Mã tài liệu: 295293
Số trang: 143
Định dạng: zip
Dung lượng file: 728 Kb
Chuyên mục: Kiến trúc
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Trong lịch sử mĩ học và lý luận văn học, phản ánh nghệ thuật là vấn đề cơ bản. Mô hình phản ánh nghệ thuật là sự đúc rút, khái quát hoá cao độ của đặc trưng phản ánh nghệ thuật trong sự tương quan với lịch sử văn học. Qua mô hình phản ánh nghệ thuật, ngoài những đặc trưng nghệ thuật, phần nào còn tiếp cận được quan niệm thẩm mĩ cũng như đặc thù lịch sử của từng giai đoạn văn học nhất định. Đặc biệt, qua đây sẽ nhận ra những nét đặc sắc, nổi bật của phong cách chủ thể thẩm mĩ, của trào lưu nghệ thuật... Vì vậy, đặt vấn đề nghiên cứu mô hình phản ánh nghệ thuật là một hướng tìm hiểu có ý nghĩa.
1.2 Honore De Balzac là cột mốc đồ sộ và quan trọng trong lịch sử phát triển của chủ nghĩa hiện thực, của lĩnh vực tiểu thuyết. Những đóng góp to lớn của ông, cả về số lượng tác phẩm khổng lồ cũng như giá trị thẩm mĩ, đã làm giàu có lên rất nhiều cho kho tàng của văn chương nhân loại. Ông chính là hiện thân của tiểu thuyết mà bất cứ ai khi nghiên cứu lịch sử tiểu thuyết đều không thể bỏ qua.
Franz Kafka được coi là hiện tượng đặc biệt, là một trong những nhà văn lớn nhất thế kỷ XX. Ngay từ khi ông xuất hiện cả thế giới nghệ thuật vốn bình ổn, tĩnh lặng bỗng bừng tỉnh. Kafka đã mở ra một thời kỳ mới của nghệ thuật. Chính nhà văn phức tạp này đã làm thay đổi tư duy tiểu thuyết. Các sáng tác của ông luôn là những tác phẩm mở ra nhiều đường tiếp cận với các tầng nghĩa khác nhau... Cả hai tác giả, H.Balzac và F.Kafka, đều tạo bước đột phá trong lịch sử văn chương thế giới. Cả hai cũng là đại biểu xuất sắc của chủ nghĩa hiện thực. Tuy cùng đối tượng miêu tả nhưng phương thức khái quát hiện thực của họ lại hoàn toàn khác nhau. Một bên là sự thăng hoa của chuẩn mực truyền thống còn một bên lại tạo những phá cách táo bạo... Tuy nhiên, trên phương diện nghiên cứu về đặc trưng của phản ánh nghệ thuật chưa có công trình nào nghiên cứu Balzac và Kafka một cách có hệ thống. Vì vậy, đặt sự tìm hiểu mô hình phản ánh nghệ thuật trong sáng tác của hai tác giả, qua những tác phẩm tiêu biểu nhất của họ, là yêu cầu có tính thời sự.
1.3. Tìm hiểu mô hình phản ánh nghệ thuật của Balzac và Kafka, một mặt là dịp để nhìn nhận lại phần nào diện mạo của chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX cũng như chủ nghĩa hiện đại thế kỷ XX nhưng mặt khác quan trọng hơn, đó chính là thấy được sự vận động của tư duy nghệ thuật qua đặc trưng phản ánh nghệ thuật trong sáng tác của H.Balzac và F.Kafka.
1.4. Hai cây đại thụ của văn chương thế giới, Balzac và Kafka, đã trùm cái bóng rộng lớn của mình, vượt khỏi không gian và thời gian. Sự ảnh hưởng của hai tác giả cũng in dấu ấn đậm rõ ở Việt Nam. Dòng văn học hiện thực phê phán 1530- 1940 với những Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố... chịu ảnh hưởng của ngòi bút Balzac còn cách viết của các nhà văn đương đại như Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp phảng phất cách viết của Kafka.... Ở khía cạnh này việc tìm hiểu mô hình phản ánh nghệ thuật của hai tác giả chính là để hiểu thêm nền văn chương nước nhà... Tiếp cận những thành tựu to lớn của giá trị thẩm mĩ nơi sáng tác của Balzac và Kafka, còn là cách nâng thêm tầng văn hoá để tạo những gợi mở khi chiếm lĩnh nền văn học nước ngoài nói chung.
2. Lịch sử vấn đề
H.Balzac và F.Kafka đều là những nhà văn lớn của văn chương nhân loại. Vì vậy, những sáng tác của họ đã được nghiên cứu rất nhiều trên mọi phương diện. Ở đây, chúng tôi chỉ điểm lại một vài ý kiến liên quan đến vấn đề của luận văn mà chúng tôi có dịp tham khảo.
2.1 Trên thế giới, ngay từ rất sớm, Balzac đã được các nhà nghiên cứu văn học quan tâm. Từ các nhà chính trị như Marx, Engel, Lenin... đến các nhà văn V. Hurgo, M.Gorki... đều bày tỏ sự thán phục đối với tài năng cũng như phương thức phản ánh của Balzac. Để có được số lượng sáng tác khổng lồ mà không gây ấn tượng phản cảm của sự nhàm chán, đơn điệu, những sáng tác của Balzac luôn linh hoạt, đa dạng trong hình thức biểu đạt. Việc tái hiện hiện thực khách quan một cách chân xác luôn được nhà văn thể hiện. Braghinxki trong “Sơ kết thảo luận về sự hình thành của chủ nghĩa hiện thực trong văn học các nước Phương Đông”, ở Tập san nghiên cứu văn học năm 1962 đã kết luận rằng Balzac đã: “ Mô tả thực tế một cách xác thực, tức là mô tả đời sống xã hội trong sự phát triển hợp với quy luật và những tính cách điển hình trong sự phát triển tự thân của chúng” (21,144). Nhà nghiên cứu Rexnik trong các tiểu luận của mình cũng thường xuyên khẳng định yếu tố tính cách điển hình trong sự phát triển của nó trong các tác phẩm của Balzac. Nhà văn Đức Wanto – Victo, Jack Linxnay (Anh) hay A.I. Vatenko (Xô viết)... cũng đề cao Balzac ở nhiều bình diện trong đó có việc ông khắc hoạ tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình.
