Info
LUẬN VỀ ANH HÙNG VỀ CHIẾN THẮNG VÀ VỀ ĐỒNG ĐỘI
(Đọc tiểu thuyết “Những bức tường lửa” của Khuất Quang Thụy - NXB Quân đội nhân dân - 2004)
I. Cuốn tiểu thuyết Những bức tường lửa của tác giả Khuất Quang Thụy (NXB Quân Đội Nhân Dân xuất bản 2004 - Giải nhất về tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh - cách mạng của bộ Quốc phòng trong 5 năm 1999 - 2004 - Giải thưởng Văn học 2005) đem lại một cái nhìn hết sức mới mẻ trong văn chương viết về chiến tranh, những năm gần đây. Cũng là một cái nhìn hồi cố từ một thời điểm hiện tại ở khoảng giao thời hai thế kỷ, nhưng cuốn sách này nói về những điều mà dường như đã xa lạ với đương thời: về người anh hùng chiến trận và chủ nghĩa anh hùng thấm đẫm chất lý tưởng cộng sản thời chiến như một trong những sự thật đích thực của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.
Không gây ấn tượng đặc biệt gì về văn phong, cũng không hề có những “nút thắt” hư cấu kịch tính, cuốn sách này dùng hình thức tiểu thuyết để “Nhớ lại và suy nghĩ” (Nguyên soái Giu-cốp, Liên Xô) và đặc biệt là suy nghĩ về những người anh hùng nổi danh và vô danh - cả một lớp nhân vật chính diện, từ một người du kích, một lính trinh sát, một người chỉ huy cấp trung đội và đại đội, một người chính ủy kiên định mực thước mà thầm lặng cho đến một vị anh hùng lừng danh đã trở thành một viên tướng quan trọng sau này v.v... Thông qua câu chuyện của những nhân vật ấy, có lẽ đây là lần đầu tiên một tác phẩm văn chương đã gắn kết thành công hai chủ đề: thân phận con người và chủ nghĩa anh hùng cách mạng - để giải quyết một luận đề về người anh hùng và di sản tinh thần của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.
Cuốn tiểu thuyết này đã ra mắt khá lâu trước sự kiện xuất bản đầy tiếng vang cuốn Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm. Nếu để so sánh, ta có thể thấy rõ sự trùng hợp giữa tinh thần, tính lý tưởng và hành động của người nữ bác sĩ với tính lý tưởng, tinh thần và hành động của nhiều nhân vật trong tiểu thuyết Những bức tường lửa, đặc biệt là với nhân vật chính ủy Lương Xuân Báo. Một khía cạnh trùng hợp khác là sự lựa chọn của tác giả tiểu thuyết: giống như quan điểm của giới nghiên cứu lịch sử quân sự coi chiến dịch Khe Sanh và cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 là sự kiện bước ngoặt của chiến tranh. Khuất Quang Thụy cũng chọn thời gian - không gian chiến trường đó làm bối cảnh tiểu thuyết, nhưng anh lại không chọn mô tả một đơn vị chủ công trên mặt trận chính, cái sư đoàn mà tác giả chọn làm nguyên mẫu là một đơn vị dự bị cơ động chiến dịch - chiến thuật, thực hiện một nhiệm vụ khiêm tốn, ít tiếng vang nhưng lại hiểm nghèo hơn - bởi không thể có những sự chi viện lớn; và sau cùng nhận lệnh độc lập mở một mặt trận giữa vòng vây của các đơn vị chủ lực mạnh hơn nhiều lần của đối phương... Trong tình thế không nổi bật về vai trò và sứ mệnh, những phẩm chất tinh thần của chủ nghĩa lý tưởng, chủ nghĩa anh hừng trở nên gần gũi hơn, nhân bản hơn, thật hơn.
II. Chiến tranh là mảnh đất của lòng quả cảm của nghị lực và mưu trí, của những hành động thể xác phi thường, cho nên người anh hùng là những tấm huân chương, những biểu tượng của một cuộc chiến tranh.
