Mã tài liệu: 297282
Số trang: 147
Định dạng: pdf
Dung lượng file: 2,691 Kb
Chuyên mục: Địa lý
MS:LVDL-DLH033
SỐ TRANG: 147
TRƯỜNG: ĐHSP TPHCM
NGÀNH: ĐỊA LÝ
CHUYÊN NGÀNH: ĐỊA LÝ HỌC
NĂM: 2010
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Hiện nay, đời sống của người dân Bến Tre nói riêng, cả nước nói chung không ngừng
được cải thiện. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển, hòa nhập với các vùng miền trong cả nước và
thế giới; nông nghiệp, nông thôn trong tỉnh vẫn còn lắm khó khăn. Sản xuất bấp bênh, luẩn
quẩn cái vòng được mùa mất giá, được giá mất mùa, nhiều hộ nông dân ở vùng sâu, vùng xa
thiếu vốn sản xuất, phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn; đời sống vật chất, tinh thần của nhiều
bà con nông dân vùng sâu vùng xa chậm được cải thiện.
Bến Tre là một tỉnh thuộc đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) được ban tặng khá nhiều
từ thiên nhiên, vùng đất mà người ta quen gọi với cái tên rất thân mật “đất lành”. Quả thật
không phải hữu danh, đây là vùng đồng bằng châu thổ màu mỡ được bồi đấp phù sa bởi các
nhánh sông Tiền, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên trước khi nó lặng lẽ đổ vào biển lớn, đây
là một vựa trái cây lớn, vùng tiềm năng nuôi trồng thủy sản (NTTS) của khu vực. Thế nhưng
trong nhịp sống hối hả của cuộc sống hiện đại, người dân Bến Tre vẫn còn gặp rất nhiều khó
khăn, luôn trăn trở với chính sản phẩm của họ làm ra mà chủ yếu là mặt hàng nông sản.
Thủy sản là một trong những thế mạnh lớn của tỉnh trong quá trình hội nhập hiện nay.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 42.089 ha diện tích mặt nước nuôi thủy sản với tổng sản lượng nuôi
trồng năm 2008 lên đến hơn 157.018 tấn, chiếm khoảng 65,7% tổng sản lượng thủy sản của
tỉnh. Nhưng hiện nay nghề NTTS của tỉnh được đánh giá là phát triển không bền vững, hầu hết
các hộ nuôi thủy sản của tỉnh vẫn đang loay hoay tự bươn chải để phát triển mà chưa có những
quy hoạch cụ thể nào cho sự phát triển bền vững trong điều kiện đất nước đang trên đà hội nhập
kinh tế quốc tế.
Hiện nay việc qui hoạch vùng nuôi thủy sản của tỉnh còn khá nhiều bất cập, tỉnh có qui
hoạch nhưng lại không công bố rộng rãi cho dân biết để cho người nông dân thực hiện theo
đúng qui hoạch, dẫn đến tình trạng nông dân mạnh ai nấy đầu tư NNTS theo hình thức tự phát,
đến khi có thông báo vi phạm qui hoạch thì chuyện đã rồi, tỉnh đành phải điều chỉnh theo người
dân. Trong lúc các địa phương đang loay hoay qui hoạch vùng nuôi thủy sản thì giữa người
nuôi thủy sản và các nhà máy chế biến cũng nẩy sinh rất nhiều mâu thuẩn, trên lý thuyết giữa
người nuôi thủy sản và nhà máy chế biến phải luôn luôn cùng nhau nhìn về một hướng để phát
triển nhưng thực tế không như vậy, người thu mua và người nuôi luôn vì cái lợi của bản thân
mà không hề để ý tới sự phát triển trong tương lai. Trong khi bài toán “phát triển thủy sản của
tỉnh như thế nào là bền vững?” vẫn chưa có lời giải thì những ngày gần đây người nuôi và
doanh nghiệp chế biến thủy sản lại đối mặt với một vấn nạn: giá thức ăn chăn nuôi tăng lên từng
ngày, chất lượng thủy sản và môi trường nuôi ngày càng suy thoái dần, khiến cho giá cả nhiều
mặt hàng thủy sản của tỉnh giảm sút rất mạnh trên thị trường.
