Info
Hãy tưởng tượng: bạn đang ở trong một thành phố của những người đã chết, nhưng những người đó vẫn còn hiện hữu bởi trong kí ức của người sống vẫn có hình bóng họ tồn tại. Hay tưởng tượng: bạn đang ở vùng Nam Cực xa xôi, tại một điểm gần như tận cùng của nóc quả đất. Sẽ thế nào nếu chỉ còn một mình bạn sống sót trên thế gian này?
Nếu bạn cảm thấy thật khó hình dung ra viễn cảnh ấy, thì câu chuyện kì lạ - “Lược sử cái chết” - của Kevin Brockmeier sẽ giúp bạn. Lung linh, huyền ảo, văn phong gây ấn tượng sâu sắc, cốt truyện vô cùng độc đáo, các mẩu chuyện trong sách có sức ám ảnh kéo dài phải đến nhiều tuần sau khi đọc xong tác phẩm.
Cấu trúc của các tầng không gian trong “Lược sử cái chết” được gợi ý từ ý niệm về thế giới của một số dân tộc Châu Phi. Họ chia con người thành ba loại: “Những người còn sống trên mặt đất, người sasha và người zamani. Những người vừa mới lìa trần đã có một khoảng thời gian sống cùng với những người còn sống là sasha, những - người - chết - đang sống. Họ chưa hoàn toàn chết vì họ vẫn sống trong ký ức của những người còn sống, có thể được gọi về trong tâm trí của người sống, có thể được tái tạo trong nghệ thuật và có thể được người sống mang họ về thực tại trong các câu chuyện kể. Khi người cuối cùng biết vị tổ tiên kia chết đi, vị sasha đó sẽ rời bỏ tình trạng sasha để trở thành zamani, người chết”. Nhưng tất nhiên, Kevin Brockmeier không giới hạn phạm vi tưởng tượng truyện kể của mình ở đó. Tác giả còn đẩy những hư cấu của mình xa hơn trong lãnh địa của cái hoang đường kì ảo khi giả tưởng thế giới gặp đại dịch virus lớn, chỉ còn một người sống sót. Ở bối cảnh ấy, liệu câu chuyện của Kevin Brockmeier có gợi lên nỗi bi quan tột cùng vốn hiển hiện trong motif của ngày tận thế mà Kinh Thánh vẫn hình dung? Câu trả lời là hoàn toàn không. Thật kì lạ. Câu chuyện tưởng tượng về ngày kết thúc của nhân loại lại tràn ngập nhiệt thành, tha thiết sống, lại truyền đến một nguồn năng lượng sống dồi đào đáng kinh ngạc cho thế giới đời thường mệt mỏi và dễ làm mệt mỏi của người đọc.
Người sống sót duy nhất trong tiểu thuyết lạ lùng của Kevin Brockmeier là Laura, một nhà khoa học chuyên nghiên cứu động vật hoang dã, bị mắc kẹt một mình ở Nam Cực. Hệ quả là, có một thành phố kì lạ - thành phố của những người đã chết tồn tại, thành phố của những người đã từng gặp và lưu lại trong kí ức của Laura. Cư dân của thành phố ấy là bố mẹ của Laura, là người tình, là bạn bè, đồng nghiệp của nàng, là cả những người thiết thân và cả những người thoáng gặp. Thế giới của những người đã chết ấy khiến chúng ta không ngừng suy nghĩ về miền đất kí ức bí ẩn của con người. Trong tồn tại hữu hạn của mình, chúng ta đã gặp bao nhiêu người và bao nhiêu trong số đó được trí nhớ của chúng ta ghi lại? Phải chăng, họ sẽ vẫn hiện hữu ở dạng tồn tại khác, ở dạng đời sống khác, đời sống của kỉ niệm? Vậy, chết đâu phải là kết thúc, người ta chỉ thực sự biến mất khỏi trái đất này khi không còn ai nhớ đến họ, cái chết thực sự chỉ xảy ra khi con người bị lãng quên. Ở khía cạnh này, có thể thấy, Lược sử cái chết, quả thực là một sự suy ngẫm sâu sắc về sự tồn tại của chúng ta, về sự giao thoa giữa tâm hồn ta với những bản thể khác và với toàn vũ trụ.
