Info
Gần đây, một khách giang hồ trót mấy mươi năm bôn ba gởi bước khắp non sông, tình cờ trở lại nguồn Khổng Tước, nhìn cảnh cũ, nhớ người xưa bỗng cảm hứng nên ngâm một bài thi thất ngôn bát cú, tả phong cảnh Gò Công có hai câu trạng như vầy: Sơn Qui phưởng phất hồn văn vật Vàm Láng ồ ào sóng cạnh tranh. Chắc có nhiều anh chị em bốn phương chưa biết Sơn Qui là cái gì ở đâu. Sơn Qui là một giồng cát trong tỉnh Gò Công. Vùng Gò Công nằm dựa mé biển, nên thấp thỏi sình lầy, nhưng có mấy cái giồng cát nổi lên ngang dọc, giữa những cánh đồng ruộng vui vẻ, với màu lúa hết xanh rồi vàng, bằng thẳng một mực dầu phía trên hay phía dưới. Những giồng Tháp, giồng Tre, giồng Nâu, giồng Cát, giồng Găng, giồng Trôm, giồng Ông Huê, giồng Sơn Qui, giồng nào cũng có trải qua những giai đoạn thăng trầm, cũng được thế cuộc ghi dấu lịch sử hoặc hùng hào, hoặc xán lạn. Giồng Sơn Qui là trung tâm khai hóa trong vùng Khổng Tước, nguyên là cái lò nung đúc nhân tài để giúp chúa Nguyễn trung hưng hồi cuối thế kỷ 18. Thiệt như vậy, giồng Sơn Qui đầu trong vô tới mé sông Gò Công, còn đầu ngoài đụng con đường quan lộ Gò Công lên Chợ Lớn. Hiện giờ du khách đến đó thì thấy dân cư thưa thớt, nhà cửa xơ rơ, chỉ còn phủ thờ với mấy ngôi mộ của quí tộc Phạm Đăng, là ngọai thích của vua Tự Đức, vẫn khư khư chống chỏi mà chịu đựng với tuế nguyệt, chớ những rẫy cải xanh tươi, những đám bắp ngon ngọt, là những nguồn lợi của người ở trong giồng, thì không còn nữa. Nhìn cảnh Sơn Qui suy sụp bây giờ, ai cũng phải chạnh lòng nhớ nhơn vật vẻ vang của Sơn Qui ngày trước. Hồi giữa thế kỷ 19, sau khi Triều chúa Nguyễn ở Huế được nắm chủ quyền thống trị cả vùng đất Việt Nam nầy thì phân ranh chia mấy trấn, mỗi trấn chia mấy đạo, rồi đặt quan cai trị, cho nhân dân từ Quảng Bình trở vô được đem gia quyến đến khai cơ lập nghiệp.