Info
Selma Ottiliana Lovisa Lagerlöf sinh ngày 20 – 11 – 1858 tại tỉnh Vecmland, Thụy Điển trong một trại nhỏ mà sau này được toàn thế giới biết đến – trại Morbacka.
Trong trại ấy, ngôi nhà thấp kiểu cổ là tuổi thơ của Selma, nơi thấm vào bà tình yêu thơ ca và âm nhạc, tình yêu thiên nhiên, và nhất là tình yêu những câu chuyện cổ dân gian, tối tối được nghe kể bên ánh lửa gia đình, trong những ngày thơ ấu bà bị bệnh bại liệt và sống cô độc trong thế giới của mộng ảo. Theo lời của bà, “những câu chuyện cổ ấy là những người bạn cố tri thân yêu thời xưa…đã đem đến cho kẻ dốt nát và cô độc những hình ảnh đầu tiên của một cuộc đời phiêu lưu…”.
Năm 1885, cha mất, trại Morbacka bị bán đi. Năm 1887 Selma tốt nghiệp Đại học Sư phạm nữ Hoàng gia và đi dạy ở một trường trung học ở Landskrona trên một cảng nằm ở bờ biển phía nam Thụy Điển. Tại đây, bà bắt đầu viết tiểu thuyết đầu tay Gösta Berlings saga (Truyền thuyết về Gösta Berlings, 1891), cuốn sách được tặng giải nhất của một cuộc thi văn học và mang lại danh tiếng cho nữ nhà văn trẻ, từ đó bà đã quyết định dành trọn đời mình cho sự nghiệp sáng tác văn học.
Và từ đó Selma chuyên viết văn. Năm 1894 cho ra đời tập truyện ngắn “Những dây ràng buộc vô hình”; 1897 cuốn “Những phép màu của phản Cơ đốc”; 1091 bộ tiểu thuyết lớn “Yêrusalem”; 1902 “Một chuyện cổ về một chuyện cổ” kể về bước đường sáng tác của mình; 1906 cuốn truyện nổi tiếng viết cho thiếu nhi “Cuộc lữ hành kỳ diệu của Nilx Hônyecxôn trên khắp đất nước Thụy Điển”; năm 1911 “Ngôi nhà của Liliecruna”; năm 1912 tác phẩm lạ lùng “Người đánh xe bò của Thần Chết”; 1914 “Hoàng đế Bồ Đào Nha”; 1918 “Người đi đầy” một bản cáo trạng lên án chiến tranh. Năm sáu mươi tuổi bà viết cuốn tự truyện lấy tên trang trại của mình “Morbacka” (1922)…Danh mục các tác phẩm nổi tiếng của Selma còn tiếp nối cho đến những năm cuối đời. Một sức sáng tạo khổng lồ.
Bà được giải thưởng văn chương Nobel năm 1909, là người phụ nữ đầu tiên, và là một trong sáu người phụ nữ nhận giải này cho đến nay.
Ngày 16 – 10 – 1940 Selma Lagerlöf qua đời khi Đại chiến thứ hai lan đến Bắc Âu, cái chết của bà gây xúc động toàn dân: Chiếc tàu mang tên nhân vật trong tiểu thuyết của bà: Yơxta Becling kéo còi báo tang, trên mặt biển Baltic các tàu khác cũng kéo còi chia xẻ nỗi đau ấy của đất nước và nhân dân Thụy Điển. Cả nước để tang, từ triều đình đến dân dã.
“Hơn cả Công chúa, hơn cả Vương hậu, đó là Selma Lagerlöf”
Tác phẩm của Selma, trái tim yêu thương bất diệt của bà là những đóng góp vô giá cho các dân tộc.
Truyện của Selma ở Việt Nam không được dịch nhiều, chỉ có ba truyện: Yơxta Becling,Cuộc lữ hành kỳ diệu của Nilx Hônyecxôn trên khắp đất nước Thụy Điển, và truyện này.
Những năm gần đây, các nhà xuất bản cho in lại nhiều tác phẩm văn học giá trị, nhưng những tác phẩm của bà thì lại không. Có lẽ là có quên sót. Nếu chúng ta bây giờ đây có dịp đọc lại tác phẩm từ một trăm năm trước này, của một nhà văn nữ, giọng văn mềm mại mượt mà như truyện cổ tích, đầy lòng yêu thương. Có thể thấy những truyện trong tập sách này đều bi thảm, khắc khoải, đau đớn. Nhưng người đọc, xuyên qua câu chuyện, vẫn nhận thấy thấp thoáng một hy vọng, một niềm tin; rồi với tình yêu ấy bà đưa câu chuyện đến kết thúc mà người ta đọc xong cảm thấy thanh thản, yên tâm, vì đó là kết thúc mà người ta thường nói là có hậu.