Mã tài liệu: 224943
Số trang: 144
Định dạng: pdf
Dung lượng file: 1,884 Kb
Chuyên mục: Tài chính - Ngân hàng
LỜI MỞ ĐẦU
Ngân sách Nhà nước (NSNN) là khâu cơ bản, chủ đạo của tài chính nhà nước, là nguồn tài chính tập trung quan trọng nhất trong hệ thống tài chính quốc gia. NSNN tác động trực tiếp đến việc tăng quy mô đầu tư, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và phát triển. Thông qua việc phân bổ NSNN, Nhà nước thực hiện việc điều chỉnh cơ cấu kinh tế, thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế nhằm phát triển bền vững và không ngừng nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội (KTXH). Điều đó cho thấy việc phân bổ sử dụng có hiệu quả vốn NSNN của quốc gia nói chung và của các địa phương nói riêng có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp Chính phủ và chính quyền các cấp thực hiện tốt các mục tiêu tăng trưởng KTXH của mình.
Ở Việt Nam, quá trình phân bổ ngân sách đã trải qua nhiều thời kỳ và đã có những chuyển biến đáng kể, đánh dấu bằng sự ra đời của Quyết định 139/2003/QĐ-TTg về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên của NSNN cho các bộ, ngành, cơ quan Trung ương (TW) và các tỉnh, thành phố trực thuộc TW.
Quá trình thực hiện hệ thống định mức phân bổ ngân sách (ĐMPBNS) theo Quyết định 139 của Chính phủ đã đạt được những kết quả quan trọng như: cơ bản đã đảm bảo tính công bằng, hợp lý; đảm bảo tính công khai, minh bạch của NSNN. Đồng thời qua đó thể hiện ưu tiên đối với vùng miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc có nhiều khó khăn và vùng kinh tế trọng điểm; phù hợp với khả năng cân đối NSNN, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH, quốc phòng, an ninh; góp phần tăng cường công tác quản lý tài chính, sử dụng ngân sách có hiệu quả, tiết kiệm.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện hệ thống định mức phân bổ chi thường xuyên (TX) của NSNN thời gian qua còn một số hạn chế: phạm vi hệ thống định mức phân bổ chưa bao quát hết các lĩnh vực chi TX của NSNN; các vùng miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc khó khăn mặc dù đã được ưu tiên trong hệ thống ĐMPBNS, nhưng trong giai đoạn mới mục tiêu và yêu cầu phát triển KTXH, xoá đói giảm nghèo được Chính Phủ đặt ra rất lớn nên cần phải tăng mức độ ưu tiên hơn đối với hệ thống định mức phân bổ. Do vậy, cần phải xây dựng hệ thống phân bổ NSNN trên cơ sở kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, khắc phục các tồn tại để đáp ứng tốt nhiệm vụ phát triển KTXH của cả nước nói chung và địa phương nói riêng.
Việc ban hành Quyết định số 151/2006/QĐ-TTg ngày 29/6/2006 và Quyết định số 210/2006/QĐ - TTg ngày 12/9/2006 là một sự đổi mới rất quan trọng, các quy định về tiêu chí và định mức được lượng hoá; bảo đảm việc phân bổ NSNN công khai, minh bạch và công bằng so với trước; khắc phục được việc phân bổ theo cảm tính thiếu căn cứ trước đây. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung trong việc xác định định mức chi NSNN. Việc xây dựng các định mức chi tiêu ngân sách (NS) vẫn chủ yếu dựa trên các yếu tố đầu vào, mà chưa tính đến các hiệu quả đầu ra của các khoản chi tiêu, là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng chi tiêu NS lãng phí, hiệu quả thấp.
Quảng Bình là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, hàng năm đều được TW trợ cấp Ngân sách. Những năm gần đây, Quảng Bình đều đạt các chỉ tiêu của Tỉnh đề ra do công tác phân bổ NSNN được các ngành, các cấp quan tâm, chú trọng. Trên thực tế vốn đầu tư từ NSNN của Quảng Bình đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp phát triển KTXH của tỉnh. Nhưng bên cạnh đó, do nhiều nguyên nhân khác nhau đã làm cho việc phân bổ NSNN đạt hiệu quả chưa cao.
Công tác phân bổ NS lập theo từng năm và thường được lập theo phương pháp tăng thêm một tỷ lệ phần trăm nhất định so với số ước thực hiện năm hiện hành, chưa gắn chặt với việc triển khai thực hiện kế hoạch KTXH của địa phương. Vì vậy, một số dự toán phân bổ giao chính thức cho Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện không sát với thực trạng KTXH. Trước tình hình đó, việc nghiên cứu đề tài “ Hoàn thiện công tác xây dựng hệ thống định mức phân bổ ngân sách nhà nước Tỉnh Quảng Bình” nhằm góp phần thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Bình là cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn đang đặt ra hiện nay.
2. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI
+ Mục tiêu chung
Trên cơ sở quy trình lập dự toán NSNN, tình hình phân bổ vốn đầu tư phát triển (ĐTPT), định mức phân bổ chi thường xuyên NSNN hiện hành để đánh giá kết quả phân bổ NSNN từ năm 2004-2007. Xây dựng căn cứ, tiêu chí, định mức phân bổ NSNN cho các cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố đảm bảo công bằng, minh bạch, phát huy hiệu quả sử dụng vốn và góp phần đảm bảo nguồn lực để triển khai thực hiện một cách tốt nhất kế hoạch phát triển KTXH của tỉnh đến 2015.
+ Mục tiêu cụ thể
- Hệ thống hoá những vấn đề lý luận về NSNN; phân bổ NSNN, cơ sở phương pháp luận về xây dựng ĐMPBNS.
