Info
Lời giới thiệu"
Thật khó tóm tắt tác phẩm, bởi không có trục sự kiện nào để các nhân vật hội tụ và phân li. Nếu có thể tìm nhân vật chính thì đó là Ngân, người đàn bà trẻ con, mà căn cước chỉ đơn giản là người của ‘‘thời mất mặt‘‘ ấy, bắt buộc phải đi qua thời ấy, kẻ không may có trí nhớ suy tàn. Mỗi người đọc sẽ có hình dung riêng về nhân vật này - người đã sống trong, sống qua cái thời mất mặt buồn thảm đó. Thời tất cả được kêu gọi sống chiến đấu lao động và học tập theo đủ gương mẫu, dù thế vẫn có những người cố giữ cho riêng mình một khoảng trời để nghĩ, để nhớ, để khát khao, trên hết, để yêu thương. Nhưng hình như cũng không phải. Chứng nhân của cái thời mất mặt ấy là cây đa già, nơi lưu giữ buồn vui của không biết bao nhiêu người vô danh vô diện.
Thời gian lịch sử lắng lọc qua trí nhớ của Ngân. Còn lại không phải là hào hùng mà là đắng cay tức tưởi thời chiến tranh, không phải là tự hào mà là chua xót hoang mang sau đó - đã lưu lại trong mắt cô bé-cô gái-đàn bà, trong mắt thế hệ mà người đàn bà ấy thuộc về, thế hệ trong ngoài tuổi 40, sinh ra trong bom đạn, lớn lên trong sơ tán, trưởng thành thời hậu chiến.
Rất nhiều số phận phụ nữ dập dềnh trong miền kí ức của người đàn bà trẻ con ấy. Cơ khổ, mà vẫn bền bỉ sống. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả có chọn lựa nghệ thuật này. Số phận một đất nước là số phận những người đàn bà của nó. Những câu thơ không hội tụ trên một chủ đề nhất định cũng là chủ ý của người viết, để làm cho cảm giác của người đọc tan hoang hơn. Tan hoang như chính lịch sử nửa cuối thế kỉ của đất nước.
Gió tự thời khuất mặt thay vì mất mặt, bởi vì cay đắng và giận dữ đã lắng xuống, tác giả điềm đạm đến cùng khi xét định lại giá trị của thời đã sống: Buồn-Thảm, mà vẫn không thể nào quay lưng và thôi yêu thương.
Với giọng văn dịu dàng đằm thắm, Lê Minh Hà nói về thời chiến mà không nghe súng đạn vang trời, nói về thời bình mà không nghe an lạc hạnh phúc. Tác giả nhẩn nha đưa chúng ta đối diện cuộc đời rồi thả ta ở đó, mỗi người tự xoay sở cho mình…
Trân trọng giới thiệu cùng độc giả tiểu thuyết Gió Tự Thời Khuất Mặt của Lê Minh Hà, nhà xuất bản Hội nhà văn, 2004.