Hằng ngày trên các phương tiện truyền thông đại chúng như: báo chí, đài phát thanh
truyền hình cũng đã đề cập rất nhiều về vấn đề này thế nhưng vẫn chưa có một công trình
nghiên cứu khoa học thật sự nào đi sâu vào việc nghiên cứu làm sao để ngành hàng thủy sản
Bến Tre thực sự có một chổ đứng vững chắc trên thị trường trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Do
vậy, việc nghiên cứu vấn đề phát triển thủy sản Bến Tre hiện nay là rất cần thiết và thiết thực.
Kết quả những nghiên cứu mang tính định hướng này sẽ là cơ sở để xác định giá trị thực sự của
mặt hàng thủy sản ĐBSCL nói chung và của Bến Tre nói riêng. Nếu điều này được thực thi sẽ
là một động lực rất lớn cho vấn đề qui hoạch phát triển thủy sản tỉnh trong tương lai, đồng thời
nó sẽ góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cho người dân Bến Tre.
Trong thực tế đó, các vấn đề nghiên cứu được đặt ra như sau:
- Đánh giá các tiềm năng và thực trạng phát triển thủy sản của tỉnh.
- Phân tích các mặt đã đạt được cũng như các mặt còn hạn chế.
- Giải thích nguyên nhân dẫn tới những yếu kém trong năng lực cạnh tranh mặt hàng
thủy sản như hiện nay.
- Đề xuất các định hướng và giải pháp cần thiết nhằm nâng cao giá trị mặt hàng thủy
sản đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững của môi trường sinh thái tự nhiên đa
dạng của tỉnh trong tương lai.
Để giải quyết các vấn đề nêu trên, tác giả luận văn đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Tiềm
năng và định hướng phát triển bền vững thủy sản Bến Tre”.
2. Mục đích nghiên cứu
Tổng quan có chọn lọc các cơ sở lý luận về những thời cơ và thách thức của ngành thủy
sản nước ta trong thời kỳ hội nhập mà cụ thể hơn là ngành thủy sản tỉnh Bến Tre.
Khái quát có hệ thống về điều kiện tự nhiên – kinh tế xã hội của tỉnh và đồng thời đưa ra
những nhận xét, đánh giá chung.
Tổng hợp và đánh giá các tiềm năng, thành tựu cũng như các yếu kém của ngành thủy
sản Bến Tre trong giai đoạn gần đây.
Luận văn dựa trên cơ sở lý luận và thực trạng phát triển của ngành thủy sản hiện nay trên
địa bàn tỉnh. Hướng vào phân tích, đánh giá thực trạng phát triển ngành thủy sản tỉnh so với
tiềm năng hiện có và đồng thời nêu lên một số giải pháp mang tính định hướng nhằm phát triển
ngành thủy sản Bến Tre phát huy lợi thế là một trong những ngành kinh tế thế mạnh của tỉnh,
góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao về mặt kinh tế xã hội và môi trường sinh thái trong
tương lai.
3. Nhiệm vụ nghiên cứu
Nghiên cứu và vận dụng lý thuyết phát triển bền vững để phân tích thực trạng phát triển
ngành thủy sản tỉnh Bến Tre (khai thác, nuôi trồng và chế biến tiêu thụ sản phẩm thủy sản)
những năm qua theo quan điểm phát triển bền vững.
Tìm hiểu vai trò của ngành thủy sản trong nền kinh tế xã hội và môi trường sinh thái của
Việt Nam nói chung và Bến Tre nói riêng.
Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển ngành thủy sản của tỉnh đồng thời nêu
lên các mâu thuẫn phát sinh giữa phát triển kinh tế thủy sản với bảo vệ môi trường, cũng như
các vấn đề thủy sản đang bức xúc hiện nay.
