Mã tài liệu: 297404
Số trang: 211
Định dạng: pdf
Dung lượng file: 17,874 Kb
Chuyên mục: Lịch sử
MS: LVLS- LSVN017
SỐ TRANG: 211
TRƯỜNG: ĐHSP TPHCM
NGÀNH: LỊCH SỬ
CHUYÊN NGÀNH: LỊCH SỬ VIỆT NAM
NĂM: 2009
DẪN LUẬN
1. Lí do chọn đề tài và mục đích nghiên cứu
1.1. Lí do chọn đề tài
Tỉnh Bình Phước thuộc miền Đông Nam Bộ, tổng diện tích tự nhiên là 6.831.71 km2
, dân số
823.600 người, mật độ trung bình 88 người/ km2
, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm khoảng
17,9% dân số toàn tỉnh [10, tr 8]. Địa giới phía đông của Bình Phước giáp với Đăk Nông, Lâm
Đồng và Đồng Nai, phía tây giáp tỉnh Tây Ninh và tỉnh Công Pông Chàm của Campuchia, phía bắc
giáp tỉnh Krachê và Mun Dun Ki Ri (Campuchia) và phía Nam giáp với Bình Dương.
Bình Phước là vùng đất được khai phá trong quá trình mở rộng bờ cõi về phía Nam của
triều Nguyễn. Cư dân tại chỗ - cho đến khi thực dân Pháp xâm lược - mới bước vào xã hội tiền
phân chia giai cấp và nhà nước. Họ chủ yếu làm rẫy cạn, bên cạnh đó cũng học thêm kiểu canh
tác lúa nước của người kinh để sinh sống. Trình độ sản xuất lạc hậu, công cụ thô sơ và thói
quen sống du canh du cư đã đặt cư dân tại chỗ vào vòng xoay của cuộc sống đói nghèo, bệnh
tật. Trình độ quản lý xã hội tương ứng với giai đoạn tộc người còn thấp. Đơn vị hành chính duy
nhất là các phum, sóc hoặc bon (gọi chung là làng), được duy trì bằng luật tục và dựa trên quan
hệ huyết thống.
Thời Pháp thuộc (1862 – 1945), Bình Phước là vùng phía bắc của tỉnh Thủ Dầu Một, được
nối liền với vùng phía nam bởi sông Sài Gòn và Sông Bé. Thực dân Pháp thường dùng cụm từ
“vùng cao nguyên trung tâm” để chỉ vùng Tây Nguyên Nam Bộ, gồm cả Bình Phước là đoạn cuối
của vùng cao nguyên đó. Vùng đất Bình Phước cho đến khi thực dân Pháp xâm lược còn hoang vu,
có nhiều ác thú và nổi tiếng là chốn rừng thiêng nước độc. Thiên nhiên khắc nghiệt, trình độ sản
xuất và trình độ quản lý xã hội thấp không cho phép kinh tế, xã hội phát triển ngang bằng với các
vùng, miền khác trong cả nước.
Sự thay đổi liên tục về địa lí hành chính của tỉnh là một vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến
quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương trong lịch sử và hiện tại. Quá trình phát triển
kinh tế, xã hội trong lịch sử cho thấy rõ sự chênh lệch, thua sút về trình độ giữa Bình Phước so
với các tỉnh bạn trong vùng Đông Nam Bộ. Việc nghiên cứu để tìm ra đâu là nguyên nhân làm
cho kinh tế, xã hội Bình Phước chậm phát triển là một việc làm thiết thực của khoa học xã hội
nói chung, của công tác nghiên cứu lịch sử địa phương nói riêng nhằm rút tỉa những bài học
kinh nghiệm cho việc hoạch định chính sách kinh tế - xã hội phù hợp với đặc thù địa phương, từng bước rút ngắn sự chênh lệch về trình độ phát triển, đưa Bình Phước hội nhập cùng với cả
nước trên bước đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Về xã hội, thời Pháp thuộc, cư dân tại chỗ của Bình Phước chủ yếu là người dân tộc thiểu
số. Trình độ sản xuất, chinh phục tự nhiên và quản lí xã hội còn thấp. Quản lí xã hội theo tập
quán pháp, quan hệ giữa các thành viên trong xã hội tộc người dựa vào huyết thống. Các chính
sách kinh tế, xã hội do thực dân Pháp áp đặt vào vùng đất này đã làm biến đổi mọi mặt của đời
sống kinh tế và xã hội. Sự biến đổi đó diễn ra như thế nào, hậu quả của nó đối với nền kinh tế -
xã hội Bình Phước ra sao…là những vấn đề cần được nghiên cứu sâu nhằm phục dựng lại quá
trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương một cách toàn diện, hệ thống để rút ra những nhận
định về nguyên nhân, tính chất, đặc điểm và hậu quả của nó đối với lịch sử kinh tế - xã hội địa
phương.
