Muốn thâm nhập yếu nghĩa Pháp Hoa, điều quan trọng là phải hiểu kinh Vô Lượng Nghĩa, vì trước khi thuyết Pháp Hoa, Đức Phật đã nói kinh Vô Lượng Nghĩa. Vô lượng nghĩa là không có nghĩa cố định gợi cho chúng ta không nên chấp văn tự ngữ ngôn, không chấp pháp; vì mắc bệnh cố chấp thì không thể thăng hoa trên bước đường tu học. Người tu chấp pháp là người học kinh nhiều mà không sử dụng được, vì chứa đủ thứ dữ kiện trong đầu, nên trí không còn linh hoạt, sáng suốt, không thể đánh giá đúng sự việc thực tế, không thể đắc đạo và càng tu càng phiền não. Trái lại, nghe được giáo pháp vi diệu và thích thú, luôn suy gẫm để vận dụng trong cuộc sống được tốt đẹp, là biết nương theo phương tiện Phật dạy và sử dụng được yếu nghĩa một cách khéo léo. Kinh có thể ví như thức ăn tinh thần để nuôi dưỡng tâm linh chúng ta. Thực phẩm vật chất ăn vào phải tiêu hóa, nghĩa là trích lấy được phần dinh dưỡng nuôi cơ thể khỏe mạnh, còn phần xác bã phải thải ra ngoài. Việc áp dụng giáo pháp của chúng ta cũng giống như thế, học kinh, đưa kinh vào tâm trí phải cho chúng ta trí giác; còn chấp kinh, kẹt văn tự ngữ ngôn, trí không sáng được. Chúng ta không chấp pháp, không chấp ngã, thường được ví như tấm gương trong sáng, vật gì ở trước gương thì hiện hình trên gương và vật đi qua rồi, không còn lưu bóng trên gương. Nương theo pháp Phật dạy để tấm gương chúng ta trong sáng, sẽ thấy đúng mọi vật bây giờ và tại đây. Tất cả tấm gương của chư Phật đều hoàn toàn sáng tỏ, muôn vật đều hiển bày trước các Ngài, nên tất cả Đức Phật đều thấy chính xác giống nhau, không cần nói nữa. Tuy nhiên, đối với loài người bị vô minh nghiệp chướng ngăn che, không thấy được chân thật pháp, Đức Phật Thích Ca mới phải nói. Như vậy, từ hàng Bồ tát trở xuống, Đức Phật nói vô số pháp thích ứng với những hoàn cảnh sai biệt của tất cả mọi người, gọi là pháp phương tiện không mang tính cố định. Thật vậy, trên ba trăm hội Đức Phật thuyết pháp, không hội nào giống nhau, vì chúng hội đạo tràng khác nhau, mới có pháp sai biệt. Ngày nay, tu theo Bổn môn Pháp Hoa chúng ta đọc kinh, cũng phải lọc lấy những pháp ứng với nghiệp của mình để thực hành thì có kết quả tốt; ví như trong tủ thuốc gia truyền, chọn lấy thuốc đúng bệnh mà uống sẽ khỏi bệnh. Uống hết tất cả thuốc, sẽ chết.