng nề xuống nhà chính trị - nhà thơ – nhà lí luận vốn đang ủ ấp bao ước vọng đẹp đẽ, lành mạnh. Từ đây, trong tư tưởng và tâm hồn Bạch Cư Dị bắt đầu xuất hiện nhân tố tiêu cực. Tuy vậy, trong thời gian ở Giang Châu, ông đã để lại được 2 tác phẩm bất hủ là Tì bà hành và Thư gửi Nguyên Chẩn.
Trong bức thư, kế thừa là những thành tựu lí luận tiến bộ trước đó, Bạch Cư Dị đã đề xuất được luận điểm nổi tiếng : “Sáng tác văn chương cần phải vì thời thế, làm thơ cần phải vì sự việc”. “Vì thời thế” không có nghĩa là thích ứng một cách tiêu cực mà phải có tác động tích cực, cụ thể là phải giúp “sửa chữa sai lầm”, “trị bệnh cứu người”. “Vì sự việc” thực chất là phải phản ánh đúng thực tế để “mở rộng tai mắt bề trên”, giúp “bề trên nghe thấu nỗi khổ của dân tình ở dưới”. Muốn thực hiện được sứ mệnh cao cả ấy, nhà thơ phải đọc nhiều sử sách để “truy tìm cái lẽ trị đời”, phải giao tiếp rộng để hiểu sâu “ tình hình thời sự”, đặc biệt là phải có thái độ khen chê rạch ròi, đúng đắn, nhất là tinh thần “phúng thích”. Thấy tầm quan trọng hàng đầu của tư tưởng, tình cảm của tác giả, nội dung của hiện thực được phản ánh, Bạch Cư Dị không hề hạ thấp vai trò của nghệ thuật. Ông đã thấy được sự thống nhất giữa nội dung và hình thức : “Gốc là tình cảm, mầm lá là ngôn ngữ, hoa âm thanh, quả là ý nghĩa” (Căn tình, miêu ngôn, hoa thanh, thực nghĩa). Sự lý giải ấy càng có ý nghĩa đối với thơ, ở đó tình cảm quả là “gốc” và “ngôn ngữ”, “âm thanh” là hai chất liệu đặc trưng.
... Mặc dù có những hạn chế, Thư gửi Nguyên Chẩn vẫn là tác phẩm thế hiện được một cách đầy đủ nhất cơ sở lí luận của phong trào sáng tác Tân nhạc phủ tiến bộ đương thời, vẫn là một công trình lí luận giữ một địa vị hết sức quan trọng trong lịch sử phê bình văn học của Trung Quốc.
Trong lúc dịch, chúng tôi đã dựa vào văn bản và chú thích ở cuốn Trung Hoa họat diệp văn tuyển (Hợp đính bản 1 – 20, Trung Hoa thư cục, Thượng Hải, 1962). Xin chân thành cảm ơn GS Trương Chính đã cho mượn bản dịch Dữ Nguyên Cửu thư ra văn bạch thoại của Hoắc Tùng Lâm (trong cuốn Bạch Cư Dị thi tuyển dịch, Bách Hoa văn nghệ xuất bản xã, Thiên Tân, 1959, tr. 273 – 281) để đối chiếu những chỗ cần thiết. Bản dịch chắc không khỏi có chỗ khiếm khuyết, rất mong được bạn đọc chỉ giáo."