Địa bàn Bình Phước từ thế kỉ XVII đã là nơi quy tụ, nhập cư của nhiều tộc người có
nguồn gốc quê quán khác nhau, chiếm số đông trong số đó là người kinh. Vai trò của người
kinh và các tộc người nhập cư khác trong lịch sử phát triển kinh tế xã hội địa phương cần được
tìm hiểu sâu để có những nhận định xứng đáng với công sức của họ đã dành cho vùng đất này,
nhằm củng cố hơn nữa mối quan hệ gắn bó đoàn kết kinh - thượng, tạo thành sức mạnh tinh
thần cùng vượt qua những khó khăn trước mắt để phát triển vững bền. Mặt khác, trong xây
dựng và hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, việc nắm vững hiểu sâu
những đặc điểm lịch sử kinh tế - xã hội của từng địa phương sẽ góp phần tạo nên những tiền đề
cơ sở cho việc triển khai thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội đạt hiệu quả . Vì vậy,
nghiên cứu về sự chuyển biến kinh tế - xã hội thời Pháp thuộc (1862 – 1945) mang ý nghĩa thực
tiễn, giúp có cách nhìn toàn diện, hệ thống về sự phát triển kinh tế - xã hội, có như vậy mới tìm
ra được sợi chỉ xuyên suốt giữa quá khứ với hiện tại, góp phần làm cơ sở cho việc tham khảo,
hoạch định và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội trong tương lai.
Kinh tế, xã hội là phạm trù rộng và có mối liên hệ tương tác với nhau. Kinh tế biến đổi
làm xã hội cũng biến chuyển theo và đến lượt xã hội tác động ngược trở lại nền kinh tế, thúc
đẩy hoặc kìm hãm kinh tế phát triển. Nghiên cứu sự biến đổi của cơ cấu xã hội là cơ sở để tìm
hiểu mọi biến đổi trong các lĩnh vực khác [51, tr 221]. Đồng thời, nghiên cứu kinh tế - xã hội
Bình Phước thời Pháp thuộc (1862 – 1945) còn làm rõ vai trò của nó trong sự biến đổi kinh tế -
xã hội Nam Kỳ cùng thời.
Do hoàn cảnh lịch sử nước nhà chiến tranh kéo dài liên tục, vì vậy, giới nghiên cứu lịch
sử dân tộc nói chung, lịch sử địa phương nói riêng có thiên về nghiên cứu lịch sử chiến tranh, lịch sử đấu tranh cách mạng hơn mà chưa dành một số lượng công trình thích hợp cho nghiên
cứu lịch sử kinh tế - xã hội. Một số vấn đề chưa được nghiên cứu sâu trong công tác biên soạn
lịch sử địa phương; việc học tập, giảng dạy và bồi dưỡng truyền thống lịch sử địa phương cho
thế hệ trẻ… đối với chúng tôi là những việc làm thiết thực góp phần công sức dù rất nhỏ của
mình vào cuộc kiến thiết địa phương.
Với những lí do khoa học và thực tiễn nêu trên, chúng tôi mạnh dạn chọn đề tài “Những
biến đổi kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Phước thời Pháp thuộc (1862 – 1945)” để nghiên
cứu với hi vọng bằng những sự kiện lịch sử xác thực sẽ rút tỉa được những bài học hữu ích cho
tỉnh nhà có cơ sở tham khảo trong việc hoạch định các chiến lược phát triển.
1.2. Mục đích nghiên cứu
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài tập trung ở một số vấn đề như sau:
- Phân tích chính sách khai thác, chính sách xã hội do thực dân Pháp áp dụng vào Bình
Phước, từ đó vạch rõ những tác động của nó đối với kinh tế - xã hội Bình Phước giai đoạn 1862
– 1945.
- Phục dựng có hệ thống sự biến đổi kinh tế - xã hội Bình Phước giai đoạn 1862 – 1945.
- Làm rõ những đặc điểm kinh tế - xã hội của Bình Phước trong giai đoạn 1862 – 1945.
- Tìm hiểu về vai trò của kinh tế tư bản chủ nghĩa đối với sự biến đổi kinh tế - xã hội
Bình Phước giai đoạn 1862 – 1945; Vai trò của các tộc người dân tộc thiểu số tại chỗ, người
nhập cư, của các phong trào đấu tranh xã hội đối với sự biến đổi kinh tế - xã hội Bình Phước
giai đoạn 1862 – 1945.
- Hậu quả của sự biến đổi kinh tế - xã hội giai đoạn 1862 - 1945 đối với sự phát triển
kinh tế - xã hội địa phương.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề và nguồn tài liệu tham khảo
2.1. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Sự thay đổi phức tạp của đơn vị hành chính qua các thời kỳ lịch sử là những khó khăn
không ít đối với chúng tôi trong quá trình thực hiện luận án. Trong phạm vi nghiên cứu hẹp,
thành quả nghiên cứu chung liên quan đến nội dung luận án bao gồm những vấn đề thuộc về
kinh tế - xã hội, được phản ánh rõ qua tình hình công tác nghiên cứu lịch sử địa phương. Dưới
đây là tổng hợp các vấn đề lớn về lịch sử địa phương đã được nghiên cứu.
