Kinh Duy ma cật được chia làm ba quyển: Quyển thượng, quyển trung và quyển hạ. Mỗi quyển đều có ba phần: Phần Hán văn, phần dịch âm và phần dịch nghĩa. Kinh này được thuyết bởi một vị trưởng giả tên là Duy-ma-cật. Ấy là người đã từng cúng dường vô lượng các đức Phật, trồng sâu căn lành; được đức nhẫn vô sinh, biện tài vô ngại, du hí thần thông, nắm được các phép tổng trì, đạt được pháp vô sở úy; hàng phục chúng ma, vỗ về những kẻ oán hờn; đã vào được pháp môn sâu xa vi diệu, giỏi về phép trí huệ, thông đạt phương tiện; thành tựu nguyện lớn, biết rõ chỗ xu hướng trong tâm của mỗi chúng sinh, phân biệt được những căn tánh lanh lợi hoặc chậm lụt. Đối với đạo Phật, từ lâu trong tâm ngài đã thuần phục, chí quyết về Đại thừa. Mỗi khi làm việc chi, ngài đều khéo léo suy xét, liệu lường. Ngài trụ nơi oai nghi của Phật, lòng dạ rộng lớn như biển cả. Chư Phật khen ngợi, những đệ tử là Đế-thích và Phạm vương, chúa cõi thế giới đều kính trọng ngài
Kinh Duy-ma-cật là một trong những bộ kinh quan trọng hàm chứa tư tưởng Đại thừa được rất nhiều người chú trọng. Về mặt văn chương, bản dịch chữ Hán của ngài Cưu-ma-la-thập từ lâu vẫn được xem như một kiệt tác trong văn học Phật giáo. Hơn thế nữa, với kết cấu sinh động và chặt chẽ, bộ kinh này đã có một sức hấp dẫn lạ lùng đối với hầu hết những người học Phật theo hệ thống giáo pháp Đại thừa. Qua hình thức dẫn dắt như một câu chuyện kể, các nhân vật được nhắc đến trong kinh này đều góp phần làm hiển lộ những yếu nghĩa của tư tưởng Phật giáo Đại thừa. Trong đó, đặc biệt nhất là nhân vật chính: Trưởng giả Duy-ma-cật.
Với nhân vật chính là một vị Bồ Tát cư sĩ được chính Đức Phật tán thán, ngợi khen, kinh Duy-ma-cật thể hiện rất rõ nét tinh thần vô phân biệt của Phật giáo Đại thừa. Những thuyết giảng của vị Bồ Tát cư sĩ này được trình bày thông qua những mẩu đối thoại và chất vấn với hầu hết các vị đệ tử lớn của đức Phật, bao gồm cả hàng Thanh văn lẫn chư vị Bồ Tát.
Với nghệ thuật văn chương lưu loát và sinh động, bản dịch Hán văn kinh này của ngài Cưu-ma-la-thập đã từng được rất nhiều người chọn dịch sang tiếng Việt. Mặc dù vậy, mỗi một bản dịch dường như đều không tránh khỏi ít nhiều thiếu sót trong việc lột tả nghệ thuật của nguyên bản Hán văn. Vì thế, những bản dịch mới vẫn tiếp tục được thực hiện, và bản Việt dịch này là một đóng góp nữa với rất nhiều nỗ lực của các dịch giả.