Đúng như bài viết đã cho biết, tên Mỹ học do Baumgarten, nhà lý luận văn học người Đức đặt, do cuốn Aesthetic (Mỹ học) của ông ra mắt bạn đọc (tập I năm 1750). Còn những mảng nội dung đơn lẻ của nó thì đã được các nhà tư tưởng Mỹ học Hy Lạp cổ đại bàn đến từ thế kỷ thứ VII, VI trước Công nguyên (như Talét (624-547 tr.CN), Pitago (580-500 tr.CN), Hêraclit (530-470 tr.CN)...). Về tên gọi "Mỹ học"(Aesthetics) này, nhiều người đương thời với Baumgarten không nhất trí. Nhưng vài chục năm sau, có một người như sao Khuê trên bầu trời triết học nhân loại là Heghen (1770-1831), cho rằng mặc dù tên gọi ấy không hoàn toàn thích hợp, nhưng bản thân tên gọi không phải là quan trọng, ông sẵn sàng giữ danh từ "Mỹ học", "Nhất là vì nó đã được khẳng định ở trong tiếng nói hàng ngày" (Xem Heghen: Mĩ học, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1999, t.1, tr.55-56) Có lẽ từ đó về sau tên gọi này không phải bàn cãi gì thêm.
Nếu học Mỹ học trong nước mà định nghĩa như trong bài viết thì hơi bị phiền toái đấy. Vì diễn đạt như thế là đứng trên lập trường triết học duy tâm. Vậy phải nói thế nào? Hơn chục năm qua, nhiều trường Đại học và Học viện có đào tạo giáo viên PTTH, cử nhân các ngành KH Xã hội và Nhân văn đã ra sách Mỹ học. Do mục tiêu đào tạo khác nhau, do xuất phát điểm và sở trường của người dạy khác nhau mà nơi này nơi kia chú trọng vào các nội dung khác nhau của Mỹ học đại cương. Nhưng dù có diễn đạt khác nhau thế nào đi chăng nữa thì trong định nghĩa Mỹ học vẫn phải có mấy ý sau:
Mỹ học là một khoa học triết học, nghĩa là nó phải đóng vai trò thế giới quan, nhân sinh quan, hơn nữa phải diễn đạt quan niệm của mình dưới dạng các khái niệm, phạm trù, nhăm nhe bàn chuyện có "quy luật chung nhất" chứ không phải chuyện tào lao thường nhật. Chẳng hạn không phải vì được điểm cao về mỹ học mà ép buộc người khác phải thừa nhận hoa sen đẹp hơn hoa hồng, quyết định mọi người phải cắt tóc ngắn chứ không được để tóc dài... Khi người ta nói rằng "con người có vẻ đẹp hình thức và vẻ đẹp tâm hồn" thì có nghĩa là người ta đã tỏ ra không biết gì về Mỹ học rồi.
Mỹ học nghiên cứu quan hệ thẩm mỹcủa con người với hiện thực. Nhiều trường Đại học có sách Mỹ học dùng thuật ngữ này (các tác giả như Đỗ Huy, Nguyễn Văn Huyên,Hoài Lam, Vũ Trọng Dung, Lê Đình Dương, Lê Đình Lục, Lê Hồng Vân...). Có người diễn đạt quan hệ ấy là "cái thẩm mỹ" (Vũ Minh Tâm: Mỹ học Mác-Lênin, trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, 1991, nhóm Lê Ngọc Trà, Lâm Vinh, Huỳnh Như Phương:Giáo trình Mỹ học đại cương, Nxb. Giáo dục, Huế 1999). Dù sao thì các cách diễn đạt trên vẫn cho thấy có sự thống nhất giữa Khách thể thẩm mỹ (có người đòi phải gọi là đối tượng thẩm mỹ) -sự vật được chiêm ngưỡng với các thuộc tính đặc biệt của nó- và chủ thể thẩm mỹ- người chiêm ngưỡng.
Quan hệ thẩm mỹ là gì? Đó là quan hệ của con người với hiện thực, là sự liên hệ tinh thần của chủ thể và khách thể trên cơ sở sự hứng thú không vụ lợi trực tiếp, được gợi lên bởi khoái cảm tinh thần ở chủ thể khi tiếp xúc với khách thể (Xem Nguyễn Văn Đại: Mỹ học Mác-Lênin, Nxb. Chính trị Quốc gia, tái bản 2006, tr.88). Nói như trên chữ nghĩa nhiêu khê quá? Có người hỏi diễn đạt thô kệch, ngắn gọn, dễ nhớ thì thế nào? -"Những sự vật làm ta sướng mắt, sướng tai và tâm trạng của ta khi ấy". Biểu tượng của cái đẹp? -"Bộ phận sinh dục của thực vật!". Nói gì kinh khủng thế? -"Hoa đấy mà! Hoa là bộ phận sinh dục của cỏ cây. Thường chẳng nói Đẹp như hoa là gì?".