Năm 1969, Léon Theoren trong Tổng quan các nền văn học đã có cái nhìn hệ thống và toàn diện về quá trình sáng tác của Balzac cũng như ông đã thống kê số lượng tác phẩm cùng nhân vật của Balzac. Một trong những luận điểm nổi bật của ông là nhấn mạnh sự khách quan hoá hiện thực ở Balzac và khả năng sáng tạo yếu tố kỳ ảo của nhà văn. Ông cho rằng Balzac đã tạo ra “một thế giới vừa phản ánh thế giới hiện tại, lịch sử, vừa tạo ra một sự chuyển hoá mang tính huyền thoại” (15,34). Lagarde và Michard trong Hợp tuyển văn học thế kỷ XX cũng có những ý kiến đồng thuận với Léon Theorens. Baudelaine còn gọi Balzac là nhà “hiện thực linh giác” vì yếu tố kỳ ảo trong sáng tác của nhà văn. Ở đây, Balzac đã sử dụng chất liệu hoang đường để phát biểu những suy tư triết lý. Bằng cách phân tích cụ thể tiểu thuyết Miếng da lừa cũng như sự hệ thống, luận giải khác, X.M Petrop năm 1986 đã viết Chủ nghĩa hiện thực phê phán cũng khẳng định nhu cầu cách tân của Balzac từ yếu tố kỳ ảo. Từ đây X.M Petrop cũng đưa ra những phương thức khác về các phương thức nghệ thuật của Balzac: “Balzac đã đặt nhân vật chính xác những tình huống, những mối liên hệ...” (15,31)... Hầu như các tác phẩm đều tập trung chứng minh cho một luận điểm nào đó về phương diện nghệ thuật của Balzac, nhưng bên cạnh ấy vẫn nhắc tới những thủ pháp nghệ thuật khác.
Các nhà nghiên cứu lịch sử nước Pháp thế kỷ XIX như A. Xoren, Haudo, Mozaze... cũng luôn công nhận giá trị tư liệu các phẩm của Balzac bởi khả năng sử dụng những chi tiết chân thực, chính xác cũng như sự trung thành với nguyên tắc lịch sử - cụ thể của nhà văn.
Những công trình, ý kiến viết về Balzac thì rất nhiều nhưng các nhà nghiên cứu đều gặp gỡ nhau ở một điểm đó là thừa nhận những giá trị nghệ thuật to lớn của Balzac. Engel đã coi Balzac là “Người thày của chủ nghĩa hiện thực” và Engel còn đề cao những tác phẩm của Balzac chính là bài học của mình: “học tập được qua các tác phẩm của Balzac nhiều hơn là qua tất cả các sách của các nhà sử học, các nhà kinh tế học, các nhà thống kê chuyên nghiệp thời ấy cộng chung lại” (54,80).
Là một đại biểu cho chủ nghĩa hiện đại, Franz Kafka với cách viết riêng của mình, cũng tập trung thu hút khối lượng khổng lồ các nhà nghiên cứu. Đã có hơn năm nghìn công trình viết về Franz Kafka - đó chính là sự thống kê chỉ dựa trên các nhan đề nghiên cứa của Yvegili vào năm 1981. Chính sự quy tụ đa dạng các lối viết và nhiều hệ tư tưởng mà Franz Kafka luôn được nhiều nhà văn xem là ông tổ của trường phái mình. Năm 1939 là mốc đánh dấu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Franz Kafka ở Phương Tây. Michel Remon đã viết: “Thế giới bắt đầu gặp gỡ Franz Kafka và định ngữ K rời bỏ lĩnh vực văn chương để áp dụng vào cuộc sống hàng ngày” (74,65). Phương thức nghệ thuật cũng như nội dung phản ánh của Franz Kafka lúc này thực sự đã rời bỏ biên giới của nó để tạo nên tính phổ biến kỳ diệu.
Viết về nghệ thuật là công trình khoa học với đối tượng chuyên biệt là nghệ thuật, là văn học, đã có nhiều nhận định thoả đáng về Franz Kafka. Becton Brecht, tác giả của công trình ấy, đã có những nhận xét về thế giới nghệ thuật của Franz Kafka và cho rằng chỉ có tầm tư duy nhất định mới thẩm thấu được ẩn ý cũng như khả năng tiên tri của Franz Kafka: “Những cuốn sách của ông xuất hiện thường chỉ có một vài người nhận thấy mà thôi” (74,65). Cũng bàn về nghệ thuật tiểu thuyết, tập tiểu luận Thời đại nghi ngờ, tác giả Nathalie Saraute cũng bày tỏ quan niệm công nhận khả năng tiên tri của Franz Kafka và khẳng định sự thất thế của phương pháp hiện thực cũ. Ông cũng tuyên truyền các nhà văn cũng phải đi khai thác: “Những miền chưa khám phá” (71,32) theo gót của Franz Kafka .
Còn nghiên cứu gia Hecman Brotso, tác giả của bài “Phong cách và thời đại huyền thoại” trong tập tiểu luận: Sáng tạo văn học và nhận thức lại nhấn mạnh đến “vũ trụ luận”, đến triết lý huyền thoại của Franz Kafka. Ông cũng khẳng định sự quay về của đương thời đối với huyền thoại “Theo gương của Jenijoix và Franz Kafka” (71,32). Lấy hình thức huyền thoại để đả phá thế giới hiện thực là cách làm mang lại nhiều hiệu quả thẩm mỹ mới mẻ và sâu sắc.