2.1.1. Giai đoạn trước năm 1945:
Trong giai đoạn này, nghiên cứu về điều kiện tự nhiên, địa lý hành chính, địa lý dân cư và
truyền thống văn hóa, gồm các công trình nghiên cứu của các nhà truyền giáo, sỹ quan quân đội
Pháp về người dân tộc thiểu số tại chỗ, phục vụ cho việc tìm hiểu để nô dịch và cai trị, có một
số công trình nghiên cứu sau:
- Les Stiêng de Brolam, của Azermar (Le Père H.), Excursions et Reconnaissances,
Saigon, Imp. Coloniale, T.XII, xuất bản năm 1886 là tác phẩm có tính chất chuyên khảo viết về
đời sống xã hội tộc người Stiêng ở vùng Brolam. Qua tác phẩm, phong tục, tập quán pháp của
người Stiêng được phản ánh sâu sắc. Tác phẩm là cơ sở để nghiên cứu về dân tộc học, văn hoá
học và là nguồn tham khảo tốt cho cả khoa học lịch sử.
- Dictionnaire Stiêng, trong Excursions et Reconnaisrances, Saigon, Imp. Colonaile, T.XII,
Mai - Juin 1886, là bộ từ điển biên soạn về ngôn ngữ tộc người Stiêng, nói lên sự phong phú đa
dạng về văn hoá tộc người, là cơ sở để tra cứu ngôn ngữ, nghiên cứu các lĩnh vực liên quan đến
đời sống xã hội.
- Coutumier Stiêng, do Th. Gerber biên soạn, được Học viện Viễn Đông Bác cổ Pháp
(BEFEO) xuất bản vào năm 1951, là tác phẩm viết về xã hội của người Stiêng. Qua tác phẩm
toàn cảnh đời sống, quan hệ xã hội, kết cấu xã hội truyền thống được tái hiện, phản ánh nguyên
vẹn một xã hội tộc người chịu sự chi phối bởi quan hệ huyết thống, được duy trì và quản lý
bằng luật tục. Tuy nhiên, tác giả chưa thoát khỏi cách nhìn nhận về con người và xã hội của
người dân tộc tại chỗ như một thế giới man rợ.
- Au pays Moi, của Barthélémy (Marquis Pierre de), Paris Plon – Nourrit., 2e
éd, 1904;
Hinterland Moi, của Patté (Paul), Paris, Plon – Nourrit, 1906; Les jungles Moi, của Maitre
(Henri), Paris, Larose, 1912… là những tác phẩm chuyên khảo, có nội dung nghiên cứu sâu về
điều kiện tự nhiên, môi sinh, đời sống, phong tục, xã hội của các tộc người dân tộc thiểu số cư
trú ở vùng cao nguyên nam phần nước ta dưới thời Pháp thuộc, gồm cả người dân tộc thiểu số
cư trú tại Bình Phước. Phần lớn tác giả của những công trình chuyên khảo này là người trực
tiếp du thám, xâm nhập vùng đất cư trú của người dân tộc thiểu số nên sự mô tả về con người,
hoạt động của xã hội tộc người và thế giới quanh họ rất tỉ mỉ.
- Les boisements de la vallée du Song-Be của Gourgand, trong Bulletin Economique de
L’Indochine, ne
14, 1903; Monographie d’une rivière Cochinchinoise: le fameux Sông Bé, của tác giả
Baudrit (A), BSEI, XI, No
3, 1936 cũng là những công trình chuyên sâu về điều kiện tự nhiên, địa
chất, sông ngòi, lưu lượng nước của sông ngòi…Nội dung nghiên cứu của các chuyên khảo phản ánh rõ sự đầu tư của thực dân Pháp cả về trí lực lẫn vật lực để tìm hiểu, khai thác hoặc lợi dụng những
thế mạnh kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhìn chung từ những thập niên cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, tình hình kinh tế - xã hội
Bình Phước do người Pháp nghiên cứu, viết bằng hình thức các chuyên khảo để phục vụ cho
việc xâm nhập chiếm đoạt thực dân. Ở lĩnh vực xã hội, nhiều công trình nghiên cứu về các tộc
người dân tộc thiểu số tại chỗ, chủ yếu là người Stiêng có giá trị cao, làm cơ sở để hiểu biết sâu
hơn về ngôn ngữ, văn hoá truyền thống, tổ chức xã hội và cơ cấu xã hội tộc người. Kể từ sau
năm 1936, việc nghiên cứu vùng đất này của thực dân Pháp cũng chấm dứt, vì với chúng, đó là
mốc đánh dấu sự khuất phục các tộc người dân tộc thiểu số tại địa phương bằng các cuộc bình
định vũ trang.
Nghiên cứu về kinh tế Bình Phước thời Pháp thuộc, chủ yếu được phản ánh qua những bản
báo cáo bằng số liệu từ địa phương lên chính quyền thuộc địa, được lưu giữ tại Trung tâm lưu
trữ Quốc gia II, Thành phố Hồ Chí Minh. Tư liệu loại này cung cấp nhiều thông tin về kinh tế
Nam Kỳ, trong đó có tỉnh Biên Hòa và Thủ Dầu Một. Nguồn tư liệu này đáng tin cậy, tuy
nhiên, chúng chỉ dừng lại ở mức thống kê bằng số liệu về kết quả kinh tế như diện tích đất khai
thác, đất trồng trọt, sản lượng mủ của các đồn điền – khu vực hoạt động bằng đầu tư của tư bản
Pháp, còn khu vực kinh tế do cư dân tại chỗ làm chủ được phản ảnh rất sơ lược.
