Nằm kề cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, mảnh đất Đình Bảng luôn được coi là vị trí chiến lược quan trọng. Chính vì thế, tháng 4-1949, thực dân Pháp cho xây đồn bốt rồi chiếm đóng tới già nửa làng. Hơn 2.000 quân lính với đủ sắc tộc cùng với súng ống, đạn dược đã khiến ngôi làng nhỏ bên dòng Tiêu Tương phút chốc đảo lộn. Cuộc sống của những người dân nơi đây bị dồn đến chân tường. Rồi chuyện cướp bóc, chém giết của đám lính Tây với dân làng diễn ra như cơm bữa... Và, ngay giữa lòng địch, có một đội tình báo được thành lập. Điều đặc biệt, những chiến sĩ tình báo này tuổi đời còn rất nhỏ, người lớn nhất cũng chỉ 15-16, người nhỏ thì ở tuổi lên 10. Nhưng chiến công mà họ lập nên thật diệu kỳ.
Ông Ngô Văn Lược - một trong những đội trưởng đầu tiên của Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng còn nhớ như in cái buổi chiều mùa đông ngày 7-11-1949, tại Lăng Lòng Chảo, một địa danh đặc biệt, nơi an nghỉ của vua Lý Công Uẩn - vị vua đã có công khai sáng kinh đô Thăng Long, 15 đội viên đầu tiên của Đội Thiến niên du kích Đình Bảng đã được kết nạp tại đây. Rồi từ đó, đội bắt đầu kết nạp thêm những đội viên mới, rất bí mật, chặt chẽ về tổ chức... đến hết năm 1949, toàn đội đã có 25 hội viên. Các hoạt động chính của đội viên khi đó là luồn vào bốt địch, lấy vũ khí, vận động những binh lính trở về hàng ngũ kháng chiến, đưa đường cho cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt trốn khỏi trại tù của địch.
Từ năm 1949 đến 1954, đội đã cùng cha anh đánh địch lập công xuất sắc, bí mật lấy được của địch hàng chục tấn đạn, cùng nhiều máy thông tin, bộ đàm, dầu mỡ, lựu đạn... chuyển lên chiến khu cho du kích và bộ đội địa phương. Những đội viên nhỏ tuổi này đã 8 lần dẫn đường giải thoát cho nhiều cán bộ chiến sĩ thoát khỏi nơi giam giữ của địch. Và đặc biệt hơn cả, những thiếu niên nhỏ tuổi, qua những lần lân la trò chuyện với những câu hỏi hồn nhiên và trong trẻo đã khiến hàng trăm binh lính, bỏ hàng ngũ giặc quay trở về với cách mạng... Tìm lại những gương mặt xưa
Khi đọc câu chuyện của tác giả Xuân Sách - ”Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng”, tôi rất thích cái tính cách của nhân vật Hoan, tình cảm nhưng cũng đầy rắn rỏi, bộc trực nhưng khéo léo và tinh quái... Và hôm nay, trong một dịp tình cờ, tôi lại được gặp lại “cậu bé Hoan” ngày nào. Nguyên mẫu của “cậu bé Hoan” chính là cựu Đội trưởng Nguyễn Thạc Hoàn. Ông Hoàn nay đã bước qua tuổi 70. Dáng người gầy nhỏ, tóc bạc trắng, cái ấn tượng mà người đối diện thường nhớ nhất về ông đó chính là đôi mắt.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra ngay tại sân Di tích lịch sử Đền Đô - ngôi đền đã chứng kiến bao thăng trầm lịch sử. 14 tuổi, giấu mẹ, ông Hoàn xung phong tham gia vào đội du kích. Những ngày đầu hoạt động, ông cùng em trai mình là Nguyễn Thạc Tam khi đó mới 10 tuổi đến giặt quần áo cho một tên quan hai người Pháp, rình những lúc tên này sơ hở, hai anh em lẻn vào phòng làm việc, lục tìm những tài liệu có giá trị.