Tên sách: Bay trên tổ chim cúc cu
Nguyên bản tiếng Anh: One Flew Over the Cuckoo’s Nest
Tác giả: Ken Kesey
Người dịch: Nguyễn Anh Tuấn – Lê Đình Chung
NXB: Nhà xuất bản Văn học
Ngày xuất bản: quý III/2010
Số trang: 431
Kích thước: 13.5x20.7 cm
Giá bìa: 80.000 VNĐ
Kenn Kesey hai mươi bảy tuổi khi viết Bay trên tổ chim cúc cu, cái tuổi quá trẻ để có thể viết ra một tác phẩm khiến những người đọc mềm yếu cảm thấy mệt đứt hơi và những người đọc cứng rắn hơn cảm thấy rùng mình.
Cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh trong một nhà thương điên nhỏ, nơi người bệnh được chạy chữa theo cách ít nhân đạo nhất có thể. Cuộc sống ở đó là một cuộc sống tù tứng và dặt dẹo với đủ thứ quy tắc điên loạn và những y tá, hộ lý, cầm đầu bởi mụ y tá trưởng, hành xử không khác nào một cái máy. Đúng ra, nhà thương điền này chỉ để nhằm mục đích giam giữ và ngăn ngừa những kẻ bị coi là bất bình thường khỏi vấy bẩn những đại lộ rực sáng đèn, tấp nập xe cộ, khỏi làm náo loạn nơi hội họp tao nhã của những quý bà, quý ông lịch thiệp. Dường như, người ta cố làm cho những bệnh nhân ngày càng điên nặng hơn chứ không phải chữa chạy cho họ.
Để tồn tại trong không khí ngột ngạt ấy, người điên giả, người điên thật, lẫn lộn. Ngay cả những kẻ có quyền, như mụ y tá trưởng, cũng nhiều khi hành xử như kẻ điên khi uy quyền của mụ bị xâm phạm. Và uy quyền của mụ bị xâm phạm thật, khi McMurphy, một bệnh nhân mới xuất hiện. Hắn vốn chỉ là kẻ giả điên để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật, khỏi phải đi tù mà thôi. Hắn nghĩ rằng nhà thương điên ít nhất cũng khá hơn nhà tù. Nhưng hắn đã nhầm.
Thật nực cười khi những quy tắc và luật lệ của bệnh viện tâm thần cố bắt McMurphy phải chui vào khuôn khổ. Một kẻ tung hoành như hắn ! Và hắn bắt đầu phá luật. McMurphy bắt đầu tạo ra mối dây liên kết giữa những bệnh nhân. Họ cùng nhau phá luật. Họ sống cuộc sống của những người bình thường, bình thường như mọi người bình thường khác. McMurphy kết giao với “Tù trưởng” Bromden, một người da đỏ to lớn, vốn tưởng là kẻ ù lì chậm chạm và đầu đất, nhưng thực ra chỉ giả điên một cách an phận. Họ, cùng những người điên, bắt đầu đòi lại những quyền làm người, trong khi mụ y tá trưởng cùng tay chân của mình cố gắng đập tắt cuộc “nổi loạn”. Sức sống mới trối dậy trong những người điên ấy, mụ cần phải dập tắt để bảo đảm sự bình lặng của nhà thương điên và bảo đảm uy quyền của chính mình. Mụ hành xử một cách điên loạn. Thậm chí còn điên hơn cả những người điên!
Cuối truyện, kết thúc khi những nỗ lực trốn thoát của cả nhóm bệnh nhân thất bại, McMurphy bị trừng phạt bằng cách cho dòng điện chạy qua đầu, một kiểu “trị liệu” rất thịnh hành thời đó dành để xử lý những bệnh nhân quá cứng đầu. Than ôi, một kẻ tung hoành ngang dọc, giờ chỉ còn là một bệnh nhân lờ đờ, chết về mặt tư duy. Không đành lòng nhìn người bạn mình dật dờ như một bóng ma. “Tù trưởng” lấy gối đè McMurphy chết ngạt, giải thoát cho linh hồn bạn, rồi phá cửa sổ mà đi. Những câu cuối cùng của cuốn tiểu thuyết là: “Đã lâu tôi chưa về thăm quê”.
Ngột ngạt, tàn bạo và đầy cảm xúc, những cảm xúc nghẹt lại nơi cổ họng, đó là tất cả những gì tôi có thể nói về Bay trên tổ chim cúc cu. Thảm kịch của nó ở chỗ, sự vùng thoát đến tự do đã bị chính xã hội xung quanh đè cho bẹp gí, tiêu diệt đến tận cùng mọi ý chí phản kháng.
Bay trên tổ chim cúc cu còn là thực tại xã hội Mỹ, ngột ngạt và bế tắc. Và đó sẽ không chỉ là thực tại của riêng nước Mỹ. Bạn hãy thử nhìn lại mình xem, liệu bạn có chắc rằng mình không điên hay không? Con người ta điên khi không thể có được sự kết nối với những người khác, khi khoảng cách tâm hồn của họ không còn có thể đến gần nhau, dù những cá thể ấy vẫn ở sát cạnh nhau về mặt địa lý. Họ trở thành những mảnh vụn.
Đọc một mạch cuốn Bay trên tổ chim cúc cu, tôi thấy mệt rã rời. Liệu tôi có phải là một mảnh vụn giữa cuộc đời này hay không ?