Info
MỘT TIỂU THUYẾT HAY VIẾT VỀ NÔNG THÔN
Nhân đọc tiểu thuyết
"Đứa con của thần linh" của Trần Quang Vinh - NXB Hội Nhà Văn 2009
LÊ DUY THÁI
Nhà văn Trần Quang Vinh quê gốc làng Phong Lưu xã Phong Cốc huyện Yên Hưng tỉnh Quảng Ninh, hiện sống và công tác tại TP Vũng Tàu vừa gửi cho chúng tôi một tiểu thuyết mới của anh với nhan đề: "Đứa con của thần linh". Đây là một tấm lòng của một người con xa quê, nhưng vẫn hướng về quê với những gì yêu thương, khắc khoải, của một hồn văn.
Có thể nói tiểu thuyết "Đứa con của thần linh" của Trần Quang Vinh là cuốn sách hay viết vê nông thôn.
Tiểu thuyết viết về một khúc trong vòng biến dịch của kiếp nhân sinh. Khúc đời từ bà Đội Quí đến mợ Gấm hy sinh làm mọi cách để chắp nối, duy trì sự kế tục cho dòng họ Đào nơi vùng quê đảo Hà trong vòng luân hồi khỏi sự đứt đoạn.
Sách nêu lên sự xung khắc giữa con người tự nhiên, bản ngã với con người xã hội, bổn phận. Sự vươn lên bứt phá của con người tự nhiên và sự thất bại của nó trước con người xã hội. Bởi sự chi phối của những qui luật vô hình tưởng như thần bí.
Cùng với các sự kiện diễn biến trong không gian tiểu thuyết, từng trang sách của
"Đứa con của thần linh" tác giả đã đưa vào nhiều chi tiết rất đậm đà nét bản sắc văn hoá nông thôn Việt Nam nơi thôn dã đảo Hà. Mọi phong tục tập quán tâm lí, tư tưởng, hành vi của của các nhân vật tiêu biểu như: bà Đội, mụ mối, đồ Mão... được tái hiện. Người đọc được sống với tất cả những mỹ tục, hủ tục vô cùng phong phú, vô cùng phức tạp của nông thôn ngày xưa. Từ tục xem nữ tướng, hỏi, cưới, tang ma, cầu cúng, hội làng cho đến chửi bới nhau như hát... Hình như còn rất ít sách đề cập được một cách tỉ mỉ, cụ thể, sinh động như vậy. Có thể coi đây là một tiểu thuyết chứa đựng khá đầy đủ những cung bậc về phong tục xưa của nông thôn Việt Nam mà điển hình ở đây là vùng quê đảo Hà.
Sách có những trang tế đình chùa, đền, miếu lễ hội cho đến các thuật bắt cua bắt cá, soi ếch trên đồng thật tỉ mỉ, cụ thể, sinh động và hấp dẫn... Nghệ thuật kể chuyện từ tốn, khách quan, gọn gàng giản dị rất dân gian mà không kém phần bác học.
Thấp thoáng như sách cũng đã đề cập khá sâu sắc về kiến thức lịch sử và các phong trào cách mạng yêu nước ảnh hưởng đến vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh qua các nhân vật Nhâm, Đao...
Thời @ có tâm lý ngại sách ngàn trang. Cô đọng tiểu thuyết "Đứa con của thần linh" trong vài trăm trang, Trần Quang Vinh đã khiến cho người đọc dễ hấp dẫn hơn!