- Đánh giá thực trạng công tác xây dựng ĐMPBNS và những kết quả đạt được, những bất cập tồn tại trong việc phân bổ sử dụng NSNN giai đoạn 2004-2007.
- Hoàn thiện công tác xây dựng ĐMPBNS cho các ngành, địa phương trong quá trình xây dựng kế hoạch phân bổ NSNN giai đoạn 2011-2015.
3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
- Đối tượng nghiên cứu là lý luận và thực tiễn công tác phân bổ NSNN và xây dựng hệ thống ĐMPBNS ở tỉnh Quảng Bình.
- Phạm vi nghiên cứu của đề tài chủ yếu là công tác xây dựng định mức phân bổ NSNN lĩnh vực chi ĐTPT, chi thường xuyên giai đoạn 2004-2007; các giải pháp hoàn thiện công tác xây dựng hệ thống định mức phân bổ NSNN tỉnh nhằm thực hiện tốt mục tiêu tăng trưởng của tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011- 2015.
4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
- Phương pháp thu thập tài liệu
* Tài liệu thứ cấp: Tài liệu được lấy từ niên giám thống kê của Cục Thống kê, các báo cáo phân bổ dự toán từ 2004-2007, quyết toán thu chi NSNN từ năm 2004- 2007, báo cáo đánh giá tình hình KTXH của tỉnh từ năm 2001 - 2007; kế hoạch phát triển KTXH đến năm 2020, các quyết định về định mức phân bổ NSNN của Thủ tướng Chính phủ, các kết quả nghiên cứu bước đầu về phân bổ NS theo đầu ra, kết quả; các Nghị quyết, quyết định của HĐND, UBND tỉnh về định mức phân bổ chi thường xuyên, chi ĐTPT của NSNN năm 2007 .
* Tài liệu sơ cấp: Tiến hành khảo sát thực tế những người kinh nghiệm có liên quan hoặc liên quan trực tiếp đến công tác phân bổ NSNN trên địa bàn tỉnh, huyện thông qua phiếu điều tra.
- Phương pháp điều tra mẫu:
Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã tổ chức điều tra và lấy ý kiến của các chuyên gia tài chính là lãnh đạo các đơn vị: Sở tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư, UBND, HĐND các cấp, các phòng Tài chính huyện, thành phố có liên quan đến công tác phân bổ NSNN, đánh giá kết quả sử dụng NSNN.
Từ số liệu thu thập được, xây dựng hệ thống các chỉ tiêu, biểu bảng để phân tích, đánh giá tình hình phân bổ NSNN theo ngành kinh tế quốc dân, theo nội dung chi ĐTPT và chi thường xuyên.
- Phương pháp phân tích
Sử dụng các phương pháp phân tích thống kê như số tương đối, số tuyệt đối, số bình quân; phương pháp chỉ số; đối chiếu các căn cứ, qui trình lập, phân bổ NSNN theo qui định của Nhà nước so với qui trình đang thực hiện . để mô tả, xác định mối quan hệ giữa các nội dung sử dụng NSNN; phân tích và xác định xu hướng biến động của quá trình phân bổ và cơ cấu sử dụng NSNN.
- Phương pháp khảo sát tình hình thực tế, phân tích, đánh giá rõ các ưu nhược điểm, chỉ rõ các vấn đề bất cập, vướng mắc của ĐMPBNS hiện hành và kết quả phân bổ NSNN; phân tích có hệ thống các căn cứ, mức độ của những nhân tố ảnh hưởng, tác động đến quá trình phân bổ NSNN để từ đó xây dựng hệ thống các căn cứ, tiêu chí, phương pháp định lượng phân bổ NSNN một cách khoa học, hợp lý.
Căn cứ kết quả phân bổ NSNN, tình hình sử dụng NSNN giai đoạn từ 2004-2007 và các phương pháp phân bổ NSNN làm cơ sở cho việc xác định cơ cấu phân bổ NSNN giai đoạn 2011 - 2015.
5. KẾT CẤU CỦA LUẬN VĂN
Ngoài phần mở đầu, kết luận, nội dung luận văn gồm 3 chương:
Chương 1: Một số vấn đề lý luận về NSNN, phân bổ NSNN và ĐMPBNS.
Chương 2: Thực trạng công tác xây dựng hệ thống định mức phân bổ NSNN tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2004-2007.
Chương 3: Giải pháp hoàn thiện công tác xây dựng hệ thống định mức phân bổ NSNN nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển KTXH tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011 - 2015
Những tài liệu gần giống với tài liệu bạn đang xem
📎 Số trang: 75
👁 Lượt xem: 380
⬇ Lượt tải: 16
📎 Số trang: 24
👁 Lượt xem: 281
⬇ Lượt tải: 16
📎 Số trang: 100
👁 Lượt xem: 483
⬇ Lượt tải: 16
📎 Số trang: 29
👁 Lượt xem: 497
⬇ Lượt tải: 16
📎 Số trang: 96
👁 Lượt xem: 439
⬇ Lượt tải: 16
📎 Số trang: 112
👁 Lượt xem: 417
⬇ Lượt tải: 18
📎 Số trang: 84
👁 Lượt xem: 484
⬇ Lượt tải: 16
📎 Số trang: 30
👁 Lượt xem: 305
⬇ Lượt tải: 18
📎 Số trang: 30
👁 Lượt xem: 261
⬇ Lượt tải: 16
📎 Số trang: 61
👁 Lượt xem: 456
⬇ Lượt tải: 16
📎 Số trang: 86
👁 Lượt xem: 2673
⬇ Lượt tải: 26
📎 Số trang: 54
👁 Lượt xem: 603
⬇ Lượt tải: 16
Những tài liệu bạn đã xem
📎 Số trang: 144
👁 Lượt xem: 340
⬇ Lượt tải: 16