- Bằng sức mạnh Tư duy – tiểu sử tự thuật đặc biệt của Kornai János. Đây là cuốn sách thứ tư của Kornai trong tủ sách này và là cuốn thứ năm của Kornai bằng tiếng Việt. Hồi kí của Kornai đặc biệt theo nhiều nghĩa: nó nói về bản thân tác giả, như mọi hồi kí khác, song chỉ nói về các công trình chính của ông; về quá trình chuyển biến tư duy qua từng thời kì, qua từng tác phẩm của ông; về cảm nhận của ông với thời cuộc liên quan đến các vấn đề mà ông nghiên cứu, đến những sự kiện mà ông đã trải qua, đến những nơi mà ông đã đến; về việc nghiên cứu chính nội tâm của ông, đánh giá lại các công trình của ông một cách phê phán.
Những ai đã đọc Kornai, có thể được nhiều thông tin bổ ích khác liên quan đến các công trình của ông, mà khi viết các công trình đó ông không thể trình bày (vì tự kiểm duyệt, vì không hợp với thể loại, và vì các lí do khác). Những người chưa đọc Kornai có thể có được bức tranh khái quát về toàn bộ sự nghiệp nghiên cứu khoa học và hoạt động xã hội của ông, về con người ông, và sau đó có thể có hứng thú để tìm đọc các tác phẩm chuyên môn sâu hơn của ông.
Là người suốt đời nghiên cứu hệ thống xã hội chủ nghĩa và kinh tế học so sánh, ông hiểu rất kĩ hệ thống này. Hơn 15 năm qua ông nghiên cứu về chuyển đổi hậu xã hội chủ nghĩa. Ông đã từng làm báo của đảng cộng sản 6 năm, sau đó ông chuyển hẳn làm khoa học, làm nhà giáo. Ông là người trong cuộc, chính vì thế các tác phẩm của ông rất gần gũi với những người đã từng sống trong các nước xã hội chủ nghĩa trước kia, hay đang còn sống trong các nước xã hội chủ nghĩa chuyển đổi. Và như thế đối với cả người Việt Nam chúng ta nữa. Qua hồi kí của ông nhiều trí thức Việt Nam có thể cũng nhìn thấy mặt nào đó của tình cảnh trái ngược của chính mình nữa. Đấy là những cái làm cho cuốn sách hấp dẫn, là cái khiến tôi dịch cuốn hồi kí này để nó có thể đến tay bạn đọc Việt Nam. Nguyên bản tiếng Hungary, mà bản tiếng Việt dựa vào, được xuất bản năm 2005, bản tiếng Anh với nhan đề By Force of Thought. Irregular Memoirs of an Intellectual Journey. Cambridge: The MIT Press, sẽ ra trong năm nay, 2006.
Tôi nghĩ cuốn sách rất bổ ích cho các nhà chính trị, các nhà kinh tế học, các nhà nghiên cứu khoa học xã hội nói chung, các nhà giáo, các nhà báo, các sinh viên và tất cả những ai quan tâm đến hệ thống xã hội chủ nghĩa và chuyển đổi hậu xã hội chủ nghĩa, đến nghiên cứu khoa học, đến giáo dục đào tạo, đến nghề báo, những người đã đọc hay chưa đọc các công trình khác của Kornai.
- Trong khi đã viết hồi kí của mình được khá nhiều, hết lần này đến lần khác tôi tự hỏi: thực ra vì sao tôi lại làm việc này? Cái gì khiến tôi hồi tưởng lại? Cuốn sách này dành cho những ai? Tôi là người e thẹn và khá và khá lầm lì, đến nay tôi hiếm khi và ít nói về cuộc đời tư của mình. Trong những ngày thay đổi hệ thống hồi hộp nhất, một nhà báo quen đã thúc giục tôi cho một phỏng vấn dài về cuộc đời. Anh ta lập luận rằng, muộn hơn sẽ chẳng ai quan tâm đến. Tôi đã đợi mười lăm năm, hi vọng tôi không bị trễ.
Từ nhiều năm vợ tôi đã gợi ý, đã bảo tôi viết hồi kí, còn tôi thì trì hoãn hết năm này đến năm khác. Cuối cùng bây giờ tôi đã quyết; đến mức từ khi bắt đầu viết, từ giữa năm 2003, tôi tập trung mọi sức lực và thời gian còn lại cho việc này sau khi thực hiện những công việc khác không thể tránh được. Việc vợ tôi cứ nhất quyết với ý tưởng này, bản thân nó là một động cơ khá mạnh. Nếu cần phải kể tên một độc giả, mà cuốn sách này được viết cho, và tôi muốn làm cho người ấy vừa lòng, thì đó là Zsuzsa.
Tôi hi vọng nhiều trong số những người tôi có quan hệ với trong đời cũng quan tâm đến hồi kí của tôi: các con tôi, các cháu tôi, các thành viên khác trong gia đình tôi, bạn bè tôi, các cộng sự một thời và hiện nay của tôi, các học trò của tôi, các bạn đọc những cuốn sách và bài báo của tôi. Đấy là một giới không nhỏ. Nhà xuất bản cuốn sách này có thể hài lòng rằng, nếu tất cả những người đã từng đọc một bài viết hay đã từng nghe một bài giảng duy nhất của tôi, bây giờ có thể cầm cuốn sách trên tay.