Cho đến gần đây, ở các nước Âu Mỹ người ta vẫn nghĩ rằng chỉ có Tây y là có căn bản khoa học và có giá trị, những phương pháp chữa trị khác đều bị hạn chế, không đáng tin cậy. Thế nhưng những khủng hoảng về y tế mới đây, cả trên việc chữa chạy một số bệnh trầm kha lẫn phí tổn điều trị đã khiến cho người ta phải xét lại nhiều quan điểm, trong đó có cả việc chấp nhận một số phương pháp luân chuyển (alternative medicine) để phụ với y thuật qui ước (conventional medicine). Tuy nhiên, bên cạnh những phương pháp chữa bệnh tương đối thô sơ và một số hình thức ngoại khoa mà hiệu quả còn đang trong vòng nghiên cứu của nhiều bộ môn dân gian, những y gia Âu Mỹ đang tìm hiểu và đánh giá lại y học Trung Hoa, vì đây không phải chỉ giản dị là một ngành thảo dược y (herbal medicine), dùng một số cây cỏ trong thiên nhiên để chữa bệnh thuần túy do kinh nghiệm cổ truyền như người ta thường thấy trong một số bộ lạc thiểu số.
Y học Trung Hoa có một quá trình lâu dài, có cơ sở lý luận và có cách thức điều trị, bao gồm cả phương (toa thuốc) lẫn pháp (cách lý luận). Nhiều đặc điểm và quan niệm y khoa của Trung Hoa được xem là rất tiến bộ, về cả phép chữa lẫn cách bào chế thuốc. Đông y cho rằng trị bệnh phải trị từ lúc bệnh chưa phát, mỗi cá nhân là một tiểu vũ trụ có những nét đặc thù và vì thế thuốc men liều lượng phải gia giảm tùy từng người, tùy từng lúc, và đối với mỗi con bệnh, người thầy thuốc phải đưa ra một chiến lược khác nhau, uyển chuyển linh động, lúc tiến lúc thoái, khi kinh khi quyền chẳng khác gì một viên tướng ngoài mặt trận. Người thầy thuốc lại không hành xử như một nghề chuyên môn, mà thường phải nắm vững tình trạng sinh hoạt và tâm tính bệnh nhân, nhiều khi phải ở chung với gia chủ một thời gian trước khi đưa ra một biện pháp chữa trị. Biện pháp đó có thể bao gồm nhiều cách thức, đổi cách ăn uống, tập luyện thân thể, quan niệm sống. Nhiều danh y vốn dĩ là đạo sĩ, tinh thông nhiều ngành bao gồm tam giáo cửu lưu. Hoa Đà, một danh y đời Tam quốc cũng là người sáng tạo ra Ngũ Cầm Hí, một phương pháp tập luyện dựa theo động tác của năm loài vật. Mỗi thang thuốc là một tổng hợp cân đối dùng để điều chỉnh lại những mất thăng bằng, giúp cho con bệnh có đủ sức để đối kháng lại ngoại tà chứ không thay thế con bệnh làm nhiệm vụ phòng chống bệnh. Những quan niệm âm dương, khí huyết, tạng phủ, kinh lạc … không phải chỉ là một mớ tín niệm mơ hồ mà nhiều phần đã được kiểm chứng một cách khoa học.
Một trong những vấn nạn lớn khi người Âu Tây nghiên cứu về y thuật Trung Hoa là họ muốn coi y học như một ngành riêng mà quên rằng quan niệm chữa bệnh bắt nguồn và tồn tại theo đời sống. Đối với cổ nhân, chữa bệnh chỉ là một giai đoạn, giai đoạn bất đắc dĩ sau cùng phải thực hiện khi mọi phương thức khác đã thất bại. Để làm sao khỏe mạnh, người ta đã phải thông hiểu nhiều bộ môn khác, từ ẩm thực, đến dưỡng sinh, khí công, đạo dẫn, thổ nạp. Đó là chưa kể một số bàng môn khác, tuy không trực tiếp liên quan đến sức khỏe nhưng lại giúp cho con người sống đạt quan hơn như mệnh lý, phong thủy, thiên văn, lịch số. Tất cả các môn đó đều từ một nguồn, từ một quan điểm mà người ta cho là mọi thứ trong trời đất đều cùng một thể và nếu như nhất pháp thông, thì vạn pháp thông. Chính đó là tâm điểm nở ra thành nền văn minh Trung Hoa. Trong bài này, chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ biên khảo rất thô thiển, nhằm trình bày một số dữ kiện hơn là đi vào lý luận của Đông y.
Những tài liệu gần giống với tài liệu bạn đang xem
Những tài liệu bạn đã xem