Info
Nhưng chữ quốc ngữ từ lĩnh vực giao tiếp truyền đạo, lĩnh vực hành chính của chính quyền thuộc địa đến tiếng Việt như là ngôn ngữ chính thức của đời sống xã hội, của báo chí truyền thông, của văn học nghệ thuật là cả một thời gian dài để làm quen, rèn rũa, trau chuốt cho đến thuần thục. Thời gian chuẩn bị đó khá dài, khoảng trên ba thế kỷ (từ thế kỷ 16 cho đến tận gần giữa thế kỷ 20 (thời kỳ 1930 – 1945)). Và, những báo, tạp chí, những công báo… ở thời kỳ này, dù theo các xu hướng chính trị xã hội khác nhau, đều có tác dụng khách quan thúc đẩy sự phát triển hoàn thiện của Tiếng Việt La tinh hóa, của chữ quốc ngữ. Trong số các báo, tạp chí như Đông Pháp, Trung Bắc tân văn, An Nam tạp chí, Nam Phong tạp chí… thì tạp chí Nam Phong do Phạm Quỳnh làm chủ bút (từ 1917 đến 1934) có những đóng góp cần được nhìn nhận lại. Trong số các cây bút chính của Nam Phong như Nguyễn Mạnh Bổng, Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, hai cha con (Thật ra, không phải là hai cha con, chỉ là người trùng họ với nhau – PT chú) Nguyễn Bá Học, Nguyễn Bá Trác, Phạm Duy Tốn… thì cây bút chủ báo Phạm Quỳnh là nổi bật nhất. Thượng Chi đã viết thường xuyên về nhiều thể loại trên báo này: dịch thuật, thông tin, bình luận, khảo cứu… Các bút ký Trẩy hội Chùa Hương, Mười ngày ở Huế, Một tháng ở Nam Kỳ có thể gọi là bút ký du lịch, khi Phạm Quỳnh mới ra làm báo Nam Phong, đầy hăm hở của một người ham hiểu biết, yêu mến thiên nhiên, tìm hiểu các di sản văn hóa, các phong tục tập quán. Trong bút ký Trẩy hội Chùa Hương, tác giả rất bài bác tệ mê tín buôn thần bán thánh nhưng lại tỏ ra thích thú khi thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên và tìm thấy ở Đạo Phật chân chính một nguồn cứu rỗi tâm hồn. Trong bút ký Mười ngày ở Huế, với một thời gian ngắn ngủi, tác giả đã nêu được nhiều hình ảnh phản ánh tình hình đời sống, dân tình thời ấy cùng vẻ đẹp kỳ ảo của cảnh núi non sông nước, các công trình kiến trúc đặc sắc của cố đô Huế, gặp gỡ những gia đình quí tộc có danh tiếng như nữ sĩ (thật ra là nữ sử - PT chú) Đạm Phương (mẹ đẻ nhà văn Hải Triều tức Nguyễn Khoa Văn…). Đặc biệt trong thiên bút ký này Phạm Quỳnh được tận mắt chứng kiến lễ tế Nam Giao. Những ghi chép này rất có giá trị trong việc tìm hiểu phong tục cung đình thời nhà Nguyễn. Trong Một tháng ở Nam Kỳ, tác giả đã nhận biết sớm và rất đúng tính cách đời sống Nam Bộ, ghi lại được nhiều điều về đời sống Nam Kỳ lục tỉnh lúc đó, về tình hình của các Hội khuyến học và báo chí Nam Kỳ đương thời. Tóm lại, về mặt nội dung, các bút ký du lịch của Phạm Quỳnh đã ghi lại được nhiều mặt về thiên nhiên đất nước, phong tục tập quán và đời sống đương thời, cách viết hấp dẫn, suy tư phong phú, gây được tình cảm tốt cho người đọc về nghĩa vụ của người công dân đối với quốc gia, với truyền thống văn hóa của tiền nhân.