Info
Tác phẩm nầy là kết quả của một cuộc nghiên cứu và suy tư lâu dài được nuôi dưỡng đồng thời bởi những kinh nghiệm lâm sàng bên cạnh nhiều người và những kiến thức về tâm lý và thiêng liêng của tôi. Ý hướng của tôi khi viết tác phẩm nầy thật rõ ràng : cung cấp một chỉ dẫn thực hành để học tha thứ theo tiến trình 12 giai đoạn. Làm người, ai mà chẳng có lúc lầm lỗi : lầm lỗi mình gây nên cho kẻ khác, lầm lỗi kẻ khác gây ra cho mình, hoặc vô tình hoặc cố ý ; và lầm lỗi nào cũng gây nên một vết thương. Lầm lỗi cần được tha thứ và vết thương cần được chữa lành. Nhưng LÀM SAO THA THỨ ? Làm sao chữa lành ? Đó là vấn đề. Nhất là khi sự xúc phạm đến từ những người thân yêu, những người mình tin tưởng, những người đáng ra phải đứng về phía mình..., thì vết thương lại càng đau đớn và sự tha thứ trở nên càng khó ! Phêrô hỏi Chúa Giêsu : "Thưa Thầy, khi anh em lỗi phạm đến con, thì con phải tha thứ cho họ mấy lần ? Có tới bảy lần chăng ?" Chúa Giêsu đáp : "Thầy không nói là bảy lần, nhưng là tới bảy mươi lần bảy" (Mt.18, 21-22). Chúa còn bảo : "Nếu mỗi ngày, anh em con xúc phạm đến con tới bảy lần, và bảy lần nó trở lại với con mà nói Tôi hối hận thì hãy tha cho nó" (Lc.17,4). Ngài còn đi xa hơn nữa : "Khi con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em lỗi phạm đến con, thì hãy để của lễ lại đó, đi làm hòa với người anh em trước đã rồi bấy giờ trở lại dâng của lễ của con" (Mt.5, 23-24). Điều đó quả thật không dễ : Mình có lỗi mà đi làm hòa đã khó, huống chi khi người khác có lỗi với mình và mình là nạn nhân ! Vì "khi một người cảm thấy bị thương tổn, người ấy sẽ bị cám dỗ đầu hàng cơ chế tâm lý của sự tự ái và trả thù, bất chấp lời mời gọi của Chúa Giêsu" (Sứ điệp Mùa Chay 2001 của ĐTC Gioan Phaolô II). Khó, nhưng cần thiết biết bao, vì "tha thứ và xin thứ tha tạo ra một phẩm chất mới trong quan hệ giữa người với người, ngăn chặn vòng xoáy trôn ốc của thù hận và trả thù, trả oán, và bẻ gãy xiềng xích tội lỗi trói buộc trong tâm tư những người thù hận nhau.... không có con đường nào khác hơn là tha thứ và xin thứ tha" (Sứ điệp ...). Cũng chính vì thế mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chọn chủ đề cho Ngày Hòa Bình Thế Giới năm 2002 là "Không có tha thứ thì sẽ không có Hòa Bình". Trong thời gian qua, đã có hai chủ đề liên quan đến Tha Thứ. Đó là chủ đề của sứ điệp Hòa Bình năm 1975 : "Hòa Giải là con đường dẫn đến Hòa Bình"; và chủ đề của năm 1997 : "Hãy trao ban tha thứ, bạn sẽ nhận lại Hòa Bình". Trong lời mời gọi hãy tha thứ, ĐTC Gioan Phaolô II bàn về vài điều kiện cần được nhìn nhận và thực hiện, ngõ hầu hòa bình có thể có được. Những điều kiện đó là sự đối thoại thành thật và liên lỉ, sự chấp nhận trách nhiệm và sự nhìn nhận sự tự do con nguời. Giáo Hội đi theo con đường "thanh tẩy ký ức" cách can đảm và khiêm tốn, đặt hết niềm tin tưởng vào tình thương nhân từ của Chúa, và khuyến khích thế giới hãy tin tưởng vào sức mạnh của sự thật và tình thương. Như thế tha thứ là một nổ lực vừa nhân bản vừa thiêng liêng, là một hợp tác không những giữa kẻ gây nên xúc phạm và người bị xúc phạm, mà còn giữa con người với Thiên Chúa. Tha thứ bao hàm cả lãnh vực thể chất, lẫn tâm lý và thiêng liêng, huy động mọi phần và mọi quan năng của con người mình, nên tiến trình tha thứ vừa dài vừa phức tạp và khó khăn, có khi phải luyện tập vòng lui vòng tới nhiều lần và can đảm bắt đầu trở lại ở một giai đoạn nào đó hoặc ngay cả từ đầu, mỗi khi thất bại, dù việc tập luyện đôi khi như đóng kịch ! Việc nầy còn tùy thuộc một yếu tố quan trọng khác nữa là thời gian : phải có thời gian cho hạt cát biến thành ngọc trai, phải có thời gian cho việc tốt tích lủy thành nhân đức, phải có thời gian cho nỗi đau dịu xuống, vết thương liền sẹo và được lành, phải có thời gian cho tha thứ thành tự nguyện và thực hiện được, đốt giai đoạn là thất bại và hỏng việc. Thành thật thú nhận bản thân tôi đã trải qua nhiều kinh nghiệm khó khăn và thương đau trong lãnh vực nầy, nên khi bạn thân từ Canada gởi cho cuốn LÀM SAO THA THỨ ? (Comment pardonner ?) của Jean Monbourquette o.m.i, do nhà xuất bản NOVALIS ấn hành, thì như "bao nhiêu năm mệt nhòa, mình tìm mà tìm không ra, thế nhưng bây giờ thành bại tùy ta", tôi đã đọc say mê từng dòng từng trang. Hưởng được nhiều lợi ích trong việc chữa lành và lớn lên nhờ tha thứ và được tha thứ, tôi xin được phỏng dịch, thích nghi và thay đổi một số chi tiết cần thiết để chia sẻ với người khác, như một ước vọng và một đóng góp cho Giáo Hội và Xã Hội của chương trình CHO MỘT TƯƠNG LAI TỐT ĐẸP HƠN. Nếu chỉ có một người cảm thấy được ích từ công việc nầy thôi, thì tôi cũng đã mãn nguyện lắm rồi, và hết lòng tạ ơn Ba Đấng.