Mã tài liệu: 236255
Số trang: 109
Định dạng: pdf
Dung lượng file: 584 Kb
Chuyên mục: Luật
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Quá trình đổi mới toàn diện đất nước đòi hỏi bộ máy nhà nước, trong đó có hệ thống tư pháp phải đổi mới cho phù hợp. Cải cách tư pháp là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong những năm qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã có nhiều nghị quyết về hoàn thiện nhà nước và pháp luật, trong đó có một số nghị quyết về đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp như Nghị quyết Trung ương 8 (khóa VII); Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII); Nghị quyết Trung ương 7 (khóa VIII); Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX; Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị (khóa IX) "về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới"; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về "Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020"; và gần đây là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X. Theo đó đổi mới hệ thống tư pháp từ tổ chức đến cơ chế hoạt động là nhằm xây dựng các cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng ta về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm hoàn thiện tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp nói chung đó là vấn đề đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan và tổ chức bổ trợ tư pháp, trong đó đổi mới tổ chức và hoạt động luật sư là vấn đề trung tâm và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã chỉ rõ:
Đào tạo, phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn. Hoàn thiện cơ chế bảo đảm để luật sư thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa, đồng thời xác định rõ chế độ trách nhiệm đối với luật sư. Nhà nước tạo điều kiện về pháp lý để phát huy chế độ tự quản của tổ chức luật sư; đề cao trách nhiệm của các tổ chức luật sư đối với thành viên của mình [25, tr. 6].
Trong 20 năm đổi mới (1986 - 2006), kể từ khi cải cách tư pháp được khởi động, chúng ta đã có nhiều nỗ lực trong việc đổi mới tổ chức và hoạt động luật sư. Nhờ đó, tổ chức và hoạt động luật sư trong thời gian qua không những đã đáp ứng kịp thời một phần nhu cầu giúp đỡ pháp lý ngày càng cao của cá nhân, tổ chức; góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo và các đương sự khác, phục vụ tích cực cho công cuộc cải cách tư pháp, mà còn góp phần từng bước tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi và tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, những kết quả đó mới là bước đầu, tổ chức và hoạt động luật sư còn bộc lộ nhiều hạn chế. Đội ngũ luật sư còn thiếu về số lượng. Số lượng luật sư hiện có so với dân số cả nước vẫn còn quá thấp. Sự phát triển luật sư còn mất cân đối giữa các vùng, miền. Chất lượng đội ngũ luật sư hiện nay chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế. Hoạt động luật sư chưa đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Một trong những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng tới sự phát triển của luật sư là do công tác quản lý luật sư còn nhiều bất cập và hạn chế. Có thể khẳng định rằng, việc quản lý luật sư thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức, thực hiện chủ yếu theo kinh nghiệm, chưa được đầu tư nghiên cứu một cách cơ bản về lý luận, chậm tổng kết thực tiễn. Những yếu kém và hạn chế trong công tác quản lý luật sư thể hiện ở chỗ nhà nước chưa quy định rõ nội dung quản lý nhà nước và nội dung tự quản, chưa phân định rõ thẩm quyền quản lý. Tổ chức luật sư toàn quốc với tư cách là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư trong phạm vi toàn quốc để đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của luật sư trong hành nghề chưa được thành lập. Do vậy, trong quản lý luật sư vẫn còn tình trạng thiếu tập trung, thiếu thống nhất từ phía nhà nước và tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, làm cho công tác quản lý luật sư còn lúng túng, hiệu quả không cao.
Trong thời gian qua, đội ngũ luật sư ở nước ta ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hoạt động luật sư cũng ngày càng được mở rộng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, tổ chức và hoạt động luật sư hiện nay đã làm tăng thêm tính phức tạp trong công tác quản lý ở lĩnh vực này. Nâng cao vai trò của nhà nước trong việc phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, vững về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội đối với chất lượng dịch vụ pháp lý của luật sư, phục vụ đắc lực cho công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế là nhiệm vụ rất bức xúc hiện nay.
Hơn nữa nghề luật sư có tính đặc thù, các luật sư hoạt động độc lập, tự chịu trách nhiệm, ngoài việc tuân thủ pháp luật còn phải tuân theo quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư trong hành nghề. Nhà nước không thể làm thay chức năng của tổ chức xã hội - nghề nghiệp và cũng không thể can thiệp vào hoạt động nghề nghiệp của luật sư. Để tổ chức và hoạt động luật sư hoạt động có hiệu quả thì không thể thiếu vai trò quản lý của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư. Việc phân định rõ và hợp lý giữa công tác quản lý nhà nước về luật sư và chế độ tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư theo hướng nhà nước chỉ làm những gì thuộc về chức năng, nhiệm vụ của nhà nước, tổ chức xã hội - nghề nghiệp phát huy vai trò tự quản đối với luật sư và tổ chức hành nghề luật sư, tăng cường ý thức trách nhiệm của cá nhân luật sư trong hành nghề, đặc biệt là việc tuân thủ pháp luật, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật hành nghề, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của luật sư trong xã hội là yêu cầu cấp bách trong giai đoạn hiện nay ở nước ta.