Nghiên cứu hiện trạng phát triển ngành thủy sản Bến Tre. Đưa ra một số giải pháp mang
tính định hướng cho việc phát triển bền vững ngành thủy sản Bến Tre đến năm 2020.
4. Giới hạn nghiên cứu của đề tài
Đối tượng nghiên cứu chủ yếu của đề tài là các loại thủy sản đặc trưng có thế mạnh của
tỉnh, hiện nay mang lại giá trị xuất khẩu cao chủ yếu là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng
xanh, cá da trơn (tra, basa).
Đề tài chỉ tập trung nghiên cứu trong giới hạn các huyện có tiềm năng và thế mạnh cho
việc phát triển thủy sản, phân tích các tiềm năng về tài nguyên tự nhiên – kinh tế xã hội (KT –
XH) để phát triển ngành thủy sản, đánh giá thực trạng phát triển của ngành trong thời gian gần
đây. Trên cơ sở phân tích tiềm năng, đánh giá thực trạng phát triển. Đề xuất các giải pháp,
phương hướng phát triển cho ngành thủy sản của tỉnh trong thời gian tới, phát triển nhưng đảm
bảo không gây tác hại đến môi trường, làm hủy hoại tính đa dạng sinh học của các giống loài,
cũng như sự đa dạng của môi trường sinh thái của tỉnh.
Về không gian, đề tài nghiên cứu giới hạn trong phạm vi các huyện trong tỉnh có tiềm
năng và thế mạnh cho việc phát triển thủy sản như: Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, Chợ Lách,
Mỏ Cày Nam,…
Về thời gian, đề tài tập trung, điều tra, thu thập số liệu, nghiên cứu và phân tích trong giai
đoạn từ năm 2000 trở lại đây.
5. Lịch sử nghiên cứu
ĐBSCL nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng có rất nhiều lợi thế và tiềm năng cho việc
phát triển ngành thủy sản. Trong những năm gần đây, thủy sản của vùng đã khẳng định là một
trong những những ngành sản xuất hàng hóa xuất khẩu thế mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế xã
hội rất cao, góp phần tích cực vào công cuộc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thúc đẩy sự phát triển
kinh tế ở các vùng ven biển, tạo ra nhiều việc làm, góp phần giải quyết được nguồn lao động
nhàn rỗi ở nông thôn, tăng nguồn thu nhập cho người dân, đồng thời tạo điều kiện cho việc phát
triển một nền kinh tế thị trường nhiều thành phần.
Cùng với nhiều tỉnh thành khác trong khu vực như An Giang, Cà Mau, Kiên Giang, Đồng
Tháp,… Bến Tre là một tỉnh cuối nguồn sông Cửu Long, với rất nhiều tiềm năng cho việc phát
triển ngành thủy sản đặc biệt là ngành NTTS với cả 3 hệ sinh thái ngọt, lợ, mặn. Hiện nay, sản
phẩm thủy sản của tỉnh đã từng bước khẳng định trên thị trường không những trong nước mà
còn cả các thị trường khó tính như Tây Âu, Hoa Kỳ,… Nhưng chính vì do sự phát triển phần
nhiều còn mang tính tự phát, nên ngành thủy sản sự phát triển thủy sản của tỉnh chưa mang lai
hiệu quả kinh tế đúng với tiềm năng, chưa đảm bảo được tính bền vững trong tương lai.
Tiềm năng phát triển thủy sản là rất lớn, song về lâu dài cũng cần tính đến hiệu quả kinh
tế với sự phát triển bền vững. Sự phát triển bền vững cần phải thể hiệu đầy đủ cả 3 mặt: hiệu
quả kinh tế, xã hội và môi trường. Trên cơ sở đó, chúng ta cần phải có những giải pháp mang
tính khả thi cho ngành thủy sản trong tương lai. Do đó, những năm gần đây đã có không ít công
trình nghiên cứu về vấn đề thủy sản Việt Nam, ĐBSCL.
“Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản Việt Nam thời kỳ 1999 – 2010” do thủ
tướng chính phủ phê duyệt Quyết định số 224/1999 ngày 08/12/1999.
Đề án “Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội ngành thủy sản thời kỳ 2000 – 2010” của
Bộ Thủy sản.
Đề tài khoa học cấp bộ “Những giải pháp về thị trường cho sản phẩm thủy sản xuất
khẩu của Việt Nam” của PGS – TS. Võ Thanh Chu (chủ biên) cùng nhóm tác giả
thuộc trường Đại học Kinh tế Thành phồ Hồ Chí Minh thực hiện.
“Quy hoạch phát triển NTTS ở ĐBSCL đến năm 2015 và định hướng năm 2020” Viện
Kinh tế và quy hoạch thủy sản thuộc Bộ Thủy sản.
Luận án tiến sĩ “Phát triển bền vững ngành thủy sản Đồng bằng Sông Cửu Long đến
năm năm 2015” của Ths. Lâm Văn Mẫn.
Một số bài tham luận có liên quan đến việc phát triển bền vững ngành thủy sản tại các
cuộc Hội thảo khoa học như:
“Hoạt động khoa học công nghệ thủy sản vì sự phát triển Đồng bằng sông Cửu Long”
của Bộ Thủy sản.
“Để nuôi trồng thủy sản xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn ở Đồng bằng Sông Cửu
Long” của PGS – TS. Hà Xuân Thông – Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế và quy
hoạch thủy sản.
“Đẩy nhanh phát triển nuôi trồng thủy sản phát triển hiện đại, hiệu quả bền vững”
của PGS – TS. Hà Xuân Thông – Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế và quy hoạch thủy
sản.
“Khoa học công nghệ trong sự phát triển thủy sản bền vững ở Đồng bằng Sông Cửu
Long” của Nguyễn Văn Hảo, Nguyễn Duy Hòa – Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy
sản II.
“Những bước phát triển mới trong kinh tế Nông – Lâm – Ngư nghiệp vùng Đồng bằng
Sông Cửu Long – Một số giải pháp chủ yếu” của Nguyễn Thị Vân, Viện Khoa học xã
hội vùng Nam Bộ.
“Vai trò của thủy sản trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn vùng lũ
Đồng bằng Sông Cửu Long” của Nguyễn Thanh Phong – khoa thủy sản, trường Đại
học Cần Thơ.
“Giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của gạo và thủy sản – Những sản phẩm
chủ lực của Đồng bằng Sông Cửu Long” của TS. Trần Xuân Hiển, trường Chính trị
Tôn Đức Thắng, tỉnh An Giang.
“Liên kết trong sản xuất kinh doanh thủy sản – Tiền đề cho sự phát triển bền vững”
của Nguyễn Thị Trâm Anh và Nguyễn Thị Kim Anh – khoa kinh tế, trường Đại học
Nha Trang.
“Môi trường và vấn đề phát triển bền vững ngành thủy sản” của Hoàng Hoa Hồng –
trường Đại học Nha Trang.
“Quá trình phát triển và định hướng của ngành thủy sản Bến Tre sau hai năm gia
nhập WTO” của Trần Thị Thu Nga – PGĐ Sở Nông nghiệp và PTNT Bến Tre.
