Info
Hoàng Cầm sinh ngày 22/2/1922, tại làng Phúc Tằng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; nguyên quán làng Lạc Thổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Tên thật là Bùi Tằng Việt (chữ ghép của Phúc Tằng và Việt Yên). Bút danh khác: Lê Thái, Lê Kỳ Anh, Bằng Phi… Tiểu học ở Bắc Giang, 1937 đỗ cao đẳng tiểu học ở Bắc Ninh. Trung học ở trường Thăng Long Hà Nội, đỗ tú tài năm 1940. Làm thơ từ 8 tuổi. Tác phẩm thành danh của Hoàng Cầm là kịch thơ Hận Nam Quan viết năm 1937, 15 tuổi, khi còn học đệ tứ ở Bắc Ninh (in năm 1942). Hận Nam Quan được đưa vào chương trình giáo dục (vùng quốc gia) trước 1954.1938, 16 tuổi, còn đi học Hoàng Cầm đã bước vào nghề văn, cộng tác với nhà xuất bản Tân Dân của Vũ Đình Long, nổi tiếng từ thời kỳ này, với những tác phẩm Hận ngày xanh, phóng tác Graziella của Lamartine và những truyện rút trong Ngàn lẻ một đêm. 1942, 20 tuổi, viết kịch thơ Kiều Loan. Từ 1940-1945, Hoàng Cầm sống ở Thuận Thành và Hà Nội, ông lấy người vợ đầu tiên trong thời gian này. Tháng 9/1945, Hoàng Cầm cùng Hoàng Tích Chù lập ban kịch Đông Phương, trình diễn ở các vùng Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh… Ngày 26/11/46, Kiều Loan được trình diễn lần đầu tại nhà Hát Lớn Hà Nội.Tháng 12/46, chiến tranh bùng nổ, ban kịch Đông Phương rời Hà Nội, đi lưu diễn ở những vùng phụ cận. Hoàng Cầm và Tuyết Khanh (diễn viên chính đóng vai Kiều Loan) sống chung, giữa năm 1947, hai người cùng gia nhập Vệ Quốc Đoàn. Hoàng Cầm thành lập Đội văn nghệ tuyên truyền đầu tiên trong quân đội, điều khiển và phát triển đoàn Văn Nghệ Liên Khu Việt Bắc từ 1948 đến 1952. Tháng 8/1950, Hội nghị văn nghệ họp tại Việt Bắc, dưới sự chỉ đạo của Tố Hữu, quyết định vinh thăng kịch, loại trừ: tuồng, chèo, vọng cổ, và kịch thơ… ra khỏi nền văn nghệ cách mạng. Hoàng Cầm phải tuyên bố “treo cổ” kịch thơ của mình.