Các vấn đề liên quan đến xã hội chủ yếu là báo cáo tình hình trật tự trị an của dân chúng
vùng bị chiếm đóng lên chính phủ thuộc địa. Để nghiên cứu về xã hội, các tư liệu kinh tế, báo
cáo kinh tế, các chuyên khảo về địa lí, lịch sử và hành chính dân cư là những thông tin quan
trọng phản ánh tình hình xã hội.
Về phía các tác giả người Việt, vùng đất Bình Phước giai đoạn này chưa gây được sự chú
ý của họ nên hầu như chưa có công trình nghiên cứu nào.
2.1.2. Giai đoạn từ sau năm 1945 đến nay
Lịch sử dân tộc qua hai cuộc kháng chiến chủ yếu được các nhà nghiên cứu chú trọng về
các phong trào đấu tranh cách mạng. Các vấn đề kinh tế, xã hội tạm thời chưa cấp thiết nên hầu
như chưa có công trình chuyên sâu. Ở miền Nam, công trình nghiên cứu duy nhất về tình hình
các đồn điền cao su của Pháp, tại tỉnh Bình Long sau năm 1954, là luận văn tốt nghiệp đại học
của Nguyễn Viết Đức, tựa đề: Thực tế khai thác cao su của người Pháp tại Bình Long, thuộc
Học viện Quốc gia Hành chính Sài Gòn, bảo vệ năm 1972. Nội dung nghiên cứu trong luận văn
đi sâu về thống kê sản lượng mủ, khái quát bằng sơ đồ về những đồn điền trồng cao su, tiềm
năng của cây cao su ở tỉnh Bình Long thời chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Tác giả ngợi ca nhiều về thành quả kinh tế do tư bản Pháp gầy dựng, mà chưa có cách nhìn khái quát, tương
quan của kinh tế đồn điền với các ngành kinh tế khác từ thời thuộc Pháp, tại vùng đất đỏ trung
tâm miền Đông Nam Bộ.
Về hoạt động kinh tế truyền thống, có bài viết "Kinh tế nông nghiệp của người Stiêng
trước và sau năm 1975" của Phan Ngọc Chiến, được in trong sách Vấn đề dân tộc ở Sông Bé,
do nhà xuất bản Tổng hợp Sông Bé phát hành từ năm 1985. Bài viết đã phác họa toàn bộ tình
hình sản xuất nông nghiệp của người Stiêng, chỉ rõ về mối quan hệ, giao thoa văn hóa giữa
người Stiêng với các tộc người khác, đặc biệt là người kinh.
Về các dân tộc Trường Sơn – Tây Nguyên, bao gồm các dân tộc cư trú trên địa bàn tỉnh
Bình Phước, có loạt bài của tác giả Lưu Hùng được in trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử gồm:
+ Tìm hiểu về một khía cạnh của xã hội cổ truyền trong các dân tộc người bản địa ở
Trường Sơn - Tây Nguyên: Sự nảy sinh quan hệ bóc lột, Nghiên cứu Lịch sử số 2 (261), tháng 3
- 4, năm 1992,
+ Tìm hiểu thêm về một khía cạnh của xã hội cổ truyền trong các tộc người bản địa ở
Trường Sơn - Tây Nguyên: Chế độ sở hữu, Nghiên cứu Lịch sử số 4 (269), tháng 7 - 8, năm
1993.
Các bài viết trên đề cập đến kinh tế - xã hội truyền thống của các tộc người dân tộc thiểu
số tại chỗ, mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất chủ đạo trong giai đoạn
tiền thuộc địa. Các bài viết đã giúp cho người đọc hiểu sâu hơn về nguồn gốc phân hóa xã hội
của người dân tộc thiểu số cư trú ở Trường Sơn – Tây Nguyên.
Về lịch sử du nhập của cây cao su, sự hình thành và phát triển của nó, của ngành trồng và
khai thác cao su ở vùng đất đỏ miền Đông Nam Kỳ nói riêng, Nam Kỳ nói chung có bài viết
nhan đề "Cây cao su đặc sản của vùng Đông Nam Bộ", của tác giả Lê Huỳnh Hoa, đăng trên tạp
chí Xưa & Nay số 45b tháng 11 năm 1997. Tác giả không trực tiếp nói về kinh tế Bình Phước
thời Pháp thuộc, song đã lý giải những nguyên nhân, mục đích, quá trình đầu tư vào việc trồng
cây cao su của tư bản Pháp ở vùng đất đỏ thuộc một phần tỉnh Biên Hòa và Thủ Dầu Một, chỉ
rõ nguyên nhân trực tiếp của việc tư bản Pháp đầu tư ở dải đất đỏ miền Đông Nam Kỳ, nằm tập
trung ở địa bàn tỉnh Bình Phước hiện nay.
Tác phẩm 100 năm cao su Việt Nam, của Đặng Văn Vinh, được nhà xuất bản Nông nghiệp
Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 2000, mô tả chi tiết về tình hình khai thác đất, trồng mới, kỹ
thuật trồng, chăm sóc và khai thác cây cao su của tư bản Pháp tại Việt Nam, góp phần nghiên cứu về quá trình phát triển ngành cao su, cung cấp nhiều tư liệu quý cho nghiên cứu lịch sử, kinh tế - xã
hội của nhiều địa phương, gồm cả tỉnh Bình Phước thời Pháp thuộc.
