Info
Cuộc chiến tranh Việt Nam - theo cách gọi của người Mỹ - đã lùi xa hơn một phần tư thế kỷ, nhưng thất bại của Mỹ và những hậu quả kèm theo - được khái quát bằng cụm từ "hội chứng Việt Nam" - vẫn còn mang tính thời sự nóng hổi. Câu hỏi: Tại sao Việt Nam ? Vẫn còn đó và tiếp tục thách thức các nhà nghiên cứu Mỹ tìm ra câu trả lời thoả đáng.
Cuốn sách "Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội" xuất bản năm 1999, của nhà nghiên cứu Mỹ, giáo sư Richard H. Shultz, Jr mà các bạn đang có trong tay là một trong những nỗ lực giải đáp câu hỏi đó: Như tên gọi, cuốn sách đề cập đến một khía cạnh rất đặc biệt và bí mật của cuộc chiến tranh. Nhưng khác với một số ít cuốn sách đã viết về đề tài này, Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội không khai thác những yếu tố bí mật, đặc biệt để lôi kéo độc giả. Ngược lại, với các nguồn tài liệu tuyệt mật của CIA, Bộ Quốc phòng và Nhà Trắng mới được công bố, và đặc biệt là các cuộc phỏng vấn những người trực tiếp chỉ đạo, điều hành và thực hiện cuộc chiến tranh bí mật, cuốn sách đi sâu phân tích tư tưởng chỉ đạo, dựng lại quá trình hoạt động, phân tích các nguyên nhân thất bại và trên cơ sở đó rút ra những bài học cần thiết cho nước Mỹ. Có thể nói cuốn sách là một tổng kết khá đầy đủ của các nhà nghiên cứu Mỹ về các hoạt động bí mật chống phá miền Bắc trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Theo cuốn sách, từ năm 1951 đến 1972, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và CIA, Mỹ đã thành lập một tổ chức cực kỳ bí mật để tung gián điệp biệt kích ra miền Bắc, điều hành hoạt động tuyên truyền tâm lý chiến, tiến hành các hoạt động phá hoại trên biển và ngăn chặn đường mòn Hồ Chí Minh. Tác giả đã làm rõ vai trò của giới lãnh đạo cao cấp nhất ở Washington và những toan tính của họ trong quyết định tiến hành các hoạt động bí mật chống miền Bắc. Họ là Tổng thống Kenedy, Johnson và Nixon; là Bộ trưởng Quốc phòng Mc.Namara, Giám đốc Cục tình báo Trung ương Mỹ Colby, Cố vấn an ninh Tổng thống Bundy, Bộ trưởng Tư pháp Robert Kenedy và nhiều quan chức dân sự, quân sự cao cấp khác. Đồng thời, qua những trang sách, các phương thức hoạt động, kể cả những thủ đoạn "bẩn thỉu" mà Mỹ sử dụng trong hoạt động bí mật cũng được mô tả chi tiết.
Mặc dù được tập trung chỉ đạo, sử dụng một số lượng lớn nguồn nhân lực và vật lực trong một thời gian dài, cuốn sách kết luận Mỹ đã thất bại. Hầu hết số gián điệp biệt kích tung ra Bắc đều bị bắt giữ hoặc tiêu diệt, chiến tranh tâm lý bị phá sản, con đường Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển vẫn tiếp tục hoạt động. Như cuốn sách thừa nhận, Việt Nam là đối thủ quá khó chơi đối với Mỹ. Tuy nhiên, thay vì tìm nguyên nhân thất bại trong sai lầm chiến lược của giới cầm quyền Mỹ như Mc.Namara đã từng chỉ ra, tác giả mới chỉ dừng lại ở những nguyên nhân về tổ chức, năng lực và phối hợp của phía Mỹ.
Với những nội dung và cách đặt vấn đề trong cuốn sách, có thể thấy tác giả đã cố gắng có cách nhìn tương đối khách quan về cuộc chiến tranh bí mật của Mỹ ở Việt Nam. Mặc dù một số đánh giá nhận định của tác giả mang tính phiến diện một chiều, do đó còn có những hạn chế nhất định, cuốn sách đã góp phần làm sáng tỏ một khía cạnh còn ít được nghiên cứu của cuộc chiến tranh Việt Nam.