Ngoài ra, hiện nay ngành thủy sản cũng được quan tâm và thực hiện nghiên cứu từ các dự
án, hãng thông tấn báo chí, viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản, đài phát thanh truyền hình tỉnh,
trung tâm truyền hình Việt Nam tại thành phố Cần Thơ hoặc của sinh viên các trường: Đại học
Nông Lâm Tp. HCM, Đại học Thủy Sản Nha Trang, khoa nông nghiệp trường Đại học Cần
Thơ, Đại học Huế, Đại học Trà Vinh,… Tuy nhiên, phần lớn các công trình đó chưa đi sâu khai
thác và nghiên cứu kỹ về vấn đề phát triển thủy sản trong điều kiện đất nước đang hội nhập
quốc tế mà chỉ bước đầu cho việc nghiên cứu các khía cạnh khác nhau của vấn đề thủy sản –
chủ yếu là nhằm mục đích nâng cao năng suất cho việc nuôi trồng thủy sản (NTTS). Diễn hình
như các công trình: “Bệnh học thủy sản” công bố năm 2008, của Viện nghiên cứu nuôi trồng
thủy sản I; “Quản lý chất lượng nước nuôi trồng thủy sản” công bố 2008 của Đại học Cần Thơ;
“Kỹ thuật nuôi nhuyễn thể” công bố 2008,…
Ngày nay, với việc Việt Nam chính thức gia nhập WTO, chúng ta không phải chỉ sản
xuất sản phẩm mà chúng ta có tiềm năng mà cần tạo ra sản phẩm thị trường cần, sản phẩm phải
đáp ứng được nhu cầu thị trường. Do đó, vấn đề nghiên cứu về thủy sản hướng xuất khẩu của
Bến Tre thật là một đề tài khá hấp dẫn cần phải được quan tâm đầy đủ trong tình hình hiện nay.
Riêng vấn đề phát triển thủy sản Bến Tre trong thời kỳ hội nhập hiện nay thì vẫn chưa có
một công trình thật sự nào được nghiên cứu một cách chi tiết, tuy nhiên cũng có rất nhiều bài
viết của sinh viên, định hướng quy hoạch của huyện về các vấn đề có liên quan đến thủy sản
như:
“Khảo sát mô hình nuôi tôm sú thâm canh tại huyện Bình Đại tỉnh Bến Tre” của
Phạm Nguyễn Phương Thảo, 2005. Luận văn tốt nghiệp khoa Thủy Sản, Trường Đại
Học Nông Lâm, Tp Hồ Chí Minh.
“Quy hoạch chi tiết nuôi thủy sản đến năm 2010 của huyện Ba Tri – Bến Tre” của
Phòng Thủy sản huyện Bình Đại.
“Quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản huyện Thạnh Phú – Bến Tre gia đoạn 2003 –
2010” của Hội đồng nhân dân huyện Thạnh Phú.
Các công trình nghiên cứu, đề tài khoa học trên là những tư liệu tham khảo quý giá cho
tác giả khi thực hiện luận văn: “Tiềm năng và định hướng phát triển bền vững thủy sản Bến
Tre”.
6. Quan điểm và phương pháp nghiên cứu
6.1. Quan điểm nghiên cứu
6.1.1. Quan điểm hệ thống
Đối tượng nghiên cứu của địa lý KT – XH khá rộng lớn, liên quan tới nhiều vấn đề, nhiều
khía cạnh có quy mô và bản chất khác nhau, nhưng lại tương tác chặt chẽ với nhau. Vì vậy các
nhà nghiên cứu địa lý KT – XH phải sử dụng thường xuyên nhất quán các quan điểm tiếp cận
hệ thống.
Kinh tế thủy sản nghiên cứu tổng hợp thể lãnh thổ sản xuất trong một hệ thống các mối
quan hệ tác động qua lại với nhau với môi trường xung quanh. Vì vậy khi nghiên cứu vấn đề
thủy sản tỉnh Bến Tre được coi là một hệ thống KT - XH thống nhất, được xem xét đánh giá
quá trình phát triển KT - XH của tỉnh và sự kết hợp hài hòa với vùng ĐBSCL và cả nước.
Ở đây lãnh thổ Bến Tre với tư cách là một hệ thống lớn, bao gồm nhiều phân hệ có quy
mô khác nhau tùy từng cấp huyện, xã,…
Dù ở quy mô nào, trên mỗi bộ phận lãnh thổ cũng đều có ít nhất 3 phân hệ tác động qua
lại, quy định và phụ thuộc lẫn nhau. Đó là các phân hệ tự nhiên, dân cư và kinh tế.