Những bài viết, sách chuyên ngành có nội dung sâu viết về kinh tế truyền thống của người
dân tộc thiểu số tại chỗ, là nguồn tài liệu được chúng tôi kế thừa từ kết quả nghiên cứu về
phương thức canh tác, hình thức sở hữu ruộng đất, cơ cấu kinh tế nông nghiệp truyền thống tại
địa phương. Bên cạnh đó, một số tác phẩm của các tác giả viết về tình hình kinh tế, xã hội
chung của Đông Dương, Việt Nam thời thuộc địa như Lê Khoa, Sơn Nam, Nguyễn Thế Anh,
Phan Khoang,…cũng là nguồn tài liệu tham khảo làm nền cho nghiên cứu kinh tế, xã hội Bình
Phước trong bối cảnh lịch sử dân tộc.
Nghiên cứu về xã hội, chủ yếu là các vấn đề về dân tộc thiểu số trong những năm thập
niên 80 thế kỷ XX, có nguồn tài liệu nghiên cứu nghiêm túc và công phu do các tác giả quen
thuộc của Viện Dân tộc học công bố. Hàng loạt bài viết, sách, công trình nghiên cứu, trong số
đó nổi cộm một số công trình của nhóm tác giả Phan An – Nguyễn Thị Hòa, Phan Ngọc Chiến,
Nguyễn Văn Diệu, Mạc Đường, Nguyễn Tuấn Triết xuất bản năm 1985, in trong tác phẩm Vấn
đề dân tộc ở Sông Bé, do nhà xuất bản Tổng hợp Sông Bé phát hành. Loạt bài viết này đi sâu
tìm hiểu về người Stiêng qua các thời kỳ lịch sử ở các lĩnh vực: tổ chức xã hội tộc người, hôn
nhân và gia đình, lịch sử phát triển xã hội, kinh tế, phong trào đấu tranh chống ngoại xâm của
người Stiêng và các tộc người dân tộc thiểu số khác.
- Tác phẩm Địa chí tỉnh Sông Bé do Trần Bạch Đằng chủ biên, nhà xuất bản Tổng hợp Sông
Bé phát hành năm 1991, đề cập sâu về địa lý lịch sử, dân cư, đời sống kinh tế - văn hoá - xã hội
của các tộc người cư trú ở Bình Phước (miền núi phía bắc tỉnh Sông Bé (1975 – 1997)).
Một số bài viết được đăng tải trên các tạp chí Dân tộc học, tạp chí Nghiên cứu Lịch sử
như:
- Nhà dài Stiêng của Nguyễn Duy Thiệu, đăng trên tạp chí Dân tộc học số 3 năm 1981.
- Tình hình dân số và đặc điểm dân cư các dân tộc ở Sông Bé - Miền Đông Nam Bộ của Đinh
Văn Liên, in trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 1 &2, 1987.
- Góp thêm tài liệu nghiên cứu về người Stiêng của Trần Tất Chủng in trên tạp chí Dân tộc
học số 3, 1991.
- Góp phần tìm hiểu luật tục Stiêng của Ngô Văn Lý, đăng trên tạp chí Dân tộc học số 1,
1993.
- Nghệ thuật cồng chiêng của dân tộc Stiêng tỉnh Sông Bé của tác giả Vũ Hồng Thinh, do
Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Sông Bé in năm 1994... Các tác phẩm của các tác giả trên, nhìn chung mới đề cập đến người Stiêng và thiên về phục
vụ nghiên cứu dân tộc học, nhưng cũng là nguồn tài liệu tham khảo tốt cho nghiên cứu Lịch sử
Việt Nam.
Những bài viết, tác phẩm và công trình nghiên cứu trên đã phản ánh, phục dựng toàn cảnh bức
tranh sinh hoạt của cộng đồng tộc người mang tính bản địa, nhân văn đặc sắc về vùng cư trú, lịch sử
tộc người, ngôn ngữ tộc người, cơ cấu tổ chức xã hội, quan hệ tộc người và đặc trưng của xã hội tộc
người.
Công trình là luận án Phó Tiến sĩ Khoa học Lịch sử nghiên cứu về dân tộc Stiêng ở Sông
Bé, gồm:
- Hệ thống xã hội tộc người Stiêng ở Việt Nam: từ giữa thế kỷ XIX đến năm 1975, của Phan
An, được bảo vệ tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1992.
- Xã hội tộc người Stiêng qua tập quán pháp của Ngô Văn Lý bảo vệ tại Viện Khoa học
Xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1994 là những công trình cung cấp nhiều thông tin bổ
ích về xã hội tộc người, quan hệ giữa các tầng lớp xã hội tộc người truyền thống, giúp hiểu rõ
về quan hệ sản xuất, quan hệ xã hội và quyền sở hữu công về ruộng đất của cư dân tại chỗ trước
khi Pháp xâm lược.