Tại Lipbice, Tiệp Khắc trước đây, đã từng diễn ra hội nghị Quốc tế về Franz Kafka. Ở đây, R. Graudy đã kiên quyết bảo vệ ý kiến cho rằng Franz Kafka chính là đại diện tiêu biểu của phương pháp sáng tác hiện thực chủ nghĩa. Trong tác phẩm Về một chủ nghĩa hiện thực không bờ bến, Graudy khẳng định Franz Kafka đã xây dựng được một thế giới riêng, mà những vật liệu của thế giới đó được tổ chức theo một quy luật khác. Ngoài ra, Graudy còn phát hiện hình thức sáng tạo huyền ảo và chức năng dự báo ở những sáng tác của Franz Kafka .
Vào tháng 1 năm 2004, Nhà xuất bản văn hoá thông tin xuất bản tập tiểu luận Nghệ thuật tiểu thuyết, những di chúc bị phản bội của Milan Kundera. Trong tập tiểu luận dài 462 trang này, Milan Kundera đã trình bày những nhận định mới mẻ về các đặc trưng phản ánh nghệ thuật của Kafka: "Họ đã chống lại nghĩa vụ phải gây cho người đọc ảo ảnh về cái có thật: cái nghĩa vụ đã toàn quyền thống trị suốt hiệp hai của tiểu thuyết” (41,250). Cũng ở đây, Milan Kundera còn đưa ra một vài luận kiến và luận chứng để so sánh giữa những sáng tác của Balzac, của các nhà hiện thực chủ nghĩa thế kỷ XIX với Kafka. Qua đó để nhấn mạnh thêm sự cách tân mạnh mẽ của Kafka.
A.Camus - nhà văn, đại biểu của trường phái triết học hiện sinh chủ nghĩa, đã từng coi Dostoevski cùng với Kafka là những thần tượng của mình. Trong tập tiểu luận Hy vọng và phi lý trong tác phẩm Franz Kafka,ông đã thừa nhận tài năng, trực giác sắc bén của Kafka. A. Camus khẳng định “ Toàn bộ nghệ thuật của Kafka tập trung ở chỗ buộc độc giả phải đọc lại” (14,255).
Các tác gia nghiên cứu từ Fuxik, Milena Jedenka, B.Rechk... đến các tờ báo hay những nhà văn hậu thế... đều luôn coi những sáng tác của Kafka là cánh cửa mở ra chiều sâu vô tận của nghệ thuật phản ánh...
2.2. Ở Việt Nam, Balzac sớm được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Kafka cũng được các công trình nghiên cứu khai phá. Riêng ở bình diện phản ánh nghệ thuật, cả hai tác giả đều ảnh hưởng nhiều đến các nhà văn Việt Nam.
Năm 1966, Đỗ Đức Dục cho xuất bản cuốn Hônôrê Đơ Banzăc - một bậc thày của chủ nghĩa hiện thực. Ở công trình này, ngay cách định danh tiêu đề của nó, đã thấy được vai trò, vị trí của Balzac. Đỗ Đức Hiểu đã hệ thống một cách cụ thể và hoàn cảnh sáng tác, thế giới quan và tóm tắt một số tác phẩm chủ yếu của Balzac. Đặc biệt nhà nghiên cứu đã chú ý những nghệ thuật của tiểu thuyết cũng như những cách tân của Balzac. Ngôn ngữ tác phẩm cũng được Đỗ Đức Dục quan tâm: “Chính Balzac biết mình tự cầm bút có khó khăn, cho nên ông càng gọt sửa lời văn, thậm chí khuyến khích người viết văn làm một thứ “tổng vệ sinh văn học”(21,39). Nhưng nguyên tắc lịch sử - cụ thể là phương diện được Đỗ Đức Dục luận giải nhiều nhất. Trong Chủ nghĩa hiện thực phê phán trong văn học Phương Tây, cũng do ông là tác giả, đã thừa nhận sự chi phối mạnh mẽ của nguyên tắc lịch sử - cụ thể, sự chính xác của các chi tiết... nơi sáng tác của Balzac.
Balzac và cuộc săn tìm nhân vật chính diện trong bộ Tấn trò đời (Nxb Giáo dục,1997) là công trình nghiên cứu của Đặng Anh Đào, nghiêng về địa hạt nghệ thuật xây dựng nhân vật của Balzac. Ở đây, bà đã có những nhận xét khá thoả đáng về Balzac cũng như hệ thống nhân vật của ông. Bên cạnh đó cũng có một vài gợi mở khác trong lĩnh vực phản ánh nghệ thuật nói chung của Balzac: “cái đẹp của Balzac luôn đi liền với cái thật” (30,51); “Việc tái xuất hiện một nhân vật qua nhiều tác phẩm, trước Balzac chưa có nhà văn Phương Tây nào sử dụng” (30,85). Hoàng Nhân, Nguyễn Ngọc Ban, Đỗ Đức Hiểu, Lê Hồng Sâm, trong các nghiên cứu của mình, cũng có nhiều quan điểm trùng với Đặng Anh Đào.
Lê Nguyên Cẩn lại đặc biệt chú ý tới yếu tố siêu nhiên trong sáng tác của Balzac. Cái kỳ ảo trong tác phẩm của Balzac do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành năm 1999, được ông chuyên biệt nghiên cứu một cách có hệ thống về yếu tố kỳ ảo. Ở đây ông trình bày sự xuất hiện của cái kỳ ảo trong Tấn trò đời cùng các motif nổi bật, tác dụng của cái kỳ ảo trong tổ chức tác phẩm và mối quan hệ của nó với hiện thực: “Hiện tượng Balzac trở nên phức tạp, có góc cạnh cũng vì sự có mặt của các yếu tố kỳ ảo trong nhiều tác phẩm của ông" (15,28).
Trong giáo trình Văn học Phương Tây, Bài viết Hônôrê Đờ Balzắc của tác giả Đặng Anh Đào đã thống kê cụ thể hoàn cảnh đặc biệt khi viết Tấn trò đời. Riêng tiểu thuyết Engénie Grandet được bà phân tích tỉ mỉ về ngoại lệ và điển hình, độ lệch thời gian và nhịp độ kể chuyện... Đặng Anh Đào cũng khái quát những đổi mới về quan niệm tiểu thuyết của Balzac, cụ thể như nhân vật, thời gian, màu sắc lịch sử cụ thể, trường độ. Tấn trò đời nổi bật với sự lên án đồng tiền và quyền chức: “với Tấn trò đời đồng tiền đã trở thành nhân vật chính, giống như ngoài cuộc đời” (56,550).
