Info
ĐÔI DÒNG GIỚI THIỆU
________________________________________
Nhà văn Mỹ gốc Armenia William Saroyan sinh ngày 31/8/1908 tại Fresno, California. Cũng như một số thiên tài văn học trẻ khác cùng thế hệ trưởng thành sau Thế chiến I như Thomas Wolfe, F. Scott Fitzgerald...William Saroyan cất lên lời hát thiết tha ca ngợi giấc mơ nồng nàn và mãnh liệt của người dân Hợp Chủng Quốc. Nhưng khác với những người kia, xuất thân, con đường tạo lập sự nghiệp văn chương cũng như phong cách và đề tài ở các tác phẩm của William Saroyan thật sự khác thường và độc đáo. Những nét khác thường và độc đáo ấy có thể thấy ở một số sự kiện chủ yếu sau đây :
William Saroyan bỏ học năm 15 tuổi vì không chịu được sự gò bó cứng nhắc và máy móc của nhà trường. Sau khi bỏ học, ông đã làm vô số nghề khác nhau để kiếm sống, và cùng lúc, đọc hết tất cả những sách có trong thư viện Fresno.
Ngay từ tập truyện đầu tay xuất bản vào năm 1934, tập The Daring Young man on the Flying Trapeze (Chàng tuổi trẻ gan dạ trên chiếc đu bay), ông đã làm những nhà phê bình bối rối vì phong cách lạ thường và vượt mọi lề lối nguyên tắc văn chương của mình.
Năm 1940, William Saroyan được trao giải thưởng Pulitze-giải văn chương cao nhất của Mỹ, nhưng ông từ chối không nhận giải.
Viết nhiều thể loại khác nhau: tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, cảo luận... với một số lượng rất nhiều, và hầu hết đều có một sức cuốn hút lạ lùng đối với người đọc bởi những cảm xúc chân thành. Chủ đề chính là niềm tin vào con người và tình yêu cuộc sống, dù rất nhiều khổ ải đau buồn, phản đối chiến tranh, ca ngợi những người nghèo khổ, bị bỏ rơi, lẻ loi cô độc nhưng sống rất tốt lành chân thực...
Ở vở kịch “ My heart’s in the Highlands” được giới thiệu sau đây, các tình tiết cũng đầy bất ngờ ngẫu hứng như nhiều truyện ngắn của ông, những lời đối đáp giản dị ngây ngô, nghe chừng như rất trẻ con vô nghĩa lý, nhưng thật ra lại chứa đựng những ý nghĩa sâu xa và cao đẹp. Các nhân vật đối thoại với nhau bằng cảm giác nhiều hơn là ý nghĩ. Họ đáp lời nhau không phải cho cái đã nói ra mà cho cái còn trong dự tính. Johnny nói với người chủ tiệm về sự đói khát ở Trung Hoa, nhưng ông ta hiểu rằng thật sự nó muốn nói về nhu cầu bánh mì và phó mát ở California. Hai đứa bé mồ côi xác lập một tình bạn hữu ngẫu nhiên và thoải mái khi đưá này chỉ cho đưá kia cách huýt sáo. Tình bạn của chúng được diễn tả bằng nhịp điệu chuyền bóng cho nhau cũng nhiều ngang với những câu đối đáp của chúng. Johnny có thể không hiểu hết tất cả những câu nói nhanh bằng tiếng Armenia của bà nó, nhưng nó hiểu bà.
Tóm lại, các nhân vật của Saroyan, vì tốt bụng và giàu lòng thương cảm, cũng như chịu nhiều cô độc và mất mát, đã có thể tiếp cận và đồng cảm với mỗi nhân vật khác, vượt qua những rào chắn về tuổi tác, hoàn cảnh sống và thậm chí của cả ngôn từ.
Thế giới của Saroyan không có bọn vô lại, và rất ít điều ác độc, nhưng nó không thể tránh khỏi cái xấu xa. Khi cả gia đình nó phải rời khỏi căn nhà không còn là của họ nữa, Johnny đã thốt lên: “ Đã có cái gì đó sai lầm ở một nơi nào đó”. Nếu có gì đó sai lầm, thì nó không nằm trong những con người đẹp đẽ ấy, những con người mà trái tim họ luôn luôn quay trở về chốn quê nhà lý tưởng họ hằng mong ước và sẽ không bao giờ tìm thấy. Trừ phi họ phải sáng tạo nó ra cho chính mình trong từng ngày một.
________________________________________
Nguyễn Thành Nhân