Ở một khía cạnh khác, Lược sử cái chết còn là cuộc đấu tranh quyết liệt giữa sự sống và cái chết, giữa nỗ lực vượt thoát khỏi cảnh ngộ và sự đầu hàng, buông xuôi theo số phận. Mặc dù biết mình là một trong số ít người còn sót lại trên Trái Đất sau trận đại dịch, hay ở trong tình cảnh vô vọng về những người bạn đồng hành còn sống sót, Laura vẫn không chùn bước. Cuộc sống tước đi của Laura những gì ý nghĩa nhất, những gì thường giúp người ta tiếp tục sống, nỗ lực và buộc cô phải đối diện những gì khiến người ta nản lòng, chùn bước như cái khắc nghiệt của tự nhiên, cái cô đơn mênh mông thiếu vắng sự sống con người. Thật ngạc nhiên khi Laura vẫn tiếp tục cuộc hành trình của mình, vẫn cố gắng thích nghi với hoàn cảnh, vẫn kiên cường, không gục ngã. Phải chăng, chính thế giới kí ức, sức mạnh của những kỉ niệm quá khứ đã cứu vớt Laura? Những hồi nhớ không dứt về các khoảng thời gian ý nghĩa trong đời đã giữ cô lại trên vực thẳm của sự tuyệt vọng, buông xuôi.
Vì vậy, trải nghiệm hoàn cảnh đặc biệt của Laura sẽ giúp bạn hiểu rằng, quá khứ có ý nghĩa như thế nào với cuộc sống của bạn và thật đáng buồn biết bao, nếu chúng ta vô tình lãng quên những gì ý nghĩa đã qua.
Những trích dẫn đặc sắc / Những lời nhận xét đặc biệt về sách
- "Một cuốn sách khiến ta không thể dừng mở trang kế tiếp" - Rocky Mountain News.
- "Một tiểu thuyết ly kỳ được viết với một trái tim giàu lòng nhân ái" - The Oprah Magazine.
- "Một tiểu thuyết đầy sức mê hoặc và gợi nhiều suy nghĩ về ký ức của con người, về sự giao thoa giữa những tâm hồn, về cuộc sống sau khi chết, và về hiện tại" - Tucson Citizen.
- "Có sức lay động mạnh... Ngay từ chương đầu, cuốn tiểu thuyết đã tạo ra một sức thu hút khác lạ, và chắc chắn nó sẽ còn đọng lại trong lòng độc giả sau khi trang sách cuối cùng khép lại. Là một câu chuyện ngụ ngôn, một câu chuyện cổ, một câu chuyện thần thoại đương đại... Trong lịch sử cái chết, Brokmeier đã đưa ra một cái nhìn giả thuyết về kết thúc của nhân loại... Nếu sự vĩnh hằng tồn tại, thì đây chính là một định nghĩa sắc nét cho thời đại của chúng ta"... - Beacon Journal.
- "Không chỉ là một câu chuyện gây băn khoăn về tận cùng của thế giới. Đó là một sự suy ngẫm sâu sắc về sự tồn tại của chúng ta, về sự giao thoa giữa tâm hồn ta với những bản thể khác và với toàn vũ trụ. Với bối cảnh viễn tưởng ly kỳ và các nhân vật đa diện, Lược sử cái chết không tuân theo các thể văn truyền thống. Tác giả đã rất khôn ngoan "đứng cả hai dòng nước", một bên là dòng tiểu thuyết khoa học giả tưởng và một bên là các truyền thống văn học để tạo nên một tác phẩm độc nhất vô nhị - đầy ám ảnh, gây xáo trộn, và thú vị về mọi mặt." - The Charlotte Pbserver.
(Sachhay.com)