Những công trình Lịch sử văn học Pháp thế kỷ XIX do Lê Hồng Sâm chủ biên (Nxb Ngoại văn, 1990); Các tác gia lớn của văn học Pháp thế kỷ XIX (Thái Thu Lan, Nxb Giáo dục 2002)... . Hay các bài viết trên các tạp chí đều hướng tới mục đích chung nhất đó là khái quát lại cách đánh giá Balzac cũng như nêu lên vai trò to lớn của giá trị hiện thực trong các tác phẩm của nhà văn.
Nói một cách khách quan và công bằng thì ở Việt Nam, tình hình nghiên cứu Kafka có phần thu hẹp hơn so với nghiên cứu Balzac. Điều này có nguyên nhân của nó,mà trước hết là do những yếu tố nội sinh của nền văn học chúng ta. Bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ XX, Franz Kafka mới bắt đầu được đề cập. Thời gian đầu đa số các ý kiến đều đồng thuận phê phán văn học hiện sinh chủ nghĩa mà Kafka là một trong những đại diện. Tuy nhiên, khi đã thực sự thẩm thấu được tài năng của ông, người ta đã có những cái nhìn khác.
Phương Tây – văn học và con người của G.S Hoàng Trinh đã chọn Franz Kafka là đối tượng quan trọng cho công trình nghiên cứu của mình. G.S Hoàng Trinh đã tìm hiểu về con người tha hoá cũng như thế giới huyền thoại trong sáng tác của Franz Kafka, bằng cách phân tích một cách khái lược các tiểu thuyết Vụ án, Lâu đài, Hoá thân. Ông đã khẳng định thế giới hiện thực của Franz Kafka chính là: “thế giới huyền thoại”, “ thế giới ảo ảnh”, một “thiên nhiên thứ hai”, đối lập với hiện thực và cuộc sống” (71,30). Cũng ở đây, tác giả Hoàng Trinh còn mạnh dạn chỉ ra một vài nhược điểm của nhà văn.
Với cái nhìn khái quát hoá và đa diện, “Thế giới nghệ thuật của Franz Kafka”, trong cuốn sách Từ văn bản đến tác phẩm văn học của PGS. TS Trương Đăng Dung (Nxb khoa học xã hội, 1998), đã có những cách kiến giải sắc bén và hệ thống đối với phương diện nghệ thuật của Franz Kafka. Ở đây, tác giả Trương Đăng Dung đã trình bày một loạt các thủ pháp nghệ thuật của nhà văn: huyền thoại hoá, phi lôgic hoá... Một cách khéo léo trong sự đan dệt với các luận kiến, luận chứng. Theo nhà nghiên cứu này thì các tác phẩm của Franz Kafka luôn lơ lửng, khó nắm bắt bởi hệ ẩn ý sâu của nó: “người đọc khó có thể giải mã một cách nhất quán nội dung nào đó của một tác phẩm của Franz Kafka .” (24,255). Cũng chính ở bài viết này, tác giả đã nêu một vài so sánh giữa Franz Kafka với Balzac, với L.Tolstoi... để thấy rõ những khác biệt trong phản ánh hiện thực của các nhà văn tiêu biểu này.
Đặng Anh Đào dành hẳn một phần để nghiên cứu Franz Kafka trong giáo trình Văn học Phương Tây. Trong phạm vi bài viết của mình, ngoài những hệ thống về tiểu sử và sự nghiệp văn chương, bà đã nghiên cứu cụ thể ở các tác phẩm Hoá thân, Nước Mĩ, Vụ án... gắn liền với các phương thức phản ánh nghệ thuật: “Một thày thuốc nông thôn và vấn đề huyền thoại” (56,650 – 654); “Nước Mĩ: Tính chất để ngỏ...” (56,654 – 657); “Vụ án: Kết cấu, điểm nhìn của nhân vật; mối liên hệ với các tác phẩm khác” (56,657- 662). Ở đây đã có nhiều cách kiến giải khá sắc sảo tuy nhiên lại thiếu tính hệ thống, tổng hợp bởi tác giả Ðặng Anh Ðào ðã cắt rời sự phân tích qua từng tác phẩm.
Năm 2006, Nhà xuất bản Giáo dục đã ấn hành tập chuyên luận Nghệ thuật Phran – Dơ Kafka của tác giả Lê Huy Bắc. Chuyên luận cũng tái hiện được toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp, những đề tài của Franz Kafka. Các vấn đề như: huyền thoại hoá, nghệ thuật xây dựng nhân vật, hay các chi tiết ở mức độ so sánh ngầm... Nhìn chung là đã có nhiều quan điểm gặp gỡ với quan điểm của các nhà nghiên cứu trước. Lê Huy Bắc cũng chú ý tới ngôn từ nghệ thuật của Franz Kafka : “Kafka còn đề xuất một lối viết chứa đựng trong nó sự bí hiểm khó có thể cắt nghĩa và hầu như không thể bắt chước” (14,7). Cũng trong tiểu luận Trên hành trình chân lý Kafka trước đó, tác giả Lê Huy Bắc cũng đã biện giải những đặc điểm nghệ thuật đó của Kafka .
Ngoài các tác giả trên, còn rất nhiều nhà nghiên cứu, các bài báo cũng tập trung khai thác về Kafka, về thế giới nghệ thuật của nhà văn tài năng này.
Qua sự tổng hợp các ý kiến xung quanh vấn đề nghiên cứu sáng tác của H.Balzac và F.Kafka trong phạm vi có thể tìm hiểu được, chúng tôi nhận thấy:
Đa số các tác giả đều hướng sự nghiên cứu vào khía cạnh cách tân nghệ thuật của Kafka cũng như sự đa dạng, linh hoạt nhưng cũng rất sáng tạo của nghệ thuật Balzac. Tuy nhiên, vấn đề đó mới dừng ở sự liệt kê hay chỉ được nhắc tới của công trình nghiên cứu hoặc nếu có đi sâu lại chỉ xoáy vào một đặc điểm nào đó của các nhà văn.