Thêm vào đó, những hành động anh hùng luôn được nhìn nhận gắn với sự sáng suốt lý trí, với tính mục đích rõ rệt và ở cấp độ cao nhất, nó vươn tới cái cao cả. Đó là một chủ nghĩa lý tưởng mà các cuộc chiến tranh đều cần đến.
Chiến tranh là một tình trạng bất thường, cực hạn, cho nên trong đó cũng có sự bộc lộ kịch tính và bi thảm của cái thấp hèn, nhưng những khía cạnh này thích hợp hơn với những cách thể hiện mang tính phủ định thân phận con người. Dưới góc độ này, chiến tranh là sự cưỡng bức, bẩn thỉu, xa lạ và phi lý đối với con người cá nhân. Trong những trường hợp xuất sắc nhất của những biểu đạt văn chương của nhãn quan này, người ta có thể bị thuyết phục bởi cảm giác về một tính nhân đạo “khách quan”, một thứ tính khách quan “ngoài - lịch sử”, tức là vượt lên trên tính lịch sử cụ thể của một cuộc chiến tranh, đồng nghĩa với việc vượt ra ngoài vòng cương tỏa của một lập trường, một bối cảnh chính trị - nhà nước gắn với thời đoạn lịch sử của cuộc thiến tranh đó. Tất nhiên, dưới cách nhìn mang tính phủ định thân phận con người như vậy, người ta không có lý do gì để đề cập đến bất cứ một tính hợp lý lịch sử nào của một cuộc chiến tranh nào và vấn đề người anh hùng cũng tất nhiên không xuất hiện.
Ở đây cũng cần có một chút phân biệt giữa cảm hứng anh hùng với một cảm hứng ngợi ca “suy tôn” một chiều nào đó. Người anh hùng và chủ nghĩa anh hùng không phải lúc nào cũng là ở chỗ đầy chiến thắng, đầy vinh quang, đầy quyền lực và đầy lẽ phải...
Nhưng những phẩm chất anh hùng là một giá trị, một thước đo chiều kích con người. Cảm hứng anh hùng là thuộc về cái đẹp và mang tầm vóc tư tưởng. Đó là những điều thuộc về truyền thống văn hóa phổ quát.
III. Tiểu thuyết Những bức tường lửa của tác giả Khuất Quang Thụy là một tác phẩm hiếm hoi đã đưa người anh hùng vào tâm điểm khảo sát, hơn nữa, đã tái hiện cả một lớp các nhân vật anh hùng và đưa cảm hứng anh hùng vào luận đề về chiến tranh và về đồng đội.
Trình thuật chủ yếu của tác phẩm nằm trong hai tuyến truyện: những trận đánh của một sư đoàn chủ lực trên mặt trận Đường 9 trong thời kỳ cao điểm mang tính bước ngoặt của chiến tranh - thời kỳ 1968 - 1969; và những số phận khác nhau của một nhóm học sinh cấp III miền Bắc đã thành bộ đội của sư đoàn này, bên cạnh đó là số phận nổi bật của một người chính ủy thuộc lứa tuổi đàn anh của họ.
Phức hợp những câu chuyện trải trên 750 trang sách này có một đặc điểm nổi bật: đó là cảm nhận rõ rệt về một tình đồng đội toát lên từ mọi chi tiết và bao trùm từ đầu đến cuối. Xúc cảm này tăng dần theo sự phát triển của câu chuyện chính và chuyển một cách khá kịch tính thành các suy tư đầy băn khoăn trong chương sách cuối cùng (chương Trong sổ tay của chính ủy) Tình cảm này thuộc về cảm hứng anh hùng của toàn bộ các câu chuyện trong tiểu thuyết. Tình cảm này hé mở những bề sâu vô hình của nó qua trình thuật về những cái chết của những người anh hùng chiến trận.