Tóm lại, nguồn tư liệu đã được khai thác liên quan đến tỉnh Bình Phước giai đoạn 1862 –
1945, chủ yếu ghi nhận về sự thay đổi địa lý hành chính và các báo cáo kinh tế bằng số liệu, tuy
rằng số lượng cũng hạn chế. Tình hình nghiên cứu về kinh tế - xã hội địa phương nhiều lúc gián
đoạn, một phần vì Bình Phước là vùng sâu hẻo lánh, tiềm năng kinh tế, tài nguyên có giá trị có
thể khai thác được lúc bấy giờ chưa được nhìn rõ, phần khác do trình độ quản lý hạn chế nên
nhà nước thực dân cũng chưa có điều kiện ghi chép tỉ mỉ về tất cả các địa phương trong cả
nước. Vì vậy, nghiên cứu về Bình Phước thời thuộc Pháp là vấn đề nan giải đối với giới nghiên
cứu. Càng về sau, công tác nhiên cứu về lịch sử địa phương càng được quan tâm hơn. Tuy vậy,
cũng chỉ có những bài viết đơn lẻ, hoặc công trình nghiên cứu riêng về đời sống xã hội người
Stiêng đề cập đến nội dung kinh tế - xã hội truyền thống. Vấn đề kinh tế - xã hội nói chung,
biến đổi kinh tế - xã hội Bình Phước ở giai đoạn thuộc Pháp (1862 – 1945) chưa được nghiên
cứu chuyên sâu. Từ năm 1997 đến nay, Bình Phước trở thành đơn vị hành chính độc lập. Do
vậy, có những thuận lợi và khó khăn nhất định đối với công tác nghiên cứu lịch sử. Khó khăn
đáng kể có lẽ do nguồn sử liệu hiếm, đội ngũ cán bộ nghiên cứu còn mỏng chưa đáp ứng được
nhu cầu nghiên cứu nên chưa có thêm công trình nào được xuất bản công bố về lịch sử kinh tế,
xã hội nói chung, biến đổi kinh tế - xã hội Bình Phước thời Pháp thuộc nói riêng. 2.2. Nguồn tài liệu tham khảo
Tình hình nghiên cứu của lịch sử kinh tế, xã hội tại địa phương như trên làm cho chúng tôi
gặp khó khăn trong quá trình thực hiện luận án. Do vậy, để thực hiện mục đích nghiên cứu đã
đặt ra, luận án đã tham khảo và sử dụng nhiều nguồn tài liệu khác nhau:
- Tài liệu viết về địa lý lịch sử, tài nguyên môi trường, lịch sử hình thành phát triển, lịch sử
kinh tế của tỉnh Biên Hòa, trong đó chủ yếu là tỉnh Thủ Dầu Một thời Pháp thuộc.
- Sách và tạp chí chuyên ngành.
- Luận văn, luận án chuyên ngành lưu trữ tại các thư viện.
- Tư liệu lưu trữ hiện đang được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, tại Thành phố
Hồ Chí Minh.
- Địa chí tỉnh Thủ Dầu Một và Niên giám Đông Dương :
+ Monographie de Thudaumot 1910
+ Annuaire Genéral de l’Indochine, Partie administrative, 1910
+ Annuaire Genéral de l’Indochine, Partie administrative, 1915
+ Annuaire Genéral de l’Indochine, Partie administrative, 1917
+ Annuaire Genéral de l’Indochine, Partie administrative, 1925
- Tư liệu về Hiệp hội Cao su Đông Dương
Nguồn tư liệu kể trên đều phục vụ mục đích đầu tư, theo dõi kết quả của việc đầu tư khai
thác thuộc địa nên rất đáng tin cậy. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu chính những tư liệu
này đã bộc lộ nhiều sai lệch về tính toán… Do vậy, cần có sự đối chiếu so sánh giữa các nguồn
tài liệu, đồng thời kiểm chứng lại mức độ chân xác từ những số liệu báo cáo kinh tế địa
phương.
3. Đối tượng, nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu chính của luận án là những biến đổi về kinh tế, xã hội của tỉnh Bình
Phước, giai đoạn 1862 – 1945.
Về biến đổi kinh tế, luận án tập trung nghiên cứu tác động của chính sách khai thác kinh tế
của thực dân Pháp, thông qua hoạt động đầu tư của tư bản Pháp về cơ sở hạ tầng kinh tế, để làm
rõ sự thâm nhập của nhân tố tư bản chủ nghĩa vào lĩnh vực nông nghiệp, chủ yếu là ngành trồng
và khai thác cao su, đồng thời làm rõ tác động khách quan của nó đối với các ngành kinh tế
khác trong kinh tế Bình Phước nói chung, hoạt động sản xuất nông nghiệp nói riêng, dẫn đến sự
biến đổi về cơ sở hạ tầng kinh tế và cơ cấu kinh tế. Chính sách kinh tế cũng tác động làm biến đổi xã hội. Phạm vi biến đổi xã hội rất rộng, song
luận án chỉ tập trung nghiên cứu biến đổi xã hội ở hai vấn đề cơ bản là biến đổi cơ cấu xã hội - tộc
người và phân hóa xã hội.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để làm rõ những biến đổi kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Phước thời Pháp thuộc (1862 –
1945), luận án được thực hiện với nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể:
- Phân tích tác động của chính sách khai thác thuộc địa do thực dân Pháp áp dụng vào
vùng đất cụ thể - Bình Phước, để làm nổi bật những tác động của nó đối với kinh tế - xã hội địa
phương như thế nào.