Về cơ bản, hầu hết các nhà nghiên cứu chưa có công trình nào xâu chuỗi và hệ thống hoá một cách chuyên biệt về phương thức phản ánh nghệ thuật của Balzac và Kafka. Hơn nữa chưa đặt hai mô hình nghệ thuật đó song song để thấy được sự vận động kỳ diệu của văn học nghệ thuật.
Những khoảng để ngỏ trên lại chính là sự gợi mở cho hướng tiếp cận của luận văn này.
3. Nhiệm vụ nghiên cứu
3.1 Để có cái nhìn hệ thống và cơ sở đánh giá đúng mực những đóng góp của Balzac và Kafka, trước hết chúng tôi tìm hiểu một cách khái lược nhất về vấn đề phản ánh hiện thực trong lịch sử mĩ học và lý luận văn học cũng như đặc trưng phản ánh nghệ thuật của văn học thế kỷ XIX, thế kỷ XX.
3.2 Đi cụ thể tìm hiểu phương thức khái quát hiện thực của Balzac và Kafka, trong các sáng tác tiêu biểu của họ, để thấy rõ vai trò, vị trí và những đóng góp to lớn của hai tác giả.
3.3 Mỗi kết luận từ các nội dung trên là các dữ liệu để thừa nhận những thành tựu thẩm mĩ đồ sộ của Balzac và những cách tân sáng tạo mới mẻ, sâu sắc của Kafka. Khi đặt vấn đề nghiên cứu mô hình phản ánh nghệ thuật của hai tác giả này chúng tôi không đặt mục đích so sánh làm trọng điểm mà ở đây, chúng tôi chỉ làm nổi bật sự khác nhau, để qua đó chỉ ra sự vận động của văn học nghệ thuật hai trào lưu, hai thời đại...
4. Phạm vi khảo sát
Do những khó khăn chủ quan và khách quan về tài liệu văn học nước ngoài mà phạm vi khảo sát, nghiên cứu của chúng tôi chỉ giới hạn trong các tác phẩm tiêu biểu:
4.1. Trong các sáng tác của H. Balzac:
- Lão Goriot, Lê Huy dịch, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2001.
- Vỡ mộng (2 tập), Trọng Đức dịch, Nxb Văn học 2001.
- Kiệt tác không người biết, Lê Hồng Sâm dịch, Tạp chí văn học nước ngoài, số 4, 2001.
- Miếng da lừa, Trọng Đức dịch, Nxb Văn học, 2004.
- Ơgiêni Grăngđê, Huỳnh Lý dịch, Nxb Văn học, 2004.
4. 2. Trong các sáng tác của Kafka:
- Lâu đài, Trương Đăng Dung dịch, Nxb Văn học, 1998.
- Franz Kafka tuyển tập, Nxb hội nhà văn – Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, 2003. (Bao gồm: Hoá thân (Đức Tài dịch); Vụ án (Phùng Văn Tửu dịch), 13 truyện ngắn, nhật ký, thư từ).
5. Phương pháp nghiên cứu
Với ý nghĩa mang tính đường lối, phương hướng và tính thực thi cụ thể, các phương pháp luận văn vận dụng đó là: phương pháp hình thức (phân tích các khía cạnh hình thức của tác phẩm văn học để rút ra ý nghĩa thẩm mĩ của chúng), phương pháp so sánh (để hiểu rõ bản chất và vị trí của một vấn đề trong các mối tương quan đa chiều của nó); phương pháp loại hình (để phân loại các luận cứ, luận điểm trong luận văn trên cơ sở chứng minh các nhóm hiện tượng giống nhau theo một tiêu chuẩn nào đó giúp chúng tôi nắm bắt được các hiện tượng trong mối quan hệ tổng thể, bao quát), phương pháp hệ thống (để xác định vị trí của một vấn đề trong mối quan hệ phân cấp với các vấn đề khác, qua đó chúng tôi đánh giá được đầy đủ giá trị và ý nghĩa của vấn đề ấy)...
6. Đóng góp mới của luận văn
Trên sự tham khảo các công trình liên quan, luận văn đã cố gắng đưa ra mô hình phản ánh nghệ thuật khái quát nhất của H.Balzac và của F.Kafka.
Đặc biệt luận văn trên cơ sở đối sánh gián tiếp hai mô hình phản ánh nghệ thuật của hai tác giả sẽ cố gắng chỉ ra sự vận động, biến chuyển, thay đổi tư duy nghệ thuật của hai trào lưu, hai thời đại. Qua đó, thấy rõ được sự mở rộng biên độ của chiều kích phản ánh hiện thực của F.Kafka mà cũng chính là những khả năng vô bờ bến của chủ nghĩa hiện thực hiện đại.
7. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần “mở đầu” và “kết luận”, nội dung của luận văn được triển khai trong ba chương:
Chương I. Chủ nghĩa hiện thực và mô hình phản ánh nghệ thuật
Chương II. Phương thức khái quát hiện thực trong sáng tác của H. Balzac.
(Qua một số tác phẩm tiêu biểu)
Chương III. Phương thức khái quát hiện thực trong sáng tác của Franz Kafka.
(Qua một số tác phẩm tiêu biểu)
Ở các chương có thể sẽ có những vấn đề được kiến giải theo nhiều góc độ, chúng tôi coi đó như là những mặt cắt khác nhau để đạt đến cái nhìn toàn diện về đối tượng.
Sau cùng là mục Tài liệu tham khảo.
