LỜI GIỚI THIỆU
Agatha Christie sinh tưởng tại Devonshire nước Anh. Bà khởi sự viết văn từ chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Trong suốt mấy chục năm cầm bút, bà đã làm cho thế giới kinh ngạc và thán phục không những về số lượng tác phẩm đồ sộ, về tài xếp đặt, bố trí các tình tiết một cách chặt chẽ, khéo léo, hay “nghệ thuật đánh lạc hướng” có một không hai - vốn là yếu tố quyết định sự thành công của một cuốn tiểu thuyết trinh thám - mà còn về nhãn quan sắc sảo tinh tế của bà về tâm hồn con người qua những xung đột, phát triển nội tâm về tính nhất quán và đột biến của hành vi con người. Chính do điều đó, một số tác phẩm của Agatha Christie không chỉ dừng lại ở phạm vi giá trị của thể loại tiểu thuyết trinh thám, chúng còn đặt ra những vấn đề về con người buộc chúng ta phải suy nghĩ, băn khoăn.
Là vợ của một nhà khảo cổ học tiếng tăm, bản thân bà cũng đã từng đi điền giã khảo cổ nhiều lần ở vùng Cận Đông. Lần này, trong “Tận cùng là cái chết”, bạn đọc sẽ được cuốn hút vào những tội ác xảy ra tại Ai Cập Cổ Đại, bên bờ sông Nile hai ngàn năm trước Công nguyên. Ở đây, Agatha Christie đã mô tả thật đặc sắc những uẩn khúc của tâm hồn con người, lột tả và lên án gay gắt thói ích kỷ, sự sụp đổ của nền tảng đạo đức, trật tự gia đình dưới sự chi phối của vật chất đến mức lên án của chế độ phong kiến, chế độ nô lệ. Tầng sâu của tư tưởng tác giả, qua “Tận cùng là cái chết”, còn nhằm tố cáo những khía cạnh suy đồi đó của xã hội tư sản, đế quốc đương thời, nơi mà “sự phát triển của con người không theo hướng tốt hơn, lớn lao hơn, mà nó nuôi dưỡng điều ác” - như lời Hori, một nhân vật trong tiểu thuyết đã nói.
Bạn đọc Việt Nam đã từng làm quen với Agatha Christie qua các tiểu thuyết “Cái chết trước sân gôn”, “Bí mật chiếc bình xanh”… Lần này chúng tôi giới thiệu Agatha Christie qua tiểu thuyết “Tận cùng là cái chết” theo bản tiếng Việt của Dương Văn Tám.