Đức Phật Thích-ca Mâu-ni ra đời từ cách đây hơn hai mươi lăm thế kỷ. Và tất cả những gì mà chúng ta ngày nay được biết liên quan đến đức Phật, cũng như tất cả những gì mà chúng ta có thể thừa hưởng được từ trí tuệ siêu việt của ngài, về mặt giáo lý là không vượt ra ngoài ba tạng kinh điển. Vì thế, nói đến Phật giáo cũng là đồng nghĩa với nói đến ba tạng kinh điển: Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng, hay thường được biết đến hơn qua tên gọi là Đại tạng kinh.
Tuy nhiên, điều không may là một số Phật tử không có đủ những hiểu biết cơ bản về Đại tạng kinh. Trước hết, vì đa số hàng trí giả ở nước ta đều sử dụng Đại tạng kinh bản chữ Hán, tức là Hán tạng. Như vậy, đại đa số những người còn lại không biết chữ Hán thì chỉ được tiếp xúc qua các bản Việt dịch, mà cho đến nay vẫn còn là quá ít ỏi và có nhiều hạn chế. Chính vì thế, nói đến Đại tạng kinh, rất nhiều người chỉ hiểu chung chung là kinh điển Phật giáo, mà không hiểu được một cách cụ thể là những kinh điển gì, và càng không hình dung được số lượng của những kinh điển trong Đại tạng là đồ sộ đến mức nào.
Đối với những người chuyên tâm tu trì, có thể nói là qua việc tụng đọc, hành trì chỉ một hoặc vài quyển kinh cũng đã quá đủ để mang lại sự an vui trong cuộc sống, và mở rộng con đường giải thoát cho mai sau. Nhưng đứng từ góc độ những người đang muốn tìm hiểu, học hỏi, hoặc với những ai bước đầu làm quen với kinh điển Phật giáo, thì một sự hiểu biết khái quát và cơ bản về Đại tạng kinh là rất cần thiết để giúp phát khởi lòng tin hoặc định hướng cho việc tu tập. Mặt khác, với những vị đang nhận lãnh trách nhiệm xiển dương giáo pháp, cần phải giáo hóa cho nhiều người, thì việc nghiên cứu học hỏi về Đại tạng kinh lại càng quan trọng hơn nữa. Xuất phát từ những suy nghĩ đó, chúng tôi không nệ chỗ hiểu biết kém cỏi, cũng hết sức cố gắng để tạo mọi điều kiện cho ra đời phần mục lục của bản Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, phiên bản được cho là đáng tin cậy nhất hiện nay.