Pháp môn Tịnh Độ lớn lao [không gì] ra ngoài [phạm vi của nó] được, như trời che khắp, như đất nâng đều. Không một pháp nào chẳng được kiến lập từ pháp này, không một ai chẳng được pháp này un đúc. Do hết thảy các pháp Đại, Tiểu Thừa đức Như Lai đã nói trong suốt một đời đều là tùy theo căn tánh của chúng sanh mà nói, hoặc khế lý nhưng chẳng thể khế hợp khắp mọi căn cơ; hoặc khế cơ nhưng chẳng thể khế hợp chí lý (lý tột cùng) một cách triệt để. Vì thế, bản hoài xuất thế độ sanh của đức Như Lai bị khuất lấp chưa được thông suốt, đại pháp khiến cho chúng sanh được liễu thoát ngay trong đời này còn bị ẩn kín chưa được tỏ bày. [Pháp hội] Hoa Nghiêm tuy đã hướng dẫn về Tây Phương, nhưng hàng Nhân, Thiên, Quyền Thừa [Bồ Tát] chưa được nghe. Các kinh cũng nhiều phen nói đại lược những đầu mối tốt lành, nhưng cương yếu pháp môn chưa được đặt để. Do vậy, đức Như Lai khởi lòng Vô Duyên Từ, vận tâm Đồng Thể Bi, trong hội Phương Đẳng, đặc biệt nói ba kinh Tịnh Độ Di Đà, độ khắp ba căn, thâu trọn chín giới, xiển dương đạo mầu thành thủy thành chung của Như Lai, dạy cho chúng sanh quy mô vĩ đại “tâm làm, tâm là”. Cơ lẫn lý đều khế hợp, phàm lẫn thánh đều được nhờ, như thuốc A Già Đà trị chung vạn bệnh, như mười phương hư không bao hàm trọn muôn hình tượng, khiến cho khắp thánh - phàm đều thành tựu đạo nghiệp trong đời hiện tại, tỏ bày thông suốt bản hoài xuất thế độ sanh của Như Lai! Nếu đức Như Lai chẳng nói pháp này thì chúng sanh đời Mạt Pháp không một ai có thể liễu thoát sanh tử ngay trong một đời này.
Quang túc nghiệp sâu nặng, sanh nhằm nơi đoạn diệt Phật pháp, mới sanh được nửa năm, lại mắc bệnh mắt nhắm nghiền sáu tháng. Đến tuổi đi học, bao lượt gặp cảnh giặc cướp, binh đao quấy nhiễu. Vừa có chút hiểu biết, lại trúng phải chất độc báng Phật của bọn Trình - Châu. May là học thức hoàn toàn chẳng có gì, chẳng thể tạo nghiệp đọa A Tỳ ngay trong khi còn sống. Nếu tài trí được như bọn họ, ắt đến nỗi tạo tội khiên mười phương hư không chẳng dung. Do ý ác ấy, mắc bệnh khổ lâu dài, cả mấy năm hệt như phế nhân. Một ngày nọ mới biết mình lầm lạc, bèn xuất gia làm Tăng mong diệt tội lỗi. Tông - Giáo lý sâu không có sức nghiên cứu, Tịnh Độ đạo lớn quyết chí tuân hành, toan làm một ông Tăng chỉ biết cơm cháo, chỉ lo tự độ, chẳng mộng hoằng pháp lợi sanh! Năm ba mươi ba tuổi, đến chùa Pháp Vũ núi Phổ Đà, Trụ Trì là hòa thượng Hóa Văn biết Quang chỉ biết ăn cơm, không làm chuyện chi khác được, bèn cho làm thực khách thường xuyên, chẳng giao phó chút việc cỏn con gì. Hơn hai mươi năm qua cũng khá được an lạc, suốt năm không ai đến thăm, không nhận được lá thư nào.
Năm Tuyên Thống thứ ba (1911), tờ Phật Học Tùng Báo được phát hành tại Thượng Hải, ông Cao Hạc Niên mấy lần gởi báo qua bưu điện cho xem. Thấy những văn tự được in trong báo ấy phần nhiều hợp công đạo, nhưng những điều lạm bàn về chánh trị trong báo có chỗ hơi thiên vị, tôi trộm sợ rằng có người sẽ viện vào chuyện ấy để chê cười Phật pháp, bèn dùng cái tên Vân Thủy Tăng Thích Thường Tàm để gởi thư xin nhà báo hãy lập luận cho công bình, đừng để ngọc đẹp có vết, nhưng những vị biên tập chẳng thèm để mắt đến. Về sau, ông Hạc Niên lên núi này, tôi kể đầu đuôi; ông ta bèn đem mấy thiên cảo văn đăng báo, ký tên là Thường Tàm, chẳng một ai biết đến.