- Bằng những tư liệu lịch sử xác thực có hệ thống, luận án rõ những biến đổi về kinh tế -
xã hội trên địa bàn tỉnh ở giai đoạn nghiên cứu đề cập như biến đổi bắt đầu từ lĩnh vực nào;
nguyên nhân của sự biến đổi đó là gì; so sánh về mức độ biến đổi kinh tế - xã hội giữa các giai
đoạn lịch sử để vạch ra bản chất của sự biến đổi và mối quan hệ giữa biến đổi kinh tế với biến đổi
xã hội ?
- Tìm hiểu sâu hơn về vai trò của kinh tế tư bản chủ nghĩa, vai trò của các tộc người dân tộc
thiểu số tại chỗ, người nhập cư, của các phong trào đấu tranh xã hội đối với sự biến đổi kinh tế - xã
hội Bình Phước giai đoạn 1862 – 1945.
- Tìm hiểu những đặc điểm kinh tế - xã hội của Bình Phước trong giai đoạn trước, trong và
sau khi bị thực dân Pháp xâm chiếm, khai thác và thống trị.
- Rút ra bài học từ sự biến đổi kinh tế - xã hội giai đoạn 1862 - 1945 đối với sự phát triển
kinh tế - xã hội địa phương cho giai đoạn tiếp theo và cả sau này.
3.3. Phạm vi nghiên cứu
Không gian nghiên cứu giới hạn trong năm đơn vị hành chính cơ bản được phân định từ
năm 1997, gồm các huyện Đồng Phú, Bù Đăng, Lộc Ninh, Phước Long và Bình Long, tương
ứng với các tổng Thanh An (huyện Đồng Phú và một phần huyện Bù Đăng), Minh Ngãi (huyện
Phước Long và một phần huyện Bù Đăng), Lôi Minh (huyện Lộc Ninh), Hớn Quản (huyện
Bình Long) và Bù Đốp (huyện Phước Long) dưới thời Pháp thuộc.
Mốc thời gian nghiên cứu được xác định từ năm 1862 đến năm 1945, đánh dấu quá trình
thực dân Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ và kết thúc thời kỳ Pháp cai trị Đông Dương.
4. Phương pháp nghiên cứu:
Luận án được thực hiện trên cơ sở vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin làm cơ sở phương
pháp luận để rút ra những nhận định, đánh giá về những biến đổi kinh tế - xã hội Bình Phước từ
năm 1862 đến 1945.
Phương pháp chuyên ngành được sử dụng trong quá trình thực hiện luận án là phương pháp
lịch sử và phương pháp logic, chủ yếu là phương pháp lịch sử.
Những biến đổi kinh tế - xã hội của Bình Phước được xem xét qua ba giai đoạn lịch sử:
1862 - 1897, 1897 – 1918 và 1919 – 1945. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thức rõ, việc phân chia
mốc thời gian nghiên cứu như trên chưa đủ giúp cho việc nghiên cứu những biến đổi kinh tế -
xã hội một cách khách quan, mà cần phải có cách nhìn biện chứng về sự biến đổi và tôn trọng
tính kế thừa trong mối liên hệ và phát triển của kinh tế - xã hội đúng như nó tồn tại. Vì vậy, các
chương mục và vấn đề nghiên cứu được phân chia theo thời gian, được đặt trong bối cảnh của
nền kinh tế thuộc địa Nam Kỳ nói chung, miền Đông Nam Kỳ nói riêng.
Để giải quyết những nội dung khoa học, luận án còn sử dụng phương pháp hệ thống cấu
trúc. Vì biến đổi kinh tế - xã hội Bình Phước diễn ra như một hệ thống liên hòan và tương tác
lẫn nhau. Đầu tư của tư bản Pháp về cơ sở hạ tầng kinh tế và hoạt động nông nghiệp, nhấn
mạnh sự thâm nhập của nhân tố tư bản chủ nghĩa vào hoạt động sản xuất nông nghiệp Bình
Phước là điều kiện gây nên mọi biến đổi kinh tế - xã hội của địa phương.
Vận dụng các phương pháp nghiên cứu bổ trợ như phương pháp sử học so sánh, phương
pháp định lượng trong nghiên cứu sử học, thống kê, phân tích, tổng hợp, nhằm đối chiếu, chắt
lọc những số liệu phản ánh sát với tình hình kinh tế - xã hội địa phương trong giai đoạn nghiên
cứu.
Ngoài ra, chúng tôi còn kết hợp phương pháp nghiên cứu liên ngành, chủ yếu là sử dụng
những phạm trù, khái niệm và phương pháp của xã hội học và kinh tế chính trị học để làm rõ
các khái niệm, thuật ngữ thuộc lĩnh vực kinh tế và xã hội.
5. Đóng góp của luận án
Kết quả nghiên cứu của luận án, góp phần:
- Phục dựng lại những biến đổi kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Phước thời Pháp
thuộc (1862 – 1945) ở các phạm vi biến đổi về cơ sở hạ tầng kinh tế, cơ cấu kinh tế, biến đổi
trong cơ cấu xã hội – tộc người, sự phân hóa xã hội và đấu tranh xã hội, làm nổi bật những đặc
điểm của sự biến đổi kinh tế - xã hội Bình Phước cùng thời, đồng thời bước đầu rút ra một số
nhận xét về vai trò của kinh tế tư bản chủ nghĩa đối với kinh tế Bình Phước nói chung, hoạt
động nông nghiệp nói riêng.
