Mã tài liệu: 130664
Số trang: 12
Định dạng: docx
Dung lượng file:
Chuyên mục: Văn học
Chắc nhiều người còn nhớ bận bão mùa hè năm 1956. Trận bão ấy, ở bãi Nổi trên sông Cái, sét đánh cụt ngọn cây muỗm đại thụ. Không biết ai nói trông thấy có đôi giao long quấn chặt lấy nhau vẫy vùng làm đục cả một khúc sông. Tạnh mưa, dưới gốc cây muỗm, có một đứa bé mới sinh đang nằm. Đứa bé ấy là con thuỷ thần để lại.
Dân trong vùng gọi đứa bé ấy là Mẹ Cả. Ai nuôi Mẹ Cả, tôi không biết, nghe phong phanh trong từ đền Tía đón về nuôi. Lại đồn thím Mòng trên phố chợ đón về nuôi. Lại đồn các xơ trong nhà tu kín đón về, đặt tên thánh cho Mẹ Cả là Gianna Đoàn Thị Phượng.
Chuyện Mẹ Cả ám ảnh tôi suốt thời niên thiếu. Một bận, mẹ tôi đi chợ Xuôi về, kể chuyện Mẹ Cả cứu hai cha con ông Hội bên Đoài Hạ. Ông Hội làm nhà, mang đứa con gái tám tuổi đi đào cát. Hố cát khoét hàm ếch, sụt xuống, vùi lấp cả hai cha con. Mẹ Cả đang bơi trên sông, trông thấy, hoá phép thành con rái cá ra sức đào bới cứu được hai người.
Một lần, ông Tư Chung đào giếng bảo đào được cái trống đồng. Phòng văn hoá huyện về xin mang trống đi. Khi qua sông, tự dưng sấm chớp đùng đùng, sóng gió lớn cộn lên. Mẹ Cả bơi trên sông bảo: Vứt trống xuống đây. Thuyền chòng chành sắp ụp, mọi người đành vứt trống xuống cho Mẹ Cả. Mẹ Cả ngồi trên mặt trống đánh thùng thùng. Thế là sấm tan mưa tạnh. Mẹ Cả ôm trống lặn xuống đáy sông.
Chuyện Mẹ Cả lung tung lắm, nửa hư nửa thực. Tuổi thơ của tôi u buồn và bề bộn việc, mà việc nào cũng vất vả cả, tôi chẳng có thì giờ để ý đến chuyện người dưng.
Nhà tôi làm ruộng, đào đá ong và làm thêm nghề lột giang đan mũ. Làm ruộng chẳng nói ai cũng biết rồi, chẳng dễ dàng gì. Mười bốn tuổi, tôi là thợ cày chủ lực trong hợp tác xã. Bốn giờ sáng, ông đội trưởng đội cày gọi cổng: Chương ơi, hôm nay cày chân ruộng Gò mả nguỵ nhé! Thế là tôi bổ dậy, ăn vội ăn vàng bát cơm nguội rồi đi. Trời còn tối, chuột đồng chạy rào rào trong các vạt ngô ven bãi. Tôi nửa thức nửa ngủ, chân nam đá chân chiêu, cứ nhằm phía quầng sáng điện thị xã mà đánh trâu đi. Chân ruộng Gò mả nguỵ ở đó. Đây là chân ruộng xấu nhất cánh đồng, đất cằn bạc phếch bạc phơ, thỉnh thoảng lại có đá ngầm. Tôi cày một mạch đến trưa, thấy đứng bóng thì tháo trâu về. Mẹ tôi bảo: Chương ơi, ông Nhiêu dặn đá ong nhà mình tháng này thiếu tám chục viên, hôm trước bố con mới nộp hơn bốn trăm viên. Tôi vác thuổng đi lên đồi Sậy. Đá ong đồi Sậy thường chỉ đào được sáu lớp thì hết một vỉa, đến lớp đất thịt. Đá ong chỉ đào được những hôm nắng. Hôm mưa thì bùn nhão nhoét, đỏ cành cạch, đá bở. Thường một buổi chiều cật lực, tôi đào được hai chục viên. Ông Nhiêu đi qua khen: Có nghề lắm. Ngày xưa tao đào có lần xắn mẹ phải ngón chân cái. Ông chìa bàn chân đi dép cao su cho tôi nhìn thấy ngón chân bị cụt. Chân của ông Nhiêu là chân Giao Chỉ, ngón cái không thẳng mà toẽ hẳn ra. Chân này chắc chẳng giầy nào vừa được . Buổi tối, tôi ngồi lột nan. Giang mua của cánh lái bè, về cạo ra, chặt bỏ mấu, pha nhỏ, cho vào nồi luộc. Sau đó phải hấp diêm sinh, mang đi phơi khô, bó lại gác lên nóc nhà. Khi làm thì ngâm vài ngày rồi lấy dao lột. Lột giang phải thật cẩn thận, lột bằng thứ dao đặt ở thợ rèn, lưỡi mỏng dính, đứt tay như chơi. Khi lột, lòng, cật để riêng, sau đó tách thành từng sợi đều đặn thuê trẻ con đan. Mỗi cuộn là hai chục mét, bán cho nhà có máy khâu may mũ. Mẹ tôi bảo: Nghề này chẳng giàu được đâu nhưng mà có việc quanh năm để trẻ khỏi nghịch. Những đứa em tôi, bốn tuổi đã biết đan rồi, tay cứ nhoay nhoáy suốt ngày, đi đâu cũng có bó nan cắp nách. Gà gáy canh ba tôi mới đi ngủ. Một ngày đầy ắp công việc. Giấc ngủ kéo đến. Hình ảnh Mẹ Cả chen vào giấc ngủ ở một khe hở nào đó rất nhỏ, không phải thường xuyên, tôi không chắc một năm đã được một lần.
Những tài liệu gần giống với tài liệu bạn đang xem
Những tài liệu bạn đã xem