Xuất phát từ những đòi hỏi của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và thực trạng tổ chức và hoạt động luật sư ở nước ta, việc nghiên cứu thực hiện đề tài luận văn "Cơ sở lý luận đổi mới quản lý luật sư ở Việt Nam hiện nay" là cần thiết, có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn. Thông qua việc nghiên cứu sẽ làm rõ thêm, bổ sung thêm cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn đối với quản lý luật sư nhằm từng bước hoàn thiện quản lý luật sư trong điều kiện cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
2. Tình hình nghiên cứu
Những năm qua, việc nghiên cứu một cách toàn diện về quản lý luật sư vẫn còn chưa được chú trọng đúng mức. Cho đến nay, chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu chuyên sâu và có hệ thống về vấn đề quản lý luật sư.
Trong lĩnh vực luật sư và hành nghề luật sư đã có một số đề tài nghiên cứu, đó là:
- Đề tài cấp Bộ năm 2005: "Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hành nghề luật sư trong điều kiện mới ở Việt Nam" do đồng chí Nguyễn Văn Thảo, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp làm chủ nhiệm đề tài;
- Đề tài cấp Bộ năm 2005: "Dịch vụ pháp lý ở Việt Nam, thực trạng, nhu cầu và định hướng phát triển" do Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuân, Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và pháp luật, Bộ Tư pháp làm chủ nhiệm đề tài;
- Đề tài nhánh 05 thuộc Chương trình khoa học cấp nhà nước mã số KX 04 giai đoạn 2001 - 2005: "Cải cách tổ chức và hoạt động Bổ trợ tư pháp trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân" do Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuân, Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và pháp luật, Bộ Tư pháp làm chủ nhiệm đề tài;
- Luận án Tiến sĩ năm 2003 của Phan Trung Hoài về "Hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hành nghề luật sư trong điều kiện mới ở Việt Nam";
- Luận văn Thạc sĩ năm 2001 của Dương Đình Khuyến về "Vấn đề xã hội hóa hoạt động luật sư và tư vấn pháp luật".
Những công trình nghiên cứu khoa học trên đây đề cập nhiều về thực trạng tổ chức luật sư và hành nghề luật sư ở Việt Nam, góp phần làm rõ hơn các vấn đề lý luận và thực tiễn về tổ chức và hoạt động luật sư. Trong số đó có nhiều kiến giải, luận điểm khoa học đã được vận dụng vào thực tiễn.
Tuy nhiên, những công trình trên không tập trung nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề quản lý luật sư mà chỉ đi vào một khía cạnh nhất định của nội dung quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động luật sư.
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
Luận văn tập trung vào nghiên cứu các vấn đề cơ sở lý luận đổi mới quản lý luật sư, góp phần từng bước hoàn thiện cơ chế quản lý luật sư ở Việt Nam.
Phạm vi nghiên cứu là các vấn đề về hành nghề luật sư; nội dung của quản lý luật sư trong điều kiện cải cách tư pháp ở Việt Nam.
4. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn
* Mục đích:
Xây dựng cơ sở lý luận đổi mới quản lý luật sư ở Việt Nam hiện nay nhằm hoàn thiện tổ chức và hoạt động luật sư, đáp ứng yêu cầu của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.
* Nhiệm vụ:
- Nghiên cứu cơ sở lý luận quản lý luật su.
- Phân tích, đánh giá thực trạng quản lý luật sư để làm rõ thực tiễn quản lý luật sư ở nước ta.
- Đề xuất các giải pháp đổi mới quản lý luật sư trong điều kiện cải cách tư pháp ở Việt Nam.
5. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn được thực hiện dựa trên cơ sở phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Đồng thời sử dụng những phương pháp nghiên cứu cụ thể sau đây: Phương pháp lịch sử, phương pháp phân tích và tổng hợp, phương pháp so sánh, đối chiếu, phương pháp thống kê.
6. Những đóng góp mới của luận văn
Làm rõ những vấn đề về lý luận, đưa ra những luận cứ khoa học quan trọng về đổi mới quản lý luật sư ở nước ta. Trên cơ sở đó, đưa ra phương hướng đổi mới quản lý luật sư trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.
7. Ý nghĩa của luận văn
Kết quả nghiên cứu của luận văn có giá trị tham khảo để nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý luật sư ở Việt Nam trong thời gian tới. Đồng thời cũng là cơ sở để bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư, đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp.
8. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung của luận văn gồm 3 chương, 9 tiết
Những tài liệu gần giống với tài liệu bạn đang xem
📎 Số trang: 113
👁 Lượt xem: 865
⬇ Lượt tải: 17
📎 Số trang: 111
👁 Lượt xem: 931
⬇ Lượt tải: 17
📎 Số trang: 97
👁 Lượt xem: 511
⬇ Lượt tải: 16
📎 Số trang: 8
👁 Lượt xem: 670
⬇ Lượt tải: 27
📎 Số trang: 6
👁 Lượt xem: 606
⬇ Lượt tải: 16
📎 Số trang: 10
👁 Lượt xem: 508
⬇ Lượt tải: 17
📎 Số trang: 123
👁 Lượt xem: 861
⬇ Lượt tải: 16
📎 Số trang: 114
👁 Lượt xem: 622
⬇ Lượt tải: 17
📎 Số trang: 105
👁 Lượt xem: 766
⬇ Lượt tải: 16
📎 Số trang: 10
👁 Lượt xem: 597
⬇ Lượt tải: 57
📎 Số trang: 8
👁 Lượt xem: 411
⬇ Lượt tải: 18
Những tài liệu bạn đã xem
📎 Số trang: 109
👁 Lượt xem: 417
⬇ Lượt tải: 16