6.1.2. Quan điểm tổng hợp – lãnh thổ
Địa lý KT - XH là một khoa học tổng hợp nghiên cứu không gian lãnh thổ KT – XH liên
quan tới nhiều lĩnh vực khác nhau. Do đó khi nghiên cứu các nguồn lực nhằm phát triển KT –
XH của tỉnh Bến Tre chúng ta cần phải xem xét nó trong một chỉnh thể chung của vùng và cả
nước; giải quyết mối quan hệ giữa sự phát triển với việc nâng cao chất lượng, cũng như việc
bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong tương lai. Đồng thời tìm kiếm những mặt tối
ưu, định ra các giải pháp cụ thể nhằm phát huy lợi thế của ngành thủy sản dưới cái nhìn khách
quan và tổng hợp tạo động lực phát triển KT – XH của tỉnh nhà.
6.1.3. Quan điểm lịch sử - phát triển
Ngành thủy sản cũng như bao ngành kinh tế khác, nó cũng luôn luôn vận động và phát
triển không ngừng theo thời gian. Tùy theo từng giai đoạn nhất định mà nó có các nguồn lực và
thế mạnh khác nhau tạo nên những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngảnh. Đánh giá
đúng chiều hướng phát triển, sự thay đổi của ngành qua từng giai đoạn trong quá khứ, hiện tại
đó là một tiền đề thuận lợi cho phép chúng ta dự báo viễn cảnh cho sự phát triển của ngành
trong tương lai.
6.1.4. Quan điểm kinh tế và phát triển bền vững
Quan điểm kinh tế được coi trọng trong nghiên cứu địa lý KT – XH. Quan điểm này thể
hiện thông qua một chỉ tiêu kinh tế cụ thể như tốc độ tăng trưởng, hiệu quả kinh tế,… Trong cơ
chế thị trường, sản xuất phải đem lại lợi nhuận song cần tránh xu hướng phải đạt cái mục tiêu
kinh tế bằng mọi giá.
Kinh tế thủy sản cũng không nằm ngoài mục tiêu trên chúng ta thúc đẩy sự phát triển
thủy sản nhằm góp phần phát triển kinh tế tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung, nhưng
chúng ta cũng cần phải tính đến mục tiêu lâu dài, sự phát triển bền vững trong tương lai chứ
không phải chỉ vì mục tiêu trước mắt mà bất chấp tất cả.
Quán triệt quan điểm phát triển bền vững đòi hỏi phải đảm bảo sự bền vững về cả 3 mặt
kinh tế, xã hội và môi trường.
6.2 Phương pháp nghiên cứu
6.2.1. Phương pháp phân tích tổng hợp và nghiên cứu hệ thống
Đối tượng nghiên cứu của địa lý KT – XH nói chung và của ngành thủy sản nói riêng là
những hệ thống động phức tạp, bao gồm nhiều phần tử có bản chất khác nhau, thường xuyên tác
động qua lại, mang tính thang cấp rỏ rệt. muốn hiểu rõ những đặc điểm và tính quy luật vận
động, hành vi của chúng, cần phân tích các mối liên hệ đa dạng, đa chiều bên trong và bên
ngoài hệ thống về các mặt số lượng, cường độ, mức độ chặt chẽ,…
Đây là phương pháp cơ bản được sử dụng trong đề tài nghiên cứu. Phương pháp này
được sử dụng nghiên cứu những đối tượng có mối quan hệ đa chiều và thường xuyên có sự biến
động theo thời gian và không gian như ngành sản xuất và nuôi trồng thủy sản.
6.2.2. Phương pháp điều tra thực địa
Đây là một phương pháp truyền thống, đặc trưng của ngành địa lý học. Sử dụng phương
pháp này giúp cho ta tránh được những kết luận, quyết định chủ quan, vội vàng, thiếu cơ sở
thực tiễn. Phương pháp này nhằm bổ sung và kiểm tra, đánh giá lại những thông tin cần thiết
cho quá trình phân tích, xử lý số liệu trước thực hiện đề tài nhằm đảm cao tính chính xác khoa
học cao cho đề tài. Trên thực tế, số liệu thống kê của ngành thủy sản đôi khi còn nhiều bất cập,
chồng chéo và chưa thống nhất giữa các địa phương, đồng thời bổ sung kịp thời những nội dung
mới được phát hiện trong quá trình khảo sát thực địa.
