Info
Giới thiệu thành viên một tác phẩm rất HOT của Sidney Sheldon
Cảm ơn Nguyễn Học ( Mõ Hà Nội ) đã đánh máy
Sidney Sheldon - nhà văn của đại chúng
Nhà văn Sidney Sheldon.
Với hàng chục đầu sách đều thuộc loại best - seller như "Nếu còn có ngày mai", "Thiên thần nổi giận", "Người lạ trong gương"..., ông trở thành tác giả ăn khách nhất hành tinh. Ở khắp mọi hang cùng ngõ hẻm trên trái đất người ta đều đọc và biết tới cái tên Sidney Sheldon.
Ông nhìn nhận về sứ mạng cầm bút của mình khá đơn giản: “Một lần tại ngôi làng ở Marốc, tôi bắt gặp đám đông ngồi quanh đống lửa say sưa nghe kể chuyện. Tôi bỗng hiểu ra rằng mình cũng đang làm chính công việc đó, một người kể chuyện, chỉ có điều ở quy mô lớn hơn mà thôi".
Sheldon từng có thời gian dài làm việc ở Hollywood, nơi ông đã viết hơn 20 kịch bản phim nhựa và phim truyền hình. Phần lớn trong số đó được chính ông dựng thành phim với sự tham gia của những ngôi sao huyền thoại như Dean Martin, Judy Garland, Cary Grant... “Khán giả thường ít khi biết tới đạo diễn chứ chưa nói đến các tác giả kịch bản. Đến nay, cũng chỉ vài người biết rằng tôi là một tác giả đoạt giải Oscar. Tôi đã quá quen với sự hờ hững của công chúng, nên vào những năm 70, tôi đã hết sức sửng sốt trước khối lượng thư ào ạt gửi tới từ người hâm mộ khi tôi chuyển sang viết tiểu thuyết. Ở Hollywood thời chúng tôi, chỉ có ngôi sao tầm cỡ Cary Grant mới nhận được nhiều thư như vậy. Cả núi thư, đó cũng chính là dấu hiệu của thành công”, ở tuổi ngoài 80, ông bồi hồi nhớ lại.
Và ngay cả bây giờ, trong khu biệt thự sang trọng trên đồi Beverly thuộc khu vực đại lộ Sunset, ông già Sheldon vẫn tiếp tục cho ra lò những cuốn best-seller mới và tiếp tục đón nhận dòng thác thư của người hâm mộ. Có điều ông không viết như mọi người. Trong phòng làm việc của ông không có bất cứ thứ gì để viết: không máy chữ, không máy tính. Trên bàn viết chỉ vẻn vẹn một chiếc máy ghi âm nhỏ với một chiếc mic lớn. Ông giải thích: “Tôi đọc vào máy tất cả những gì muốn viết. Bởi trong bất cứ trường hợp nào khi viết một cuốn truyện tôi luôn cần phải kể nó thành tiếng ít nhất một lần. Thói quen này đã có từ thời còn viết kịch bản. Tôi đi lại trong phòng vừa đọc chính tả cho cô thư ký, vừa nghĩ ra các đoạn đối thoại và các cảnh khác nhau. Ngày nay thì chỉ cần tự ghi âm rồi đưa băng cho thư ký, cô này sẽ đưa văn bản lên máy tính, tôi chỉ còn việc sửa lại và lấy ra”. Cứ như vậy mỗi ngày ông viết được khoảng 50 trang và sau đó chỉ còn việc biên tập cho tới khi cuốn tiểu thuyết hoàn thành. Chính bằng phương thức công nghiệp này, suốt 28 năm qua (kể từ khi viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên ở tuổi 52), ông đã sáng tác được 16 cuốn truyện đều trở thành best-seller tầm cỡ hành tinh. Trên toàn thế giới, truyện của ông bán được tổng cộng 280 triệu bản (đó là chưa kể hàng chục triệu bản khác được dịch và in không chính thức ở một số nước, trong đó có cả Việt Nam). Đây là con số khổng lồ chưa từng có xưa nay trong làng sách thế giới. Cuốn tiểu thuyết mới nhất Hãy kể cho tôi nghe những giấc mơ của mình chỉ sau vài tuần phát hành cũng đã kịp đứng đầu danh sách best-seller của Mỹ.
Sheldon rất tự hào về lượng sách xuất bản của mình và hoàn toàn không có ý định thanh minh gì về chất trinh thám ly kỳ và thiếu tính văn học của chúng. Về thực chất, ông là tác giả được dịch nhiều nhất trái đất bởi sách của ông được xuất bản bằng 51 thứ tiếng. Những tác phẩm của ông chiếm lĩnh tâm tưởng từ chàng lái taxi thành Bombay đến bà nội trợ Tokyo, từ thành viên các hoàng gia châu Âu đến người bồi bàn Chicago. Người ta có thể cười cợt về tính có thể dự đoán trước của cốt truyện, về sự lâm ly đa sầu đa cảm của nó nhưng rất khó có thể bỏ qua một thực tế là những câu chuyện của ông hấp dẫn hàng triệu người. Bản thân Sydney Sheldon rất hài lòng với thành công và những gì nó đem lại cho ông trong cuộc sống: Một ngôi biệt thự sang trọng nguy nga bên một người vợ trí thức, đẹp, đoan chính, trẻ hơn ông tới 20 tuổi, đồng thời cũng là cố vấn chính của ông trong sáng tác, họa sĩ, nhà thiết kế mẫu Alexandra.
Là người giản dị chất phác, Sheldon không ngại phô bày xuất thân nghèo khó và cuộc đời gian truân của mình. Ông tâm sự: “Tôi lớn lên ở Chicago. Cha tôi buôn bán nhỏ và gia đình thường xuyên nay đây mai đó. Trong cuộc đời mình, biệt thự tôi đang sống là ngôi nhà thứ 35 của tôi. Thời trẻ tôi muốn sáng tác ca khúc, nhưng chẳng ai cần chúng cả. Sau đó tôi tới Hollywood, lê khắp các xưởng xin việc. Cuối cùng tìm được việc là đọc các cuốn sách mới, lựa xem quyển nào có thể chuyển thành phim. Làm mãi hộ người, sau tự viết kịch bản của mình. Nhưng trong cái rừng rậm Hollywood dữ dằn ấy, tôi đã phải đau khổ nhìn các đạo diễn và nhà sản xuất phim phũ phàng cắt nát đứa con của mình. Mệt mỏi sau nhiều năm đấu tranh với hệ thống nghiệt ngã này, tôi quyết định một thân một mình viết tiểu thuyết. Như thế cùng lúc tôi vừa là diễn viên, đạo diễn, quay phim... chẳng bị ai can thiệp”.
Sự tự do này rõ ràng đã tiếp cho ông nguồn sinh lực mới. Và thực tế đã chứng tỏ Sheldon không nhầm trong lựa chọn của mình.