KẾT LUẬN
1. Quan niệm nghệ thuật là “sự mô phỏng tự nhiên” của Aristote được coi là thuộc tính và cương lĩnh sáng tác của nghệ thuật trong suốt chiều dài của lịch sử mĩ học và lý luận văn học. Ngay từ thời cổ đại, phục hưng, cổ điển... và đến tận thế kỷ XIX, thì quan niệm ấy, cho dù được tiếp thu và kế thừa trực tiếp hoặc gián tiếp, khơi sâu hoặc bổ sung, cũng luôn chi phối rõ nét trong sáng tạo nghệ thuật... Chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX là sự phát triển rực rỡ nhất cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn sáng tác trong quan niệm về sự phản ánh nghệ thuật và thực tại khách quan. Honore De Balzac là tác giả đã sống hết mình cho văn chương. Khối lượng sáng tác khổng lồ và sức làm việc của ông luôn là những bài học bổ ích cho hậu thế noi theo. Quan điểm nghệ thuật cũng như đặc trưng phản ánh nghệ thuật của Balzac đều toát lên mối liên hệ mật thiết, hữu cơ với cuộc sống. Sự khám phá, nghiên cứu và thẩm định đối với thế giới hiện thực của nhà văn đều luôn minh bạch, sáng rõ. Sự chi phối của chủ nghĩa thực chứng, của quyết định luận xã hội và mọi nguyên tắc sáng tác đều được cắt nghĩa ở bình diện xã hội – lịch sử, đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới sáng tác của Balzac cũng như của các nhà văn đương thời. Vì vậy, chiếm lĩnh những tác phẩm của Balzac tức là đã tiếp cận một cách chân xác đời sống xã hội vốn luôn sục sôi, cựa quậy trong dòng chuyển động của nó. Theo nhà văn sáng tác chính là quá trình thâm nhập, nghiền ngẫm, nghiên cức trực tiếp thực tế hay đó chính là quá trình khách quan hoá liên tục cái chủ quan. Thi pháp khách quan hoá hiện thực được Balzac đẩy mạnh trong Tấn trò đời. Trong địa hạt phản ánh nghệ thuật của tác giả, những tác phẩm của ông là kết quả của mối liên hệ giữa phổ biến và đặc thù nhưng đều không thoát ly hoàn toàn với thi pháp khách quan hoá trên. Thế giới hiện thực của Balzac, vì thế hiện lên vừa sinh động, đa dạng và được điển hình hoá cao độ lại vừa có nét truyền thống, quen thuộc. Balzac luôn chủ trương hiện thực phải được phản ánh theo đúng các hình thức của đối tượng. Ông để hiện thực tồn hiện và tự cất lên tiếng nói của bản thể chân thực. Mối liên hệ nhân – quả cùng việc xây dựng tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình vốn là định thức của chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX cũng là luận điểm tác giả vận dụng phổ biến trong Tấn trò đời. Ông luôn chú trọng nghiên cứu mối quan hệ biện chứng phức tạp của thế giới khách quan. Trong thế giới ấy, mỗi sự vật, hiện tượng hiện lên đều phải tường minh, cụ thể và phải được nêu lên nguyên nhân – kết quả một cách minh bạch, rõ ràng. Điều đó được chứng minh rõ rệt trong hệ thống sáng tác của ông. Trong phạm vi khảo sát của chúng tôi, tác phẩm nào của Balzac cũng có kết thúc trọn vẹn và hoàn chỉnh về nội dung. Những tham vọng ngông cuồng đều bị trả giá trong sự day dứt và tỉnh ngộ của các nhân vật. Khi gấp trang sách lại cũng có nghĩa người tiếp nhận đã hoàn toàn thông hiểu được số phận của các nhân vật và chiếm lĩnh được thế giới hiện thực đầy giả trá, lọc lừa mà tác giả muốn thể hiện. Bên cạnh đó, các tình huống, sự kiện trong sáng tác của nhà văn cũng luôn luôn được diễn ra trong một môi trường xác định nhờ nguyên tắc lịch sử – cụ thể. Đây không chỉ là nguyên tắc chi phối xuyên suốt cảm hứng chủ đạo của chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX mà nó còn được chiếu ứng cụ thể, kỹ lưỡng qua từng diễn biến tác phẩm và từng hành động của nhân vật trong thế giới nghệ thuật của Balzac. Nguyên tắc này kết hợp với sự tôn trọng tối đa tính chân thực, chính xác của các chi tiết đã tạo tiền đề thẩm mỹ để Balzac làm nên “tấm gương phản ánh trung thành của thời đại”. Các nhà văn hiện thực chủ nghĩa thế kỷ XIX luôn cố gắng bảo vệ tỉ lệ của hoàn cảnh sống thực và luôn đảm bảo tuân theo logic khách quan. Chính đặc trưng phản ánh nghệ thuật này của Balzac đã khiến hiện thực xã hội hiện lên trong sáng tác của ông như sân khấu cuộc đời với muôn hình muôn vẻ trong tất cả sự ồn ào, hỗn loạn của nó. Những điều kiện về đời sống vật chất, đời sống tinh thần, những sinh hoạt đi lại, mua bán, nợ nần... là những mặt cơ bản của đời sống đều được tái hiện qua những bối cảnh của tác phẩm. Trong chủ nghĩa hiện thực nói chung và sáng tác của Balzac nói riêng khi khắc hoạ bất cứ một nhân vật nào, dứt khoát đã từng phải thấy nó tồn tại ở ngoài đời trong hoàn cảnh nhất định với tính cách và vận mệnh khách quan của nó. Như vậy, thừa nhận giá trị của thực tế khách quan là đặc điểm quan trọng của đặc trưng phản ánh nghệ thuật của Balzac. Trong khi quan sát thực tế và đưa tất cả, một cách minh xác, cụ thể, lên trang giấy, ông đi sâu vào bản chất và phát hiện những mâu thuẫn trong hiện thực.
