Đây là một trong những quyển kinh "gối đầu giường" của hầu hết những người xuất gia. Thông qua hình thức vấn đáp, biện luận, nội dung kinh này đề cập đến hầu hết các vấn đề cơ bản trong giáo lý đạo Phật, một cách rõ ràng, mạch lạc và đầy tính thuyết phục. Cuộc tranh biện giữa một ông vua uy dũng và thông tuệ với một vị tỳ-kheo uyên bác, đức độ còn tạo ra một tình huống gay cấn, thú vị khi một người luôn tự hào với sức mạnh và sự thông thái "bách chiến bách thắng" của mình, trong khi người kia vẫn luôn an nhiên tự tại và tự tin vào ánh sáng của chân lý giác ngộ do đức Phật soi chiếu. Và cuối cùng, điều tất nhiên phải đến chính là sự khuất phục của tri thức thế gian trước trí tuệ của một bậc giác ngộ. Kinh Tỳ-kheo Na-tiên còn có tên là Kinh Di-lan-đà vấn đạo, là một quyển kinh rất có giá trị trong Phật học. Thật ra đây không phải là kinh do Phật thuyết, mà là một tập sách được soạn ra về sau này, khoảng thế kỷ thứ nhất hoặc thứ hai Dương lịch.
Sách này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Bản chữ Hán lấy tựa là Na-tiên tỳ-kheo kinh, xuất hiện vào khoảng đời Đông Tấn, đã mất tên người dịch. Bản tiếng Phạn lấy tựa là Milinda-panha, tức là Vua Di-lan-đà hỏi đạo. Cả hai bản này đều đã được dịch sang tiếng Pháp.
Trước đây, cư sĩ Đoàn Trung Còn có dịch sách này sang tiếng Việt, sử dụng hai bản tiếng Pháp nói trên. Hiện nay chúng tôi không có 2 bản tiếng Pháp mà ông đã sử dụng, nhưng khi thực hiện việc dịch kinh này từ bản chữ Hán, chúng tôi đã sử dụng bản dịch của ông như một nguồn tham khảo. Chúng tôi cũng cố gắng trình bày cả bản chữ Hán ở đây để quý vị tiện việc đối chiếu, tham khảo.
Về mặt văn bản, kinh Tỳ-kheo Na-tiên được đưa vào Đại tạng kinh, hiện còn thấy có 2 bản. Bản đánh số 1670B (phân làm 3 quyển: Thượng, Trung, Hạ) và bản đánh số 1670A (phân làm 2 quyển: Thượng, Hạ). Tuy nhiên, rất may là nội dung hai bản không khác biệt nhiều. Bản 1670A ngắn hơn, nên không có một số đoạn thấy ghi trong bản 1670B, và có một số đoạn hành văn có khác biệt, nhưng không có sự khác biệt nào gợi nên nghi vấn về mặt nghĩa kinh. Vì thế, chúng tôi quyết định chọn sử dụng bản 1670B, là bản có nội dung đầy đủ hơn. Về các tiểu mục trong bản dịch là do chúng tôi căn cứ vào nội dung mà phân ra và đặt thêm các tiêu đề để độc giả tiện việc theo dõi. Trong khi chuyển dịch sang tiếng Việt, chúng tôi có tham khảo cả 2 bản, nhưng chỉ in kèm theo đây bản 1670B được giữ nguyên vẹn, không thực hiện bất cứ sự chỉnh sửa nào. Do lối văn cổ, độc giả có thể sẽ thấy câu văn có phần rườm rà, thiếu gãy gọn và hơi tối nghĩa.