Kinh Kim Cang Bát-nhã-Ba-la-mật, thường gọi tắt là Kinh Kim Cang, là một trong những kinh điển quan trọng của Phật giáo Đại thừa, và đặc biệt quen thuộc với đông đảo Phật tử Việt Nam qua sự gắn liền với hình tượng Lục Tổ Huệ Năng trong kinh Pháp Bảo Đàn. Bởi vì chính Lục Tổ đã nhờ kinh Kim Cang mà được khai ngộ. Kinh này đã được nhiều người dịch từ nguyên ngữ Phạn văn sang Hán Văn. Hiện còn giữ được ít nhất là 6 bản dịch khác nhau, trong số đó cả 4 vị đại dịch giả nổi tiếng qua các triều đại là Cưu-ma-la-thập (344-413), Chân Đế (499-569), Huyền Trang (600-664) và Nghĩa Tịnh (635-713) đều có dịch kinh này. Ngoài ra còn có bản dịch của các ngài Bồ-đề-lưu-chi (508-537) và Cấp-đa (đời Tuỳ, 581-618), số lượng bản dịch phong phú này thiết tưởng cũng đã đủ để nói lên tầm quan trọng và sức cuốn hút của kinh này đối với những người học Phật. Ngoài ra, kinh này cũng đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác như tiếng Anh, tiếng Pháp...
Nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho những ai chưa quen thuộc với các thuật ngữ và khái niệm Phật học, tác giả cũng đã cố gắng biên soạn thêm phần chú giải. Ngoài ra tác giả cũng cho in cả phần Hán văn để thuận tiện cho những ai muốn nghiên cứu, đối chiếu. Về mặt văn bản, tác giả chọn bản dịch theo Hán văn của ngài Cưu-ma-la-thập, là bản đang được lưu hành rộng rãi nhất. Bản dịch này hiện được lưu giữ trong Đại Tang Kinh, được xếp vào quyển 8, số hiệu 235, trang 752.
Trong quá trình chuyển dịch, chúng tôi có tham khảo bãn dịch của học giả Đoàn Trung Còn trước đây, là bản dịch đã có tham khảo bản tiếng Pháp (dịch từ nguyên ngữ Phạn văn), cùng với các bản dịch Hán văn của các vị Huyền Trang, Chân Đế, Nghĩa tịnh, Cấp dă và Bồ-đề-lưu-chi. Ngoài ra, chúng tôi cũng tham khảo thêm bản dịch tiếng Anh của A. F. Price và Wong Mou-Lam và một số bản dịch Anh ngữ khác, trong đó có cả các bản dịch của Edward Conze, Charles Muller và Charles Patton. Ở một vài nơi, khi xác định có sự sai lệch rõ ràng cần điều chỉnh trong bản dịch tiếng Việt, chúng tôi sẽ làm việc này kèm theo với những giải thích rất rõ ràng để độc giả tiện phán đoán. Ngoài bản dịch Việt ngữ, chúng tôi cũng giới thiệu kèm theo bản dịch Anh ngữ của A. F. Price và Wong Mou-Lam (lưu hành rộng rãi trên mạng Internet) để những ai muốn tìm hiểu và đối chiếu thêm với Anh ngữ cũng đều được dễ dàng. Nhân đây chúng tôi cũng xin tỏ lòng biết ơn đối với các dịch giả bản Anh ngữ đã chuyển dịch và lưu hành rộng rãi bản kinh này để bất cứ ai cũng có thể có điều kiện tiếp cận dễ dàng.
Một điều cần lưu ý là hình thức trình bày song song hai bản dịch Anh-Việt chỉ nhằm giúp độc giả tiện đối chiếu, nhưng bản tiếng Việt được dịch từ Hán văn, không phải bản dịch từ tiếng Anh. Vì thế độc giả sẽ thấy có một số đoạn không hoàn toàn trùng khớp. Trong phần phụ lục cuối sách, chúng tôi giới thiệu bản dịch Hán văn của ngài Huyền Trang và bản dịch Anh ngữ của Edward Conze. Với phong cách dịch Hán văn có nhiều khác biệt với ngài Cưu-ma-la-thập nhưng ý tưởng lại không sai khác nhiều, hy vọng bản dịch của ngài Huyền Trang sẽ là nguồn tham khảo so sánh rất tốt cho những ai muốn tìm hiểu sâu hơn về bản kinh này. Bản dịch Anh ngữ của học giả
Edward Conze được dịch trực tiếp từ Phạn văn, là bản dịch từ lâu đã tạo được uy tín lớn lao trong giới học Phật ở phương Tây. Tuy nhiên, trong bản dịch được giới thiệu ở đây có sự giản lược một số chương kinh, độc giả cần lưu ý. Bản dịch của Charles Muller và Charles Patton có văn phong rất lưu loát, nhưng đều là những bản dịch dựa trên bản Hán văn của ngài Cưu-ma-la-thập nên chúng tôi chỉ tham khảo thêm mà không giới thiệu ở đây. Cuối cùng, cho dù chúng tôi đã hết sức cố gắng và cẩn trọng, nhưng chắc hẳn cũng không thể tránh khỏi ít nhiều sai sót trong công việc. Chúng tôi xin chân thành đón nhận và biết ơn mọi sự chỉ giáo cũng như góp ý xây dựng từ quý độc giả gần xa để công việc có thể ngày càng hoàn thiện hơn.