Info
"Hư Thực" là cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Phùng Văn Khai, nhà xuất bản Văn học cấp giấy phép đã ra mắt bạn đọc như đón chào năm mới 2009. Tôi có vài nhận xét theo góc độ của người sáng tác khi đọc tiểu thuyết "Hư thực. "Hư thực" trước hết là một cuốn tiểu thuyết có lối viết khác với tất cả cuốn tiểu thuyết Việt Nam mà tôi đã đọc. Cũng có thể nó không lôi cuốn đôi với một số người quen đọc theo cách cảm nhận thông thường xưa nay...
Một tiểu thuyết có bố cục cũng rất lạ, không đầu không cuối, không chương hồi, không cốt truyện, không biết đâu là nhân vật chính phụ, tất cả được thể hiện bằng những giấc mơ. Phải đọc nó với sự tập trung cao độ mới tìm ra ý tứ sâu sắc trong đó. Càng đọc, càng cuốn ta vào một thế giới hư ảo mà các nhân vật tự bộc lộ mình bằng những giấc mơ đan xen với thực tại, vừa hư vừa thực khiến ta mê mụ, đắm chìm, u uất, đau buồn và khát khao, dâng trào cảm hứng. Những giấc mơ của đời sống thực được tác giả xếp đặt rất tinh, phản ánh bằng tư duy của hai nhân vật là Y và họ Đào xuyên suốt tác phẩm với một loạt những nhân vật hết sức đặc biệt: cô gái người rừng, người đàn bà điên, ông già và con chó...cuộc sống của họ bị dồn đẩy tới tận cùng nơi rừng rú và hang hốc. Họ bị cô đơn đến tận cùng, càng ngày họ càng bị "lún sâu" trước cảnh huy hoàng của đời sống xã hội hiện đại...
Tất cả các nhân vật cứ nhào quyện vào nhau, lúc là hình, lúc lại là bóng, khi là hiện tại, khi là quá khứ, khi mê khi tỉnh liên tục hiển hiện trên trang viết với những câu văn, những ngôn từ đầy ắp cảm xúc, khiến ta cứ thấy vấn vương dăng mắc mãi vào câu chuyện của hết nhân vật này đến nhân vật kia. Đôi lúc ta lại thấy lẫn lộn mê hoặc và hư ảo không biết đâu là thực đâu là hư. "Hư thực" là một tác phẩm văn học đầy tính nhân văn phản ánh một cách sâu sắc và tinh tế đời sống hiện thực xã hội mà con người đang phải trải qua, đang phải đấu tranh để tồn tại, để được làm người, được khao khát sống, khao khát yêu và được viết lên những gì mà nhân vật họ Đào đã dám viết, dám dấn thân.