- Anh là người nhạy cảm, là người luôn tìm kiếm điều tốt đẹp, hay anh là một kẻ hoài nghi, một nạn nhân đang ngã sóng soài trên đường đời… Chẳng sao cả! Dù anh có là ai, câu chuyện của Daniel Keyes, Hoa trên mộ Algernon (*) cũng sẽ lay động anh, nếu anh chạm vào những trang chữ đầu tiên của nó. Đó là một câu chuyện không thật, tác giả viết lại dựa trên truyện ngắn cùng tên từng nhận giải Hugo dành cho truyện khoa học giả tưởng hay nhất, của chính mình. Ông đã lặp lại thành công với phiên bản tiểu thuyết khi nó được trao giải Nebula, giải thưởng được trao hàng năm bởi hiệp hội Các nhà văn khoa học giả tưởng Mỹ cho tiểu thuyết giả tưởng xuất bản tại Mỹ xuất sắc nhất trong năm. Bộ phim đoạt giải Oscar, Charly, được xây dựng dựa trên cảm hứng từ tác phẩm này.
Dẫn anh vào câu chuyện, không là ngôn ngữ của một nhà văn mà lại là những dòng tự sự đầy lỗi chính tả của một thằng đần. “Tên tui là Charlie Gordon, tui làm việc tại tiệm bánh Dormer ông Donner trả tui mỗi tuần 11 đô le cộng thêm bánh kẹo nếu tui muốn. Năm nay tui 32 tủi và thắng xau là xinh nhựt tui…” Anh sẽ không khó chịu về điều này mà ngược lại, tò mò rồi bị lôi đi, đồng hành với một kẻ thiểu năng trong hành trình phấn đấu để được giống như mọi người.
Thế nhưng, trong hành trình đó, anh cũng chỉ là một kẻ đi cùng, một người ngoài cuộc không muốn bị bỏ rơi. Song hành cùng Gordon là Algenrnon, chú chuột thí nghiệm, cũng trải qua phẫu thuật trực tiếp lên não, trước Gordon. Tuy nhiên, Algenrnon chỉ việc tìm lối ra trong mê cung, phá khoá để tìm thức ăn, còn Gordon lại phải đối diện với cả một xã hội. Phản ảnh mọi người xung quanh cứ biến đổi dần qua lăng kính của một kẻ đang dần khôn ra. Thế giới thay đổi vì cách nhìn nhận. Thằng đần Charlie lo lắng rằng mọi người đang bị lạc khi những thanh niên làm việc ở tiệm bánh bỏ rơi anh trong quán rượu nhưng một Charlie Gordon thông thạo nhiều thứ tiếng, làm nghiên cứu khoa học cho quỹ Welberg… lại biết rằng, đó là chơi khăm, là phản bội. Nhận thức quá khứ và nhận thức hiện tại cứ đan xen, nối tròn rồi xoay vòng, tạo thành một mê cung vô hình mà Charlie không cách gì tìm thấy lối ra. Không có biển báo, không hiệu còi… những thành quách dựng nên từ nghi ngại khiến Charlie quỵ ngã.
Daniel Keyes sinh ra và lớn lên ở Brooklyn - Mỹ. Tốt nghiệp thạc sĩ, ông từng là thuỷ thủ thuyền buôn, tài vụ tàu, biên tập tiểu thuyết, giáo viên cấp ba… Hiện Daniel Keyes đang làm việc tại khoa tiếng Anh đại học Ohio ở Athens, bang Ohio. Ông có tám tác phẩm đã được xuất bản, trong đó, có thể kể đến tiểu thuyết Cú chạm (The touch) và Những bộ óc của Billy Milligan (The minds of Billy Milligan).
Cái kết được đoán trước, được chờ đợi nhưng khi nó xảy ra, hiện thực đau lòng như một cánh cửa mở toang, ánh sáng tràn vào làm hoang mang trong ánh mắt. Bước ra từ bóng tối rồi từ bóng tối trở về, ở dạng nào, Charlie cũng đối mặt với hạnh phúc lẫn khổ đau. Thứ hạnh phúc của một kẻ không biết gì hay sự đau khổ của một người biết quá nhiều đều không tốt. Đáng tiếc, sự lựa chọn của con người là hữu hạn. Hiến mình làm vật thí nghiệm tham gia dự án khoa học này, Charlie cũng chỉ có thể chọn cách để trở thành, không thể chọn phản ứng của những người xung quanh.
Trại Warren đón Charlie. Ở đó, có rất nhiều người giống như Charlie. Chẳng ai quan tâm, thương hại hay ganh ghét một sinh vật giống mình. Nỗi hồ nghi dâng lên, phải chăng, sự vượt trội, ở cực này hay cực khác, đều không tốt? Dẫu sao, đó vẫn là lựa chọn tốt nhất mà Charlie quyết định khi còn tỉnh táo nhưng anh vẫn nghe cay mắt khi gặp lại những con chữ be bét lỗi của những trang đầu quyển sách. Cảm xúc tất yếu thôi, anh ạ! Đó là một câu chuyện không thật bởi tác giả đã xây dựng nên từ cảm hứng của hiện thực thần kỳ, loại hình văn học hư cấu nghiêm túc, không viển vông, không thoát ly hiện thực.