Info
Dưới giọng văn dịu nhẹ như một cơn mưa buồn, những xung động mà câu chuyện mang đến lại càng dữ dội. Tưởng như tác giả nói về những tang thương của phận người khi đã quay lưng mà đi, nhưng thật ra chị đang mở ra từng phần u minh và bi sầu nhất của đời sống, soi ngắm nó bằng một cái nhìn thấu thị.Một cô gái trẻ từ Hà Nội vào Sài Gòn tìm cha, người đã bỏ rơi mẹ cô lúc bà mang thai. Khi đến nơi, cô gặp hồn ma của đứa em gái sinh đôi mất tích 22 năm trước. Người em gái dẫn dắt, lôi cuốn chị vào một thế giới ma mị, một thế giới của loài người đầy rẫy tội ác, lừa gạt, bội phản... sống bên hồn ma, bên bờ kia của sự thật, trinh tiết chỉ là một món quà ác độc của thượng đế. Ở đó, ý chí của cô bị thách thức tới tận cùng.Một thế giới nội tâm đau đớn, ngôn từ mang nặng tính riêng tư. Không thiếu dằn vặt cá nhân. Những người đàn bà có thể sống chung với những cuộc cãi vã trong lòng, nhưng khi quyết định họ lại chọn giải pháp tử tế nhất là im lặng.Đầy rẫy những cô đơn, nhiều ý nghĩ cay đắng và mặc cảm tội lỗi. Những lời trách cứ, nhiệu hứng học cách đương đầu, đủ dịu ngọt và cay đắng để thấm thía."Sự thật, cuối cùng, vẫn còn ở bên trên những đám mây trên trời... Có thể sự an bình và vô ưu không phải là điều chúng ta đi tìm. Chúng ta đi tìm những mối dây gắn mình với một thứ gì đó rất bao la tôi không biết tên. Tên nó là cội nguồn? Tên nó là duyên kiếp?...". Lại những câu hỏi đầy tính triết lý về cội nguồn xoáy lên trong tác phẩm của Đoàn Minh Phượng. Sau Và khi tro bụi, Đoàn Minh Phượng lần nữa cho thấy sức ám ảnh trong ngòi bút của chị. Ám ảnh đến tê người. Nếu có một điều gì đó để người đọc nhẹ lòng, đó có lẽ là lời của George Harrison mà tác giả dẫn làm lời đề từ: "Ngày sẽ đến khi em nhận ra chúng ta đều là nước, cuộc đời trôi bên trong em và bên ngoài em". Vì cuộc sống quá buồn, em cứ khóc đi, nhưng hãy nhận ra lẽ vô thường của cuộc đời đến - đi như giấc mộng. Chúng ta như nước trong một biển hồ. Nước là một, còn chúng ta, sao chúng ta không thể tan vào nhau?...