Info
Sau khi Rumani thiết lập chế độ mới, ông không tán thành, bèn sang cư trú tại Pháp năm 1948. Cuốn tiểu thuyết GIỜ THỨ HAI MƯƠI LĂM (1949) làm cho tiếng tăm ông lừng lẫy trong thế giới phương Tây. Ba năm sau, ông xuất bản cuốn CƠ MAY THỨ HAI. Sự nghiệp văn học của Virgil Gheorghiu có tính chất khá phức tạp. Khen nhiều mà chê cũng không ít. Nhất là trong phóng sự “Đôi bờ sông Dniestr bừng cháy”(1941) dư luận công kích ông dữ dội vì ca ngợi người lính của Hitler khi quân đội Rumani, sát cánh cùng quân Đức Quốc xã chiếm lại được Bessarabie Rumani. Những tác phẩm của ông còn có “Những kẻ ăn mày phép lạ”, “Người đi du lịch một mình”, năm 1986, ông xuất bản một cuốn tập Hồi ký: “Chứng nhân của Giờ thứ hai mươi lăm”. Ngoài ra, Gheorghiu còn viết trên hai chục cuốn sách nữa, hầu hết thuộc lại tình báo bình thường, không có gì xuất sắc cho lắm. Tuy nhiên với Virgil Gheorghiu, GIỜ THỨ HAI MƯƠI LĂM và CƠ MAY THỨ HAI. Thế là đủ! Gây ấn tượng trong CƠ MAY THỨ HAI, đó là sự tàn sát. Dưới ngòi bút lạnh lùng có thể nói là đến tận cùng của tàn nhẫn, ông đã giết sạch, không chừa một ai, tất cả nhân vật của ông- Con người không thể sống trần truồng. Một con người có thể sống với những manh áo rách, đúng? Nhưng mà cậu, một manh áo rách cũng không có! Cậu chẳng có một thứ gì! Pierre Pillat nhìn bộ đồng phục kaki của Boris Bodnar. Anh nói tiếp: - - Sau ba tháng, viên cảnh sát đầu tiên sẽ lột trần cậu ra, thu hồi những áo quần này gửi trả lại cho nhà trường. Cậu sẽ chẳng còn lấy một mảnh gì che thân nữa. Không còn lấy một chiếc sơ mi, không còn lấy một đôi giày. Không một thứ gì cả! Cậu sẽ trần trụi hơn cả một tên Papu. Cậu là người trần trụi nhất trần gian. Cậu muốn làm gì? Pierre Pillat tìm đôi mắt xanh của bạn. Đôi mắt xanh của Bodnar đang nhìn xuống đất. Người ta đã trao tờ quyết định đuổi học của cậu chưa? - Pillat hỏi. Boris Bodnar tiếp tục nhìn xuống mặt đất phẳng lì của sân trường. Anh đưa tay lên túi áo để lấy tờ quyết định. Chiếc áo đồng phục có bốn túi, nhưng để làm nhục những học sinh bị đuổi người ta đã cắt cả bốn túi bỏ đi. Khi ngón tay Boris không sờ thấy túi áo ở chỗ ngày thường của nó, anh lại sờ lên cái túi thứ hai trên ngực. Nó cũng đã bị cắt. Hai túi dưới cũng vậy. Anh đỏ mặt. Boris Bodnar sáng nay, lúc sáu giờ, đã phải mặc quần áo của những người bị đuổi học. Từ khi anh khoác chiếc áo kia vào, anh đã sờ tay tìm túi một cách máy móc không biết bao nhiêu lần. Theo thói quen và không hề để ý, bàn tay anh cứ lần lượt tìm hết túi trên lại tìm túi dưới, cuối cùng nó đành buông thõng, cam lòng, như bây giờ đây Những chiếc túi bị cắt, đó là nỗi sỉ nhục đầu tiên của Boris Bodnar. Đôi mắt xanh của anh nhìn một lúc vào vị trí thường ngày của nó trước kia. Anh nhận ra không chỉ thiếu túi mà cả cái mép viền màu vàng ở cổ áo cũng đã bị cắt mất. Người ta cũng đã cắt mất cái đường viền tay áo, đường viền dọc nẹp theo ống quần. Cả sáu chiếc khuy của chiếc áo dài cũng đã bị cắt nốt - những chiếc khuy mà anh lau đi lau lại mỗi buổi chiều, như tất cả các học sinh trường trung học hoàng gia, cho tới khi nó chói sáng lên như vàng thật mới thôi . . .