Info
Chuyện cha con trong một gia đình nhưng là chuyện của cả xã hội. Câu chuyện kể về ba thế hệ gia đình ông Lê Hòe trong cả một thời kì dài. Ông Lê Hòe từ bàng hoàng đã đi đến nhận thức được vấn đề để thích nghi với cuộc sống khi thời cuộc chuyển đổi. Lê Đại – con trai ông thích ứng nhanh hơn với thời cuộc và dám làm dám chịu. Cháu ông, Lê Cường đã có nhiều vấp váp khi tuổi trẻ, nhưng biết đứng dậy đi tiếp....Gia đình là cái khung truyện và chuyện thay đổi cơ chế là nội dung chính. Qua bức tranh xã hội, tác giả cảnh báo, gợi ý ứng xử đối với những vấn đề trong đời sống, những ứng xử giữa người với người nhằm thúc đẩy xã hội phát triển. Tiểu thuyết "Luật đời và cha con" (Nguyễn Bắc Sơn) đã được chuyển thể thành phim “Luật đời”, đạt giải nhất thể loại phim truyền hình nhiều tập năm 2007, do khán giả bình chọn. Trong thời buổi sách báo ngồn ngộn này thì đây là một cuốn sách đáng để chúng ta đọc và suy ngẫm.“…Dù biết mỗi phút giây lúc này là cấp thiết vô cùng, nhưng người lái xe cũng không thể nào nhấn thêm ga được. Con đường đất đồi không cho anh đi nổi 30 km giờ. Chiếc xe Lada cứ rung bần bật như sắp long ra từng mảng. Ông Hoè trân trân nhìn đoạn đường trước mặt. Mình không can thiệp để nó vẫn sang làm lính thể thao là đúng hay sai. Ông chỉ nghĩ đơn giản, ở đơn vị chiến đấu thì vất vả hơn, mọi chế độ đều không thể bằng bên thể thao được. Chỉ có việc ăn và tập, vừa khoẻ người, vừa lấy thành tích cho đơn vị. Và dù thế nào cũng phải nói, hệ số an toàn ở bên nào cao hơn hẳn bên kia chứ. Có ai ngờ được tình huống này? Không biết tình trạng con mình ra sao. Nội dung bức điện: "Đến ngay, Lê Hồi gặp nạn", không nói được mức độ nguy hiểm. Không biết con ông có mệnh hệ gì không? Chiếc xe đỗ xịch ngay trước trạm quân y hội thao. Một đám bụi đỏ trùm lên chiếc xe mầu trắng, mãi không tan. Ông bước vội vào. Con ông nằm đấy, mắt nhắm nghiền. Vầng trán trên gương mặt vuông vức nhăn lại như muốn hỏi, vì sao lại thế này? Ông cầm tay con đã lạnh ngắt. "Bố đây Hồi ơi!" Hình như chỉ chờ đến lúc này, anh cố mở mắt, nhìn bố lần cuối cùng rồi vĩnh viễn khép lại. Không nhắn gửi, không níu kéo, không yêu thương. Đôi mắt ấy như ai oán. Hai tay ông ôm hai bên má con, cái má thẳng của khuôn mặt vuông vức, đuôi lông mày rậm cũng xếch ngược lên như lông mày ông. Ông cúi xuống, áp mặt mình vào mặt con. Nước mắt ông trôi tuột trên gò má con trai phủ một lớp lông tơ mịn màng…”