Mã tài liệu: 236277
Số trang: 131
Định dạng: pdf
Dung lượng file: 705 Kb
Chuyên mục: Luật
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Đẩy mạnh cải cách tổ chức và hoạt động của Nhà nước, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế là một nội dung quan trọng của sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước ở Việt Nam hiện nay. Một trong các yêu cầu quan trọng của nội dung này là xác định đúng vai trò, chức năng của Nhà nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xác định vai trò của Nhà nước trong cung ứng dịch vụ công nhằm làm cho bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đảm bảo sự phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Trước yêu cầu trên, xã hội hóa dịch vụ công, trong đó có xã hội hóa công chứng là một giải pháp quan trọng.
Cùng với chủ trương xã hội hóa các hoạt động luật sư, tư vấn, giám định tư pháp, xã hội hóa công chứng là quan điểm, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay, thể hiện đặc biệt rõ nét ở Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 với nội dung:
Hoàn thiện thể chế công chứng. Xác định rõ phạm vi công chứng và chứng thực, giá trị pháp lý của văn bản công chứng. Xây dựng mô hình quản lý nhà nước về công chứng theo hướng Nhà nước chỉ tổ chức cơ quan công chứng thích hợp; có bước đi phù hợp để từng bước xã hội hóa công việc này .
Tuy nhiên, cũng như xã hội hóa dịch vụ công, xã hội hóa công chứng ở nước ta hiện nay vẫn còn là vấn đề mới, chưa có tiền lệ, chưa được làm sáng tỏ về lý luận cũng như thực tiễn; còn có sự khác nhau về nhận thức không chỉ trong người dân, mà ngay cả trong đội ngũ công chức trong các cơ quan hành chính, cơ quan tư pháp, các chuyên gia, các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu khoa học pháp lý.
Vì vậy, để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa công chứng, kịp thời đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế, cần khẩn trương nghiên cứu một cách nghiêm túc, khách quan, toàn diện, có hệ thống cả về cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn nhằm tạo cơ sở khoa học tin cậy cho toàn bộ quá trình xã hội hóa công chứng ở Việt Nam.
Với lý do trên, tác giả chọn đề tài "Xã hội hóa công chứng ở Việt Nam hiện nay" cho luận văn tốt nghiệp của mình.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Xã hội hóa công chứng là vấn đề mới ở Việt Nam, chưa có tiền lệ, chưa được thể chế hóa.
Về góc độ lý luận, cho đến nay vấn đề xã hội hóa công chứng chưa được nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện, đầy đủ; chưa có một đề tài nào trực tiếp đi sâu nghiên cứu cơ sở lý luận về xã hội hóa công chứng. Trong một số luận án, luận văn, bài viết về công chứng, xã hội hóa công chứng mới chỉ được đề cập đến như là một trong các giải pháp hoàn thiện pháp luật công chứng hoặc đổi mới tổ chức hoạt động công chứng ở Việt Nam hiện nay. Ví dụ: Luận án tiến sĩ Luật học: "Tổ chức và hoạt động công chứng nhà nước ở nước ta hiện nay" của tác giả Dương Khánh, 2002; Luận văn thạc sĩ Luật học: "Hoàn thiện pháp luật về công chứng ở Việt Nam hiện nay" của tác giả Lê Kim Hoa, 2003; bài "Một số ý kiến về đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan công chứng" của tác giả Lê Khả đăng trên báo Pháp luật, ngày 18/2/2003; "Công chứng, chứng thực trong điều kiện cải cách hành chính và cải cách tư pháp" của tác giả Trần Thất, đăng trên tạp chí Dân chủ và pháp luật, số 6/2004; "Công chứng, chứng thực ở Việt Nam - Thực trạng và định hướng phát triển" của tác giả Phạm Văn Lợi, đăng trên tạp chí Dân chủ và pháp luật, số 7/2002.
Một số luận văn, bài viết về xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp, trong đó, hoạt động công chứng được đề cập đến như một trong các hoạt động bổ trợ tư pháp cần thiết phải xã hội hóa. Ví dụ: Luận văn thạc sĩ Luật học: "Xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp" của tác giả Trần Thị Quang Hồng, 2000; bài "Khái niệm, định hướng xã hội hóa tổ chức và hoạt động bổ trợ tư pháp" của tác giả Nguyễn Văn Tuân, đăng trên tạp chí Dân chủ và pháp luật, số 8/2004.
Tác giả Nguyễn Văn Toàn đã có Luận văn thạc sĩ (bảo vệ tại Cộng hòa Pháp) với đề tài: "Công chứng Việt Nam trong nền kinh tế thị trường theo mô hình công chứng Latinh", 2004. Luận văn đã nghiên cứu và phân tích khá sâu sắc các hệ thống công chứng trên thế giới, đặc biệt, đi sâu nghiên cứu cải cách công chứng ở Cộng hòa Ba Lan và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, hai điển hình thành công của việc cải cách công chứng từ mô hình công chứng nhà nước sang mô hình công chứng Latinh ở các nước có nền kinh tế chuyển đổi; phân tích thực trạng công chứng Việt Nam và đưa ra giải pháp đổi mới công chứng Việt Nam theo mô hình công chứng Latinh. Tuy nhiên, cơ sở lý luận của việc đổi mới này chưa được tác giả quan tâm đề cập trong luận văn.