6.2.3. Phương pháp thống kê toán học
Phương pháp này nghiên cứu về mặt định định lượng của các chỉ tiêu phát triển trong
ngành thủy sản. Những thông tin, số liệu có liên quan tới ngành của vùng được thu thập làm cơ
sở cho việc xử lý, phân tích và đánh giá nhằm thực hiện những mục tiêu của đề tài đã đề ra.
Phương pháp này cho phép tổng hợp hóa, đơn giản hóa các thông số hoạt động, các mối
liên hệ đa dạng, phức tạp của các đối tượng nghiên cứu ngành thủy sản trong thực tiễn, làm nổi
bậc các đặc trung cơ bản, quy luật vận động của đối tượng và điều khiển tối ưu, phương hướng
phát triển của chúng.
6.2.4. Phương pháp dự báo định hướng
Phương pháp này giúp ta định hướng chiến lược, xác định các mục tiêu và kịch bản phát
triển trước mắt và lâu dài của các đối tượng nghiên cứu ngành thủy sản một cách khách quan,
có cơ sở khoa học, phù hợp với các điều kiện và xu thế phát triển thực tại.
Để đánh giá và xác định các vấn đề trong nội dung có liên quan, dựa trên các nguyên
nhân, hệ quả và tính chất hệ thống trong việc nghiên cứu tổ chức lãnh thổ nông nghiệp, từ đó dự
báo sự phát triển của ngành trong tương lai.
6.2.5. Phương pháp bản đồ - biểu đồ
Phương pháp truyền thống này cũng được sử dụng phổ biến trong quá trình nghiên cứu
địa lý học nối chung và nhiều môn khoa học cơ bản khác trong đó nó được xem là một phương
pháp khá hữu dụng và trực quan trong nghiên cứu thủy sản. Các quá trình nghiên cứu có thể
khởi đầu và kết thúc bằng một bản đồ - biểu đồ. Vì đây là “ngôn ngữ” tổng hợp, ngắn gọn, trực
quan của các đối tượng nghiên cứu.
7. Cấu trúc của đề tài
Ngoài phần mở đầu và kết luận luận văn gồm có 3 chương chính sau:
Chương 1: Cơ sở lý luận
Chương 2: Đánh giá tiềm năng và thực trạng phát triển thủy sản ở tỉnh Bến Tre.
Chương 3: Định hướng và giải pháp tổ chức lãnh thổ ngành thủy sản tỉnh Bến Tre đến
năm 2020
Những tài liệu gần giống với tài liệu bạn đang xem
📎 Số trang: 103
👁 Lượt xem: 546
⬇ Lượt tải: 17
📎 Số trang: 94
👁 Lượt xem: 784
⬇ Lượt tải: 16
📎 Số trang: 79
👁 Lượt xem: 415
⬇ Lượt tải: 16
📎 Số trang: 126
👁 Lượt xem: 616
⬇ Lượt tải: 18
📎 Số trang: 143
👁 Lượt xem: 977
⬇ Lượt tải: 27
📎 Số trang: 116
👁 Lượt xem: 876
⬇ Lượt tải: 18
📎 Số trang: 126
👁 Lượt xem: 593
⬇ Lượt tải: 17
📎 Số trang: 155
👁 Lượt xem: 638
⬇ Lượt tải: 19
📎 Số trang: 145
👁 Lượt xem: 528
⬇ Lượt tải: 17
📎 Số trang: 120
👁 Lượt xem: 700
⬇ Lượt tải: 17
📎 Số trang: 91
👁 Lượt xem: 1113
⬇ Lượt tải: 17
📎 Số trang: 87
👁 Lượt xem: 854
⬇ Lượt tải: 18
Những tài liệu bạn đã xem
📎 Số trang: 147
👁 Lượt xem: 580
⬇ Lượt tải: 16