Sức sống của một nền đạo lý từ bi, trí tuệ như Đạo Phật thì chỉ có thể là sức sống văn hoá. Bởi vì, chỉ trên bình diện văn hoá, hoặc ở những hình thái sống động của đời sống thâm trầm trong tâm hồn con người, nguồn suối từ bi, trí tuệ mới có thể thẩm thấu, chan hoà như đã thẩm thấu chan hoà trong đời sống và tâm hồn của phần lớn các dân tộc Á Đông.
Văn hoá như hơi thở của sự sống. Chính vì vậy mà qua bao thăng trầm nghiệt ngã của lịch sử, Đạo Phật như một sức sống văn hoá ấy vẫn còn đó, như một sinh chất nuôi dưỡng nếp sống tâm linh cho con người. Văn hoá giống như nước, yếu mềm là thế mà lại không có đao kiếm nào chặt đứt được. Chính vì vậy mà, nhìn trên bề mặt những cơ cấu, tổ chức, rất nhiều khi tưởng như Đạo phật chẳng còn đâu sức sống trước những tác động tiêu cực của thời thế, nhưng với chút lòng mẫn cảm với những lắng đọng sâu xa ở đời sống thì lại thấy Đạo Phật vẫn sốgn nguyên vẹn đó như chưa từng chết đi.
Sức sống văn hoá của Đạo Phật ấy - như chính bản chất từ bi, trí tuệ của Đạo Phật - có thể không tạo nên những công trình vĩ đại cao kỳ của một nền văn hoá xa hoa mang đầy tính cách phù phiếm, bất chấp mọi nỗi thống khổ của nhân sinh; cũng không có sức quyến rũ mãnh liệt như nền văn hoá vật chất ngày nay đang lấy dục vọng làm nguồn năng lực kích động; nhưng sức sống văn hoá của Đạo Phật ấy đã có thể tạo nên được những tâm hồn bình dị trong lành, những nếp sống an hoà tươi mát; ở đó, vũ trụ thiên nhiên và con người hoà điệu với nhau và cùng biểu lộ cái đẹp thuần khiết, chân thực nhất của chúng. Cũng ở đó, con người - trong hoà điệu với vũ trụ thiên nhiên - có thể sống được cái giây phút vĩnh cửu của đời sống mong manh này, cái giây phút vượt ra ngoài mọi biến tế chia lìa mà đầu óc xung động bất toàn của con người luôn tạo ra.
Một bình hoa mang ý đạo, một tách trà trong chốn thinh lặng của thiền, một hòn đá tảng đơn độc giữa chốn thành quách cỏ cây ngậm ngùi sương gió, một lời kinh tụng thức tỉnh con người trỗi dậy đối mặt với nỗi sống chết thiêng liêng của chính mình... Tất cả những điều đó, như có cái gì bất động giữa không ngừng lay động, có cái gì lặng lẽ vô ngôn giữa thanh âm vang động miên man. Tất cả là nghệ thuật của đời sống đi vào cõi Đạo, hay ngược lại, Đạo thấm nhuần vào trong cõi sống. Trong một ý nghãi nào đó, ta có thể nói, giữa biển đời trầm luân sóng gió này, sống mà như thế là sống Đạo; và mặt khác, giữa những hình thức lễ nghi tế toái của tôn giáo, Đạo mà như thế thì thực là Đạo sống vậy.
Tác phẩm này ra đời là mtộ đóng góp thiết thực. Càng thiết thực hơn khi chúng ta đã có nhiều công trình đề cập đến những đóng góp của Đạo Phật trong văn hoá dân tộc qua lịch sử nhưng thật hiếm hoi những tác phẩm nói đến văn hoá Đạo Phật như một thực tại sống động của đời sống con người, ở đây và bây giờ, như tác phẩm này.