Info
Với lối kể chuyện rất riêng, 13 truyện ngắn trong tập truyện Giày đỏ của Dương Bình Nguyên giới thiệu với người đọc đời sống đô thị qua cách nhìn của một nhà báo ngày ngày tiếp xúc với các đại gia, “chân dài”... nhưng vẫn đau đáu tìm về những yêu thương. Đời sống còn ý nghĩa gì nếu thiếu những yêu thương?Trong cái nhìn của một người Hà Nội, Sài Gòn “nóng đến mức nấm mốc cũng không sống được”, vì thế mà những kẻ tha hương không ít thì nhiều cảm thấy cô đơn. Không còn vòng tay chờ đợi, không còn ánh mắt nồng nàn của tình yêu, người ta về nơi chôn nhau cắt rốn, tìm lại yêu thương thơ ấu. Nhân vật bà Vịn trong Cải lạc loài là cội nguồn của yêu thương. Ở nhà bà, vùng đất "chó ăn đá, gà ăn sỏi", có một mùa hoa cải vàng hanh hao, có khói bếp thơm nồng và có cả những ngọn roi quất vào mông đứa trẻ chưa ngoan trong thân hình một chàng trai 27 tuổi. Những thứ ấy, Sài Gòn hoa lệ hay Hà Nội cổ kính không bao giờ có được. Vậy mà, ngay cả trong không gian chứa đầy ắp tình thương của bà, hình ảnh của “giày đỏ” vẫn xuất hiện, len lỏi như một vết gai khó lẩy. Tình yêu, biết thế nào là đủ?...Giày đỏ là cái tên rất gợi cho tuyển tập thứ 4 của chàng trai 28 tuổi này. Không hẳn bứt phá, nhưng người yêu mến Nguyên dễ nhận ra sự thay đổi từ những truyện ngắn xinh xắn trên Hoa Học Trò, Sinh Viên những năm trước đến một Dương Bình Nguyên không lúc nào nguôi dằn vặt, day dứt Giày đỏ - tưởng như đó là hình tượng xuyên suốt truyện nhưng hoá ra chỉ là cái cớ trong nỗi đời muộn phiền của cuộc hành trình đi tìm lại chính mình, một sự tìm kiếm tuyệt vọng của người đã “tự tay chôn giấu gốc tích của mình mà đến mãi bây giờ mới dám thừa nhận". Không quá mới mẻ và nổi bật cả về nội dung và bút pháp, nhưng những truyện ngắn của Nguyên lôi cuốn người đọc ở sự giản dị. "Tôi ngồi cùng trăng lên. Cả khu vườn đung đưa trong gió và ánh trăng vắt vẻo trên những tàn lá già. Mọi thứ gần quá, thân thiết quá, như những ngón tay liền kề với nhau". Nguyên viết văn tựa hồ như để cảm xúc cuốn mình đi. Vậy mà không phải vậy. Lại hình như anh chàng này cao thủ tiết chế đến độ trang văn chỉ còn việc mở cánh cửa cho những chi tiết từ đời sống thật, những đổ vỡ thật, những mất mát thật ùa vào.