Cách đây đúng một ngàn năm, Lý Công Uẩn, ông vua khai sáng triều Lý đã nhìn thấy ở thành Đại La, đô cũ của Cao Vương (Cao Biền) nằm trên đại can long sông Hồng là một nơi có long mạch lý tưởng: "Xem khắp nước Việt, đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời..." (Chiếu dời đô - Lý Công Uẩn). Càng đắc địa hơn vì trước khi chảy đến đất này, sông Hồng đã bao lần ngoằn ngoèo, uốn khúc để thải bớt khí hung. Đến đây vừa đủ để lập nên một vùng cát địa, có long mạch đạt tầm cỡ thượng đô kinh sư. Thế mà trước khi chảy ra với biển, dòng sông vẫn còn muốn ngoái lại, lưu luyến như tiếc nuối điều gì... Rồi cũng từ đại can long Hồng Hà vĩ đại ấy, tỏa ra các chi long, cước long... vây bọc, tạo nên bức gấm thêu giữa một vùng trời nước.
Gọi là long mạch được chia ra thân (can long), cành (chi long), nhánh (cước long), ngoặt (bàng long)… Lớn thì gọi là đại can long, đại chi long, nhỏ thì gọi là tiểu can long, tiểu chi long… Long mạch được tạo nên do sự vận hành của Âm Dương, Thiên Địa, Ngũ hành, Can Chi, bát Quái… con người chỉ có thể vận dụng, không can thiệp vào được, cho dù có sử dụng hàng vạn tấn TNT hay thậm chí bom nguyên tử… Đó chính là một bộ nhớ vĩ đại, ghi chép những chu kì lặp lại của Không – Thời gian trong tổng thể cái gọi là quá khứ, vị lai… của vũ trụ. Sách “Địa giải Huyền thư” nêu rằng nằm trên đại can long thì có thể hình thành kinh sư (nơi đóng đô), chi long có thể lập nên thành, phủ, đô thị (tỉnh), cước long có thể lập nên trấn, xứ (huyện, xã)… Có long mạch, lại phải có ít nhất một đại can long hình thế khúc chiết, vững vàng thì mới được coi là đất đế vương. Đó là một trong những yếu tố tiên quyết để có thể lập quốc, hình thành một quốc gia. Trung Quốc rộng lớn có ba đại can long, hình thành bởi ba con sông là Trường Giang, Hoàng Hà và Áp Lục Giang. Nước ta cũng có một số đại can long. Trong đó sông Hồng chính là một trong những ranh giới giữa hai đại can long nước Việt từ xưa tới nay vậy.
Khoa học về long mạch xem xét sự vận hành của khí tương quan với địa hình, phương vị, các chòm sao… nên xem Trời là tĩnh mà Đất thì động. Đó là một kiệt tác quan sát của người xưa. Chỉ riêng một môn này thôi, cũng đủ thấy trí tuệ phương Đông xưa vĩ đại đến nhường nào. Long mạch tạo nên sự vận hành của “khí”. Có chỗ bế (tắc), chỗ khai (mở), có nơi phát tán, có nơi ngưng tụ, có khi hung, khi cát… biến ảo tuỳ thời. Tất cả đều không thể xem thường. Đời Nguyên có Liêu Kim Tinh vốn là người nghèo rách, tầm thường. Nhờ học được sách phong thuỷ của Ngô Cảnh Loan đời Tống mà tìm được một nơi đắc địa, có thể phất lên nhanh chóng. Song chỗ đất ấy nếu ở quá hai mươi năm mà không tu tạo thì sẽ bị tuyệt tự. Liêu Công bèn dọn nhà đến đó ở. Quả nhiên vài năm sau trở thành một phú hộ giàu có nhất vùng, tiếng tăm vang dội thiên hạ. Bấy giờ, trong nước có họ Trương là một bậc quyền thế nghe tiếng liền đón Liêu về để nhờ xem đất. Trong vòng hơn chục năm, Liêu tìm cho họ Trương được bẩy mươi tư chỗ đất có kết huyệt tốt. Vậy mà họ Trương vẫn chưa thỏa lòng tham. Đến khi thấy thời hạn hai mươi năm gần hết, Liêu ngỏ ý xin về để tu tạo mồ mả thì họ Trương cố giữ lại thêm mấy năm nữa. Kết quả khi Liêu trở về nhà thì con cháu đã bị nạn chết sạch, chỉ còn bà vợ già và đứa cháu ngoại. Liêu Công từ đó đau buồn, sinh bệnh rồi mấy năm sau cũng mất nốt. Chuyện từ xưa mà buồn đến tận bây giờ.