Bộ Tư pháp, Nhà Pháp luật Việt - Pháp cũng đã tổ chức một số hội thảo khoa học về đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng trong điều kiện cải cách hành chính ở Việt Nam; về vai trò của các nghề bổ trợ tư pháp (trong đó có công chứng) trong Nhà nước pháp quyền; về kinh nghiệm tổ chức, hoạt động công chứng ở Cộng hòa Pháp và các quốc gia trên thế giới
Gần đây nhất, đầu năm 2005, Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ nghiên cứu đề tài cấp bộ "Những vấn đề lý luận và thực tiễn của việc xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp", mà địa chỉ áp dụng kết quả nghiên cứu là lĩnh vực công chứng, giám định tư pháp và một số hoạt động hộ tịch. Tuy nhiên, việc nghiên cứu đề tài hiện mới đang từng bước triển khai.
Xã hội hóa công chứng ở Việt Nam hiện nay là đề tài đầu tiên nghiên cứu tương đối hệ thống và toàn diện lý luận về xã hội hóa công chứng, nhằm góp phần làm cơ sở khoa học cho quá trình xã hội hóa công chứng ở Việt Nam.
3. Phạm vi nghiên cứu của luận văn
Xã hội hóa công chứng là một lĩnh vực có phạm vi nghiên cứu tương đối rộng, song dưới góc độ lý luận và lịch sử Nhà nước và pháp luật, luận văn chủ yếu tập trung nghiên cứu, làm rõ những vấn đề lý luận về xã hội hóa công chứng gắn liền với quá trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp; đánh giá thực trạng công chứng nhà nước từ năm 2001 đến nay (tính từ thời điểm Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực có hiệu lực thi hành); yêu cầu khách quan xã hội hóa công chứng; đề ra các quan điểm giải pháp cơ bản để xã hội hóa công chứng ở Việt Nam với lộ trình từ nay đến năm 2020.
4. Mục đích, nhiệm vụ của luận văn
4.1. Mục đích
Mục đích của luận văn là trên cơ sở làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn về xã hội hóa công chứng, đề xuất và phân tích các quan điểm, giải pháp xã hội hóa công chứng ở Việt Nam trong thời gian tới, góp phần thực hiện mục tiêu cải cách tổ chức và hoạt động của nhà nước nói chung, mục tiêu cải cách tư pháp nói riêng trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
4.2. Nhiệm vụ của luận văn
Để thực hiện mục đích trên, luận văn có nhiệm vụ:
- Làm rõ một số vấn đề lý luận về công chứng, xã hội hóa công chứng.
- Đánh giá thực trạng tổ chức, hoạt động công chứng nhà nước và phân tích các yêu cầu khách quan xã hội hóa công chứng ở Việt Nam hiện nay.
- Đề xuất các quan điểm, giải pháp xã hội hóa công chứng.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
Luận văn được thực hiện trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật; quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; về cải cách hành chính, cải cách tư pháp.
Luận văn dựa trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, trực tiếp sử dụng các phương pháp của triết học Mác - Lênin, như phương pháp kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, phương pháp lịch sử cụ thể, phân tích và tổng hợp, thống kê luật học, lý thuyết hệ thống .
6. Đóng góp mới của luận văn
Luận văn là chuyên khảo khoa học đầu tiên nghiên cứu một cách tương đối có hệ thống về xã hội hóa công chứng, đưa ra khái niệm xã hội hóa công chứng, nguyên tắc phạm vi xã hội hóa công chứng, ý nghĩa của xã hội hóa công chứng, các giải pháp cơ bản để đưa chủ trương xã hội hóa công chứng của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống.
7. Ý nghĩa lý luận, ý nghĩa thực tiễn của luận văn
- Luận văn đóng góp cho việc giải quyết các vấn đề lý luận về việc xã hội hóa công chứng ở Việt Nam.
- Những vấn đề được làm sáng tỏ trong luận văn có thể đóng góp cho việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về công chứng ở Việt Nam theo hướng xã hội hóa, thực hiện chủ trương xã hội hóa công chứng của Đảng và Nhà nước.
- Luận văn có thể làm tài liệu nghiên cứu, giảng dạy về công chứng, xã hội hóa công chứng
Những tài liệu gần giống với tài liệu bạn đang xem
📎 Số trang: 8
👁 Lượt xem: 418
⬇ Lượt tải: 17
📎 Số trang: 75
👁 Lượt xem: 709
⬇ Lượt tải: 16
📎 Số trang: 89
👁 Lượt xem: 390
⬇ Lượt tải: 16
📎 Số trang: 76
👁 Lượt xem: 502
⬇ Lượt tải: 16
📎 Số trang: 15
👁 Lượt xem: 519
⬇ Lượt tải: 16
📎 Số trang: 72
👁 Lượt xem: 353
⬇ Lượt tải: 18
📎 Số trang: 5
👁 Lượt xem: 638
⬇ Lượt tải: 17
📎 Số trang: 18
👁 Lượt xem: 365
⬇ Lượt tải: 24
📎 Số trang: 120
👁 Lượt xem: 408
⬇ Lượt tải: 17
📎 Số trang: 5
👁 Lượt xem: 322
⬇ Lượt tải: 21
📎 Số trang: 7
👁 Lượt xem: 935
⬇ Lượt tải: 16
📎 Số trang: 14
👁 Lượt xem: 346
⬇ Lượt tải: 16
Những tài liệu bạn đã xem
📎 Số trang: 131
👁 Lượt xem: 648
⬇ Lượt tải: 17