Đạo phật, ai cũng biết, vẫn có một. Từ hồi đức Phật tổ lập ra cho đến nay, trên hai ngàn rưởi năm, đạo Phật vẫn có một. Song cảnh trí con người thì khác nhau. Vì trên đường đời, nhân loại tiến hoá chẳng giống nhau. Kẻ thông minh tột bực, người mê thấp tối tăm, chẳng giống nhau; kẻ thong tha làm ăn, người vướng nhiều tình dục; kẻ tự do về trí, người lận đận việc nhà; kẽ đã từng học lý xem kinh, người vừa mới nghe văn tầm sách, có kẻ mới nhập mà thông, lại có người già đời còn dốt.........
Bởi thế cho nên các nhà đại tài đại trí đều tuỳ phương tiện mà độ thế giúp đời. Ngay hồi trước, đức Phật tổ đã dạy làm như vậy rồi. Ngó qua một bọn người nghe, Ngài tuỳ sức họ mà thuyết pháp hoặc giảng lý, hoặc thuật tích, hoặc chỉ luật: có khi nói xa, có lúc nói gần, có lần nói tỷ, có lần nói ám. Ngài dùng đủ cách làm cho người ta đạt lý quý hoá. Với chư đệ tử trong hàng quý pháiđã từng tinh tấn, Ngài nói một cách khác. Với hàng thương gia bố thí, Ngài nói một cách khác nữa. Với bọn tôi tớ trung tín thành tâm, Ngài nói một cách khác hơn nữa. Cái khoa ngôn ngữ tuyệt diệu của Ngài biến hoá rất phi thường. Chính trong Kinh có ghi rằng Ngài dạy đến 84000 cái pháp.
Chừng Ngài tịch, chư đệ tử danh sư đại đức mới họp các lời thuyết pháp của Ngài mà dọn thành Kinh. Trong ba tạng Kinh, có lắm cỡ đức và cỡ trí khác nhau. Đại khái là ba phần riêng ra, mỗi phần dung hợp với ý tứ của một hạng người. 1. Tạng Kinh vừa với mấy người ưa thích học văn, tin tưởng các sự vay trả tuần hoàn. 2. Tạng Luật thích cho những vị hay giữ giới đạo lành, từ tiểu giái cư gia cho đến đại giái của nhà sư. 3. Tạng Luận hợp với những ai cầu lý xa vời, từng đi về trong cõi trí, dầm nhầm trong chốn siêu hình.
Mục lục:
Mấy lời đầu
Bài 1: Câu xá tông
Bài 2: Thành thiệt tông
Bài 3: Luật tông
Bài 4: Pháp tướng tông
Bài 5: Tam luận tông
Bài 6: Hoa nghiêm tông
Bài 7: Thiên thai tông
Bài 8: Chơn ngôn tông
Bài 9: Thiền tông
Bài 10: Pháp hoa tông
Bài 11: Tịnh độ tông
Bài 12: Chơn tông
Tổng luận
Phụ lục