Khi vận dụng những định thức mang tính quy phạm thẩm mỹ trên của chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX, Balzac còn có những sáng tạo đặc thù trong phương thức khái quát hiện thực của ông. Đó là nhà văn đã phát kiến ra thủ pháp lặp lại nhân vật. Tác giả để cho đích danh một nhân vật nào đó tồn tại và xuất hiện từ tác phẩm này xuyên qua các tác phẩm khác. Ở tác phẩm này nó có thể là nhân vật chính nhưng ở tác phẩm khác nó chỉ làm nền cho nhân vật chính và ngược lại. Chính thủ pháp nghệ thuật này khiến cho hiện thực được lộ diện trong cả chiều dài, chiều rộng và chiều sâu của nó nữa. Nhân vật đồng tiền và nhân vật hãnh tiến là hai loại nhân vật tái xuất hiện, trong sự định danh trực tiếp, cụ thể của từng nhân vật, nơi các tác phẩm của Balzac. Yếu tố kỳ ảo qua hai khía cạnh những motif kỳ ảo và các phương tiện kỳ ảo cũng là phương thức được Balzac sử dụng và tạo hiệu quả thẩm mỹ khá độc đáo. Dùng cả sự hoang đường, siêu nhiên trong phản ánh nghệ thuật nhưng lúc nào các sự kiện cũng tường minh, rõ ràng để chứng minh cho quy luật nguyên nhân – kết quả. Chính những sáng tạo độc đáo trên kết hợp khéo léo với những phương thức nghệ thuật phổ biến của chủ nghĩa hiện thực mà Balzac được tôn phong là “bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực”. Tuy tạo sự khác lạ trong nghệ thuật phản ánh như vậy nhưng tác giả vẫn không để các sáng tác của mình vượt thoát khỏi giới hạn thẩm mỹ của chủ nghĩa hiện thực. Quyết định luận xã hội về sự liên hệ theo quy luật nhân – quả do sự điển hình hoá các sự kiện, nguyên tắc lịch sử – cụ thể và chủ nghĩa thực chứng cũng chi phối mạnh mẽ… Tóm lại, đặc trưng phản ánh nghệ thuật của chủ nghĩa hiện thực truyền thống và của Balzac là sự trung thành, chính xác với thực tại khách quan như sự kế thừa từ mĩ học về phản ánh nghệ thuật của quá khứ. Như vậy cũng có nghĩa là thực tại khách quan trong chủ nghĩa hiện thực hiện lên tường tận và chính xác như bản thân nó tồn tại, trong nghệ thuật phản ánh mỹ học tiếp nhận ở đây chưa được phát huy vai trò tích cực của nó. Tác giả đã không trao quyền tạo lập nghĩa cho độc giả. Đối tượng và phạm vi đả kích được chế định trong cái khung lịch sử - cụ thể nên chưa khái quát hóa cao độ ở phạm vi nhân loại theo nghĩa phổ quát. Mặt khác, thế giới hiện thực còn ẩn chứa đầy những bí ẩn, khó đo lường nên khi phản ánh hiện thực theo các hình thức trực tiếp của đối tượng đôi khi còn tạo nên sự phiến diện trong thế giới quan. Đặc biệt sự chuyển hóa giữa nội dung - hình thức cũng chưa được phát lộ sâu sắc.
2. Quan niệm phản ánh nghệ thuật như là sự mô phỏng hiện thực của chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX không còn phù hợp với tư duy nghệ thuật của con người hiện đại. Và người có những nỗ lực vượt lên những giới hạn thẩm mỹ mang tính quy phạm lâu dài đó, mở ra một thời kỳ mới của chủ nghĩa hiện thực, chính là Franz Kafka. Đây cũng chính là là quy luật tất yếu của nghệ thuật. Kafka đã thực sự đột phá để phá vỡ chiều kích của chủ nghĩa hiện thực. Trước hết là sự phế bỏ dứt khoát những quy ước thẩm mỹ cũ, qua đó cho thấy thế giới quan và nhân sinh quan thấm đẫm tư tưởng triết học hiện tượng học của Kafka. Cái nhìn logic tuyến tính thông thường theo nguyên tắc lịch sử – cụ thể bị nhà văn phủ định và làm rối tung bằng thủ pháp mê cung hoá. Từ các sự vật đến các cuộc hành trình của nhân vật đều bị rơi vào vòng xoáy mịt mù của cái mê cung cuộc đời vô phương hướng, nó không thể có một điểm tựa để chiếu ứng trong sự tường minh, cụ thể như trước kia. Logic nhân – quả, nguyên tắc lịch sử – cụ thể... bị phủ nhận mạnh mẽ và thay vào đó là thế giới phi logic, phi lịch sử – cụ thể. Qua đó, thấy rõ một thế giới mịt mù, bí ẩn như một ẩn số và tình trạng cô đơn, bấp bênh đến thảm hại của con người hiện đại cũng như cả kiếp người mang tính phổ quát... Các sáng tác của Kafka cũng không còn sự chân thực của các chi tiết như nguyên tắc sáng tác của chủ nghĩa hiện thực thế kỉ XIX mà nó đã được huyền thoại hoá. Tuy ông vẫn sử dụng sức mạnh của các chi tiết nhưng nó lại được soi chiếu trong lăng kính nghệ thuật rất độc đáo. Kafka cũng là người đã khai mạc cho khuynh hướng huyền thoại hoá trong văn học hiện đại. Huyền thoại hoá của Kafka, về cơ bản khác với huyền thoại cổ và là bước tiến đối với yếu tố kỳ ảo. Ở đây thủ pháp xây dựng nhân vật truyền thống đã bị phá vỡ, lại càng không thể tìm thấy những nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Nhân vật trong sáng tác của Kafka đã đi đến tận cùng của thảm hại và bất hạnh khi nó trở thành phi danh tính và chỉ được kí hiệu hoá, tâm lý thông thường của con người cũng bị tước sạch, chỉ còn phi tâm lý thực chứng và lạc lõng trong môi trường phi lịch sử - cụ thể. Con người trong tác phẩm của nhà văn trước khi gặp cái chết còn chịu kiếp vật hình hoá. Huyền thoại hoá thân ở đây, kỳ lạ nhưng không hề cần đến các chất liệu và linh vật hoang đường. Thế giới nghệ thuật không những không thể soi chiếu với thực tại khách quan mà còn không thể phân biệt được hiện thực với ảo mộng, hiện thực với hư ảo... Huyền thoại hai bình diện thể hiện sự bất lực, cô đơn của con người trước thế giới bí ẩn và xa lạ. Chính những đặc trưng phản ánh nghệ thuật từ thủ pháp mê cung hoá, huyền thoại hoá đã tạo nên một thế giới hiện thực “không bờ bến” của những giới hạn thẩm mỹ và giới hạn kích thích, mời gọi cho mỹ học tiếp nhận: “hiện thực không bao giờ là cái đã xong xuôi. Hiện thực là cái đang dang dở và mở. Nó không phải là trạng thái cố định mà là quá trình. Trong cái mất đi đã hình thành hiện thực mới còn xa lạ, nó vẫy gọi tất cả các nhà văn trên trung bình khám phá” (62, 183). Hiện thực không còn thụ động trong sự quy ước mà nó tạo sự tự do cho mọi phương thức thể nghiệm của các chủ thể về thế giới khách quan. Đây cũng là một bước tiến so với phản ánh nghệ thuật thời kỳ trước. Sự chính xác và đầy ắp các chi tiết cụ thể của định thức nghệ thuật và sự trọn vẹn hoàn chỉnh, tường tận về nội dung của các sáng tác trong chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX làm cho mỹ học tiếp nhận chưa được chú ý thỏa đáng.
