Info
Sau mấy chục năm tha hương, về nước dự đám cưới một người cháu, tôi ngạc nhiên thấy nhà trai còn đem cau trầu làm sính lễ lại đón cô dâu như thời trước. Tôi mừng thầm, sau hai cuộc chiến tranh dài dăng dẳng, thảm thê, truyền thống vẫn còn giữ và dân tộc không quên chuyện truyền thuyết tình cảm, sâu xa của hai anh em Cao Tân, Cao Lang và cô gái học Lưu tên Liên thời Hùng Vương kể lại trong Lĩnh Nam chích quái. Thật ra, Việt Nam ta không phải là nước độc nhất dùng cau trầu trong dịp cưới hỏi. Suốt vùng châu Á, phía đông bao trùm Thái Bình Dương đến các đảo cạnh Úc châu, phía tây vượt quá Ấn Độ đến bờ biển Phi châu, phía bắc lấn tràn Miến Điện và miền nam Trung Quốc, phía nam chiếm toàn Đông Nam Á với quần đảo Nam Dương, ở đâu đất đai và khí hậu cho mọc cau, trầu là nơi đó có tục lệ cau trầu. Bên Java, khi một chàng trai hỏi ý một cô gái, cô gởi trả một miếng trầu bọc hai lá : nếu úp cùng chiều là cô ta ưng ý. Cô vợ Arakan bên Myanmar thì đem lá trầu xé làm hai đưa cho chồng một nửa : nếu anh quấn làm miếng trầu ăn tức là anh đồng ý để vợ ra đi. Không phải tình cờ mà người Mã lai lấy tên cây cau, pinang, đặt tên meminang cho cuộc dạm hỏi rồi pinangam cho đám hỏi, còn người ở đảo Bali thì đặt tên cho một hòn núi Pinang Gunggam. Bên Ấn Độ, bất cứ lễ sinh con hay lễ tế người chết đều phải có cau trầu. Người Borneo đặt cau trầu quanh thi hài người quá cố cùng với những vật thường dùng hằng ngày. Người Sumatra mang cau trầu đi biếu dân làng mình đến viếng cũng như lúc sắp từ giả... Cưới hỏi, ly dị, kết nghĩa, chia ly,... rất nhiều quan hệ xã hội lúc sống, khi chết, đã được diễn tả qua cau trầu.