- Làm rõ vai trò của các cộng đồng tộc người đối với quá trình biến đổi kinh tế - xã hội Bình Phước giai đoạn 1862 – 1945 và rút ra hệ quả từ sự biến đổi đó đối với sự phát triển kinh
tế - xã hội địa phương.
- Bổ sung thêm nguồn tài liệu tham khảo cho công tác nghiên cứu về lịch sử địa phương.
- Đóng góp tư liệu và nhận định phục vụ cho việc giảng dạy lịch sử Việt Nam cận - hiện
đại.
6. Bố cục nội dung luận án
Luận án được kết cấu ngoài các phần dẫn luận, tài liệu tham khảo và kết luận, nội dung
chính gồm ba chương:
Chương 1: Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước (1862 – 1897)
Nội dung chương này đề cập đến điều kiện tự nhiên, đặc điểm kinh tế, xã hội được phản
ánh thông qua sự phát triển của trình độ sản xuất, quản lý xã hội của cư dân tại chỗ trước khi
thực dân Pháp xâm lược. Từ khi Pháp xâm lược, các chính sách chính trị - xã hội và kinh tế của
Pháp được áp dụng, nhằm xác lập quyền thống trị và bước đầu khai thác kinh tế, đây là bước
mở đầu và là cơ sở để mở rộng khai thác ở các giai đoạn tiếp theo. Giai đoạn này kinh tế - xã
hội biến đổi với mức độ chưa cao.
Chương 2: Biến đổi kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước giai đoạn 1897 – 1918
Toàn bộ nội dung biến đổi kinh tế - xã hội giai đoạn 1897 - 1918, được đặt trong bối cảnh
thực dân Pháp đã hoàn thành công cuộc xâm lược nước ta bằng quân sự và đề ra chương trình
khai thác thuộc địa ở Đông Dương. Những tác động của chính sách khai thác thuộc địa trên lĩnh
vực kinh tế - xã hội được làm rõ. Hoạt động đầu tư của tư bản Pháp về cơ sở hạ tầng kinh tế, sự
thâm nhập của nhân tố sản xuất tư bản chủ nghĩa vào hoạt động nông nghiệp làm biến đổi mục
đích canh tác nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, làm thay đổi hình thức sở hữu ruộng đất, canh tác,
quy mô sản xuất, hình thức sử dụng nhân công và biện pháp quản lý theo kiểu tư bản. Biến đổi
kinh tế - xã hội xuất phát từ biến đổi kinh tế, đặc biệt trong kinh tế nông nghiệp, tập trung ở
ngành trồng cây công nghiệp, chủ yếu là cao su. Mức độ biến đổi xã hội rõ hơn trước song còn
chậm.
Chương 3: Biến đổi kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước giai đoạn 1919 – 1945
Chương 3 phục dựng lại những biến đổi kinh tế - xã hội của giai đoạn 1919 – 1945. Biến
đổi kinh tế - xã hội được đặt trong bối cảnh Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất kết thúc, đợt khai
thác thuộc địa lần thứ hai diễn ra trong hoàn cảnh đặc biệt là kinh tế thế giới khủng hoảng
nghiêm trọng (1929 -1933), tiếp theo là sự bùng nổ của Thế chiến lần thứ hai và sự can thiệp
của Nhật ở Đông Dương. Những biến đổi kinh tế - xã hội giai đoạn 1919 – 1945 diễn ra theo chiều hướng hạn chế
hoặc triệt tiêu dần các nghề truyền thống, tăng tỷ trọng các ngành kinh tế theo hướng tư bản chủ
nghĩa, chủ yếu phục vụ cho việc khai thác mủ cao su, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng sản
phẩm cạnh tranh.
Giai đoạn này, thực dân Pháp đã can thiệp vào xã hội các tộc người dân tộc thiểu số, làm thay
đổi một số phong tục và thiết chế xã hội truyền thống. Phân hóa xã hội diễn ra rõ hơn với giai đoạn
1862 - 1897 và từ năm 1897 đến 1918
Những tài liệu gần giống với tài liệu bạn đang xem
📎 Số trang: 21
👁 Lượt xem: 5514
⬇ Lượt tải: 37
📎 Số trang: 56
👁 Lượt xem: 664
⬇ Lượt tải: 16
📎 Số trang: 29
👁 Lượt xem: 524
⬇ Lượt tải: 16
📎 Số trang: 27
👁 Lượt xem: 376
⬇ Lượt tải: 16
📎 Số trang: 67
👁 Lượt xem: 428
⬇ Lượt tải: 16
📎 Số trang: 27
👁 Lượt xem: 543
⬇ Lượt tải: 17
📎 Số trang: 7
👁 Lượt xem: 521
⬇ Lượt tải: 17
📎 Số trang: 95
👁 Lượt xem: 495
⬇ Lượt tải: 18
📎 Số trang: 39
👁 Lượt xem: 532
⬇ Lượt tải: 16
📎 Số trang: 39
👁 Lượt xem: 645
⬇ Lượt tải: 16
📎 Số trang: 84
👁 Lượt xem: 529
⬇ Lượt tải: 17
📎 Số trang: 79
👁 Lượt xem: 638
⬇ Lượt tải: 16
Những tài liệu bạn đã xem
📎 Số trang: 211
👁 Lượt xem: 703
⬇ Lượt tải: 16