Sự cách tân trong phương thức phản ánh nghệ thuật của Kafka còn ở phương diện ngôn từ nghệ thuật. Cách xử lý đầy sáng tạo và gợi mở ở cả ngôn ngữ đối thoại nhân vật và ngôn ngữ trần thuật. Sự vấn - đáp song phương của các cuộc đối thoại thông thường đã được ông lột xác thành thứ ngôn ngữ đối thoại của riêng mình. Ngôn ngữ trần thuật thì phá vỡ cấu trúc logic của các mệnh đề mà trở nên rời rạc, khô khốc, nặng nề, trúc trắc như bản chất của hiện thực vốn luôn không bình yên. Sự độc đáo và hấp dẫn của ngôn từ nghệ thuật của ông không phải ở sự dụng công tỉ mỉ của những mỹ ngôn mà là ở sự hoà điệu đến tinh tế và tuyệt vời giữa nội dung thể hiện và hình thức phản ánh. Người ta nhìn thấy thế giới hiện thực trong cả cái vỏ văn bản của tác phẩm.
Với sự khát khao sáng tạo mãnh liệt, Kafka đã có những cách tân to lớn trong nghệ thuật. Ông không phải là tái hiện hiện thực mà thực sự là “khai sinh ra hiện thực”, một thế giới hiện thực hoàn toàn mới. Ông đã góp phần đưa văn chương nhân loại mở ra một ngã rẽ mới và đưa nghệ thuật của chủ nghĩa hiện đại lên ngôi.
3. Các sáng tác của Balzac và của Kafka đã chứng minh cho quy luật vận động không ngừng của nghệ thuật, của văn học. Tư duy nghệ thuật như một dòng chảy theo thời gian và tạo sự nhảy vọt khi có bước ngoặt của sáng tạo. Kafka cùng một số tác giả chủ nghĩa hiện đại khác, chính là những người tạo nên “bước ngoặt” đó của thế giới hiện thực khi nó chuyển từ chủ nghĩa hiện thực truyền thống đến chủ nghĩa hiện đại. Nghệ thuật nhân loại sẽ không thể phát triển nếu mãi bằng lòng trong khuôn mẫu thẩm mỹ cố định mà không có sự tìm tòi, đổi mới. Qúa trình khám phá cái mới của người nghệ sỹ chính là hành trình đi tới chân lý của nghệ thuật. Nếu không có tâm huyết và tài năng thực sự thì người nghệ sỹ không thể tìm được cái chân lý sáng tạo ấy. Chủ nghĩa hiện thực truyền thống đã phải tự khép cánh cửa sáng tác theo hệ thống quy ước thẩm mỹ của thời đại để đón luồng tư tưởng hoàn toàn mới của chủ nghĩa hiện đại. Rồi những văn nghiệp hậu thế cũng lại sẽ tiếp tục vượt thoát tầm ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện đại và đưa đến những chân trời sáng tạo mới. Sự vận động của tư duy nghệ thuật để phủ định và loại bỏ những cái cũ, cái lạc hậu, đồng thời khẳng định giá trị của tư duy sáng tạo sẽ đưa tầm văn hóa của nhân loại lên từng bước mới. Chủ nghĩa hiện đại sau này có thể bị thay thế nhưng điều không thể phủ nhận được đó là những giá trị thẩm mỹ độc đáo mà đại biểu tiên phong - Kafka, cùng một số tác giả hiện đại chủ nghĩa khác đã khai sinh và xác lập đã thực sự là một cuộc cách mạng nghệ thuật.
Văn học Việt Nam, cũng có sự vận động biến đổi về nội dung cũng như nghệ thuật phản ánh. Thế giới hiện thực được khai phá từ các ngòi bút Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nam Cao... cho đến Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Võ Thị Hảo..., qua các quá trình, từ dòng văn học hiện thực phê phán 1930 – 1945 đến dòng văn học đương đại, cũng là sự vận động của tư duy nghệ thuật. Và để có được những điều ấy thì luôn phải bắt đầu từ quá trình tìm tòi, đổi mới không ngừng của mỗi nhà văn.
Những tài liệu gần giống với tài liệu bạn đang xem
📎 Số trang: 74
👁 Lượt xem: 669
⬇ Lượt tải: 16
📎 Số trang: 7
👁 Lượt xem: 505
⬇ Lượt tải: 16
📎 Số trang: 66
👁 Lượt xem: 653
⬇ Lượt tải: 16
📎 Số trang: 66
👁 Lượt xem: 638
⬇ Lượt tải: 17
📎 Số trang: 148
👁 Lượt xem: 3712
⬇ Lượt tải: 28
📎 Số trang: 50
👁 Lượt xem: 517
⬇ Lượt tải: 17
📎 Số trang: 96
👁 Lượt xem: 689
⬇ Lượt tải: 16
📎 Số trang: 87
👁 Lượt xem: 615
⬇ Lượt tải: 16
📎 Số trang: 87
👁 Lượt xem: 704
⬇ Lượt tải: 18
Những tài liệu bạn đã xem
📎 Số trang: 143
👁 Lượt xem: 376
⬇ Lượt tải: 16