Đó là những cảm xúc rất tư lự và được diễn đạt một cách tự nhiên, không một chút màu mè hoa mỹ, không khoa trương tầm thường. Đi lại giữa hai bờ chênh vênh của Sống và Chết, những xúc cảm này biểu lộ một quá trình vận động tích tụ xuyên suốt tác phẩm, ngày càng trở nên căng thẳng. Đây thực sự là một phẩm chất khác thường của cuốn sách này và đã khiến cho nó có một không khí bi tráng, càng về cuối càng căng thẳng và cuốn hút như dòng nước sắp trôi vào đến tâm điểm của một họng nước xoáy. Hai chương cuối và đoạn vĩ thanh thực sự là cái họng xoáy ấy, khi rốt cục dòng xúc cảm bỗng bật lên thành một diễn đạt hiên ngôn. Ở đây không có gì giống với những cách nói đã thành khuôn sáo ước lệ và bằng phẳng về tình đồng đội về chiến trường.
Một điều làm nên khác biệt là: tác giả mô tả nhân vật Hùng Phong như một trong những tướng lĩnh hàng đầu của đất nước. Đám tang của vị tướng này được mô tả có sự tham dự của hầu hết các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Một nhân vật ở tầm cỡ như thế thật hiếm thấy trong văn chương nước nhà, ở chỗ ít khi nhân vật tiểu thuyết, một nhân vật chính, được hư cấu vào vai một nhân vật thuộc hàng cao nhất có thật ngoài đời.
Nhưng chuyện nhân vật Hùng Phong có một nguyên mẫu như thế hay không là hoàn toàn không quan trọng. Vấn đề là ở chỗ, ngay trong Chương Mở đầu nhân vật anh hùng trung tâm này đã hiện lên trong khung cảnh cuối đời của ông ta. Tràn đầy vinh quang của quá khứ, ông tướng này cũng đang tràn đầy thất vọng và vỡ mộng đối với cuộc sống gia đình: vợ tệ, con hư, đồng thời đoạn cuối sự nghiệp của ông buồn tẻ. Và ngay sau lúc con vào tù, vợ bỏ đi thì cái chết đến đón ông tướng.
Chương Mở đầu như vậy khá ảm đạm và đánh đi những tín hiệu băn khoăn. Rõ ràng tác giả đã chọn sự băn khoăn đó làm âm hưởng chủ đạo cho bản anh hùng ca của mình. Lần lượt, về cuối truyện, các nhân vật chính - những người anh hùng đầy lý tưởng và niềm tin - nếu không ngã xuống trên chiến trường thì cũng rơi vào một vụ “bị hiểu lầm”, bị “ngồi chơi xơi nước” kiểu nào đó, hay cũng thoái hóa đi... Bất ngờ lại đến từ nhân vật chính thứ hai - ông chính ủy khô khan Lương Xuân Báo. Nhà chính trị thực hành này của Quân đội cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay cũng không bao giờ thay đổi niềm tin của mình, mặc dù đoạn cuối đời của ông quá bất hạnh và cô đơn, không được tưởng thưởng xứng đáng, không có vầng hào quang nào che chở.
Và thông điệp của tác giả qua cuốn tiểu thuyết luận đề này là rõ ràng. Đó là nỗi buồn đầy băn khoăn về việc rất nhiều điều cao đẹp và rất nhiều người anh hùng đã mất đi với sự kết thúc chiến tranh trong thắng lợi.
Cảm hứng anh hùng của tác phẩm chính là ở chỗ khá xa lạ với cuộc sống đời thường hôm nay. Khi đưa ra cả một lớp các nhân vật người anh hùng chiến tranh, nó chất vấn thời cuộc về một niềm tin bị xói mòn, về sự trong sạch và vô tư khi thi hành bổn phận, về tính lý tưởng và lòng trung thành như là những phẩm chất chung nhất của lý trí và tinh thần xứng đáng ở mọi thời.
Cuốn sách này không ca ngợi chiến tranh. Luận đề về những anh hùng chiến trận ở đây là nhằm làm sống lại một tinh thần cao thượng có tính lý tưởng, một chủ nghĩa anh hùng có tính khắc kỷ vị tha. Giữa những xu hướng đi về cá nhân của văn chương hiện thời thì đây là một khúc bi tráng rất cổ điển.
Nguyễn Chí Hoan
(Báo Văn nghệ số ra ngày 29-4-2006)
========================
pass để mở file etv