Năm Dân Quốc thứ sáu (1917), ông Từ Úy Như nhận được ba lá thư từ bạn hữu, bèn in ra năm ngàn bản, đặt tựa là Ấn Quang Pháp Sư Tín Cảo (bản thảo thư từ của pháp sư Ấn Quang) tặng cho mọi người. Năm Dân Quốc thứ bảy (1918), ông thâu thập được hơn hai mươi bức thư nữa, đem in tại Bắc Kinh, đặt tựa là Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao, đem sách ấy đến Phổ Đà xin quy y. Quang bảo ông ta quy y với ngài Đế Nhàn. Năm Dân Quốc thứ tám (1919), lại in bộ Tục Biên. Mùa Thu năm ấy, mẹ ông mất tại nơi cư ngụ ở đất Thân (Thượng Hải). Tang ma xong xuôi, bèn nhờ Thương Vụ Ấn Thư Quán ghép bộ Sơ Biên và Tục Biên thành một. Năm Dân Quốc 12 (1923), Quang bảo Thương Vụ Ấn Thư Quán in riêng bản Tăng Đính, chia làm bốn quyển, lưu bản[1]. Lần đầu, in hai vạn bộ. Năm Dân Quốc 14 (1925), lại cho Trung Hoa Thư Cục in bản Tăng Quảng, vẫn chia thành bốn quyển. Từ đấy, bất luận văn tự gì cũng đều nhất loạt không lưu lại bản nháp nữa, một là để khỏi lãng phí tiền tài thí chủ, hai là chẳng đến nỗi làm gai mắt huệ của người thông sáng.
Năm Dân Quốc 19 (1930), yểm quan tại chùa Báo Quốc ở Tô Châu, vị Đương Gia[2] [chùa ấy] là thầy Minh Đạo cho người sao trộm. Năm Dân Quốc 24 (1935), thầy ấy qua đời mới thôi. Năm Dân Quốc 26 (1937), Quang tỵ nạn tại Linh Nham Sơn, người chép lại bèn giao bản cảo cho vị Đương Gia [chùa Linh Nham] là thầy Diệu Chân. Thầy Diệu Chân lại cho sao lục, đăng tải trong những tờ bán nguyệt san. Quang biết, nhưng lọt vào thế không làm gì được, chỉ đành giảo duyệt kỹ càng để in, hòng mãn nguyện thầy ấy. Quang lúc nhỏ kém học vấn, lớn lên chẳng biết gì, văn cực vụng về, chất phác, chẳng đáng lọt vào mắt. Nhưng những điều Quang nói đều dựa theo ý kinh Phật, lời Tổ rồi tùy cơ nói giản lược đó thôi, chẳng dám vọng sanh ý kiến gây lầm lạc cho người, lại thêm vào đó những gì mình đã từng trải hơn năm mươi năm. Nếu chịu bỏ qua văn để nắm lấy ý nghĩa, ắt có thể coi như một cái mốc gỗ để chỉ thẳng chuyện Tây quy (trở về Tây Phương Cực Lạc) cũng chẳng ngại gì! Xin hãy dốc sức về Tây, dũng mãnh tiến thẳng lên phía trước. Chớ vì cột mốc gỗ này xấu hèn mà chẳng muốn thấy lộ trình về Tây thì người dựng mốc lẫn người quy Tây đều cùng chẳng tiếc nuối.
Thêm nữa, bộ Sơ Biên tuy đã in hơn mười vạn bộ, nhưng bậc đại thông gia thấy sách này chỉ chuyên nói đến chuyện “tín nguyện niệm Phật, nhân quả báo ứng, giữ vẹn luân thường, tận hết bổn phận, giáo dục gia đình”, toàn là những lời văn nôm na khuyên đời, hoàn toàn chẳng phải là những lời lẽ “vén mây thấy trăng, mở cửa thấy núi”, mở rộng tâm mục cho người, tỏ bày thông suốt bản hoài của Phật, cho nên coi như đồ bỏ. Cũng có những người cùng một căn tánh như Quang, xem [bộ sách này] như diệu bảo. Do đây mà người bỏ mê theo ngộ, bỏ tà về chánh, sống giữ vẹn luân thường, mất sanh về Cực Lạc đông lắm. Bộ Tục Biên ngoài những điều đã nói như trong bộ Sơ Biên, còn thêm những chuyện như “[khuyên] sản phụ niệm Quán Âm, sữa độc giết chết con cái”. Đấy đều là những điều cao tăng, thầy thuốc xưa nay chưa hề nói đến mà Quang cứ nhắc đi nhắc lại.
Cổ nhân nếu chẳng phải là tướng giỏi thì cũng là lương y, chỉ mong giúp đời, cứu sống người. Quang là ông Tăng vô tri vô thức chỉ biết đến cơm cháo, do một mình ông Từ Úy Như lan truyền cái hư danh, rốt cuộc muôn người nhận tiếng hư, đón tiếng vang, cho là thật, xem như thiện tri thức. Họ đã “đem sai ngoa truyền sai ngoa”, Quang chẳng ngại “dùng lầm lạc đáp tạ lầm lạc”, dạy người sống có nơi nương tựa, lúc mất có chỗ quy túc, sanh nở không ách nạn, con chẳng chết ngang, để tận hết tấm lòng tôi. Dẫu gai con mắt huệ của bậc thông hiểu, nhưng vì có ích cho người, không gây hại cho đời, nên bèn tùy thuận ý của hai thầy Minh Đạo, Diệu Chân cho lưu thông [sách này] và lược thuật duyên khởi. Hiểu tôi hay bắt tội tôi, đều không kể đến vậy!