Info
Giới thiệu tác phẩm:
“Tôi tên là Renée, năm mươi tư tuổi và tôi làm công việc gác cổng ở tòa nhà số 7 phố Grenelle, một khu căn hộ cực kỳ cao cấp. Tôi đã góa chồng, người thấp, xấu xí, béo tròn, bị chai chân, và vào những buổi sáng khó ở, tôi còn thở như voi mamút."
"Tôi tên là Paloma, mười hai tuổi, tôi sống ở tòa nhà số 7 phố Grenelle, tronng một căn hộ dành cho người giàu. Nhưng từ lâu lắm rồi, tôi biết rằng điểm đến cuối cùng chính là bình cá, sự trống rỗng và ngu ngốc của cuộc sống trưởng thành."
Câu chuyện được dẫn dắt bởi hai giọng kể. Renée, năm mươi tư tuổi, gác cổng cho một tòa nhà sang trọng tại quận VII Paris, người đã sử dụng nghề nghiệp của mình như một lớp vỏ bọc: “góa chồng, người thấp, xấu xí, béo tròn”, bà xây dựng một hình mẫu hài hước về nghề này để “gìn giữ” tốt hơn đam mê bác học của mình với phim của Ozu, những nhân vật của Tolstoi và tranh tĩnh vật Hà Lan.
Sóng đôi với bà Michel, tâm hồn đồng cảm bất ngờ với bà, đó là Paloma, một cô bé mười hai tuổi, đặc biệt thông minh và bất hạnh. Cô bé đã thấy được sự phi lý của cuộc sống, của những người thân của cô: cô chị học sư phạm nhưng đầu óc thiển cận, phù phiếm, bà mẹ chuyên uống thuốc chống trầm cảm, ông bố có chút hèn nhát. Paloma đự định sẽ tự tử vào ngày sinh nhật lần thứ mười ba và trong khi chờ đợi, cô ghi lại những “suy nghĩ sâu” cũng như kiếm tìm một cái gì đó “đáng để sống”.
Tâm hồn thuần khiết nhưng đầu óc cay độc, hai con người cô đơn này tìm kiếm những khoảnh khắc của cái đẹp trong thế giới tư sản thu nhỏ nghẹt thở bởi những thành kiến.
Ngay từ phần mở đầu, chúng ta sẽ khám phá ra một trong những ý tưởng chủ đạo của tác phẩm: “ảo tưởng lớn và phổ biến cho rằng ý nghĩa của cuộc sống dễ dàng được nhận ra”.
Cuộc sống là phi lý, chẳng bao giờ người ta nói đủ điều đó, ngay cả khi “nghi thức uống trà đưa vào cuộc sống phi lý của chúng ta một chút hài hòa thanh thản”. May thay, còn có Nghệ thuật và cái đẹp, đó là vẻ đẹp của ngôn ngữ hay của sự tinh tế nằm trong một lời mời theo kiểu Nhật Bản.
Sự lôi cuốn không thể phủ nhận của cuốn sách này nằm ở các nhân vật, hết sức đáng yêu, và vô số những suy ngẫm đầy lý lẽ về những vật nuôi trong nhà, những chiếc ôtô bị đốt cháy, việc học tập, những đoạn dài nghị luận về cửa trượt (đương nhiên là kiểu Nhật), về ngữ pháp, về những bất công xã hội, v.v…
Những thú vui nhỏ bé của cuộc sống, những thời khắc hoàn hảo khi thỉnh thoảng mọi thứ lật nhào, Barbery nắm lấy chúng với lòng tiếc nuối vĩnh hằng của một Marcel Proust và sự tươi mới của một Philippe Delerm. Hài hước, thông minh và dùng một ngôn ngữ du dương, câu chuyện đậm chất triết học này có gì đó rất Nhật: nhẹ nhõm một cách chậm rãi, bay bổng như một bài thơ haiku. Một thứ văn phong thanh lịch, cũng có thể so sánh với sự thanh lịch của loài nhím - kiểu cách - và với một vốn từ vựng cực kỳ phong phú, không thiếu những từ hiếm