Mã tài liệu: 198266
Số trang: 49
Định dạng: pdf
Dung lượng file:
Chuyên mục: Văn hóa nghệ thuật
Theo thư, chỉ biết CQ là Phạm Văn Liêm, nhà số 598 đường Nguyễn Thanh Đằng, Bà Rịa − Vũng Tàu.Hai năm sau (1993), tôi xuất bản Giải mã truyện Tây du. Chủ Nhật 09-5-1993, 08.30 giờ sáng, theo lời anh Nguyễn Hồng Văn mời, tôi nói chuyện về tập sách đầu tay này tại thánh thất Trung Minh (thuộc Hội thánh Truyền giáo Cao Đài), số 235-237 đường Bình Thới, phường 10, quận 11. Đây là lần đầu tiên tôi nói chuyện tại Trung Minh. Nhờ dịp ấy tôi được biết Phạm Văn Liêm là người Cao Đài, thuộc Hội thánh Truyền giáo, vừa từ Bà Rịa vào Thành phố dự.Về sau tôi biết thêm CQ tức là Chim Quyên, bút hiệu của anh khi làm thơ, những bài thơ đạo thật mượt mà. Tôi hơi “khó tính” khi đọc thơ, nhưng không thể không thú nhận rằng tôi rất thích thơ của ông Thượng giáo hữu miền Trung này, nên có lần ngẫu hứng, tôi mạn phép anh mà chọn, giới thiệu khoảng một chục bài của Chim Quyên trên Internet, và viết: “Ông là một trong số khá hiếm những nhà thơ Cao Đài bút lực sung mãn với những bài thơ hay giàu đạo vị.” Đôi lúc có dịp trò chuyện với nhà thơ đạo hạnh, ôn nhu, khiêm tốn đáng mến này, tôi vẫn xui anh hãy gom thơ lại in làm một tập, vì lẽ trong cộng đồng Cao Đài còn thiếu một mảng văn học, và Chim Quyên là một tài hoa góp phần bù đắp dần dần cho chỗ khiếm khuyết ấy. Nhưng anh cười cười, chẳng hẹn hứa. Thơ anh chưa thấy in thì cuối năm 2008, tôi hân hạnh được anh trao cho bản thảo Cơ duyên và tuổi trẻ. Có người bảo phàm ai đã làm thơ hay thì văn viết cũng hay. Và tôi nhận chân được thêm rằng Phạm Văn Liêm quả là cây bút cả thơ lẫn văn đều tuyệt, góp phần làm giàu cho văn học Cao Đài miền Trung nói riêng, cho văn hóa Cao Đài nói chung.
Thuở đôi mươi, tôi mới vào đạo Cao Đài, đạo tỷ Bạch Tuyết (Lê Ngọc Trang, Cơ quan Phổ thông Giáo lý) cho mượn bản thảo Hồi ký của tiền bối Bảo pháp Thanh Long (Lương Vĩnh Thuật, Hội thánh Truyền giáo). Văn tài của tiền bối cuốn hút tôi, nên đã đọc được vài trang rồi thì không sao dừng lại được nữa. Mải miết đọc và không thể cầm nước mắt theo từng bước thăng trầm, từng cơn pháp nạn của đàn con áo trắng đất Trung Kỳ. Hơn ba mươi năm sau, tôi cũng trải nghiệm y như thế khi mải miết đọc và không thể cầm nước mắt theo từng khúc quanh co, từng hồi điêu linh của cơ đạo miền Trung, qua cuộc đời gian truân, bất trắc của tiền bối Huỳnh Thanh mà ngòi bút giản dị, trong sáng của Phạm Văn Liêm đã chân thật lột tả trên từng dòng, từng trang Cơ duyên và tuổi trẻ. Giáo hữu Thượng Liêm Thanh giúp cho chúng ta một cơ duyên để hiểu biết thêm nhiều về con đường mở đạo miền Trung mà Huỳnh tiền bối là một trong những vị đại công khai sơn phá thạch. Tác phẩm còn là một bằng chứng hiển minh về Ơn Trời cứu độ Kỳ Ba, là tấm gương ngời sáng của Bảo cơ quân Huỳnh Thanh cho những thế hệ tiếp nối kính tin, ngưỡng mộ và lập chí lớn noi bước theo Ngài trên đường hoằng giáo thiên ma bách chiết. Cuộc đời tiền bối Huỳnh Thanh đẹp như thơ, một bài thơ hùng tráng. Nhà thơ Chim Quyên Phạm Văn Liêm khi chép lại cuộc đời đó thực lòng không muốn trở thành nhà chép sử, nhưng rốt lại, Cơ duyên và tuổi trẻ hóa ra một cuốn sử đạo đầy thi vị (poetic history). Trong hơn tám mươi năm lịch sử Cao Đài, tôi trộm nghĩ dường như hiếm có một tác phẩm nào của người đạo viết được như vậy.
Và đó cũng là chân giá trị của Cơ duyên và tuổi trẻ.
Những tài liệu gần giống với tài liệu bạn đang xem
Những tài liệu bạn đã xem