Info
“Hỡi vị lãnh chúa tuấn nhã ơi, lãnh chúa có muốn nghe một câu chuyện tình, một câu chuyện đau thương, một câu chuyện tang tóc hay không ?” Đó là câu khai mào mà bọn ca nhạc sĩ lưu diễn bên Âu Châu thời Trung Cổ đã mở đầu bản trường ca “Tích Tăng và Ỷ Sơ” (Tristan et Yseult) mỗi khi họ ghé qua một đền đài nào để kể chuyện cho các tay bá của thời phong kiến Âu Châu nghe. Người kể câu chuyện dưới đây cho tác giả nghe, cũng đã pha trò mà khai mào y như vậy vì câu chuyện có thật nầy tương tợ chuyện cổ tích Tích Tăng và Ỷ Sơ phần nào. Đây là một câu chuyện tình đau thương nhất thế kỷ, nhưng có chết chóc hay không rồi các bạn sẽ rõ Ông Hóa gỡ cặp kiếng giả ra, dụi mắt, mỉm cười và ngước lên hỏi Minh: - Tại sao thầy cứ nài nỉ tôi mua ngôi nhà ấy ? Nếu không tin cậy thầy nhiều, tôi sẽ nghi là thầy làm trung gian cho bên ấy, để ăn hoa hồng. Người thư ký của ông chủ cũng cười rồi giải thích: - Thưa ông, là nhà doanh nghiệp lớn, không lẽ ông quên rằng thời nay trên thế giới, đồng tiền của quốc gia nào cũng cứ càng ngày càng mất giá, thành thử lối để dành tiên vững hơn hết là sắm của. - Đó là bài học A B C... của khoa kinh tế, tài chánh, nhưng sắm thứ của khác lợi hơn. - Nhưng ngôi nhà ấy lại rẻ mạt. Ông nghĩ, ba ngàn thước đất giữa trung tâm thành phố, đất khô ráo với vườn hoa - hay nói cho đúng, vườn cây cảnh theo lối Nhựt mà phải mười lăm năm săn sóc nó mới được như thế - với một biệt thự mười hai buồng, kiến trúc tân thời nhứt thủ đô mà giá có ba triệu đồng... - Giá bán thì có rẻ thật đó, nhưng ta mua xong lại không biết làm gì. - Ông mua ông ở. - Trời ơi, nhà nầy có năm buồng mà ra vào chỉ có mình tôi, nếu không có thầy, tôi đã chết vì quạnh hiu, sắm nhà mười hai buồng để mà chết ngộp trong ấy hả ! - Ông cho Huê Kỳ mướn. - Không lợi đáng kể. Không bằng tôi bỏ số tiền mua nhà vào một vụ làm ăn khác, kín đáo hơn, không phải chịu thuế. - Ông không mua ngôi nhà đó thì uổng lắm. - Thôi, bỏ vụ ấy kẻo mất thì giờ. Viên thư ký trẻ tuổi đâm cáu, xếp mạnh hồ sơ lại, rồi hờn dỗi, hắn ngồi khoanh tay không thèm làm gì cả. Đó là một thanh niên hai mươi tuổi, đẹp mũ mĩ như con gái và hiền từ như một tu sĩ. Hắn là học trò khó, mồ côi cha mẹ, đăng báo tìm việc và được ông Hóa nhận cho làm thư ký riêng của ông từ hơn một năm nay, cho hắn ở chung nhà, thương yêu hắn như con nên hắn mới có thái độ nói trên. Ông Hóa là một trong vài ba tay tỉ phú của ta, mướn thư ký giỏi, bao nhiêu một tháng ông mướn cũng nổi cả. Sở dĩ ông chọn tên học trò chưa có kinh nghiệm làm việc nầy là vì hắn gồm được mấy điều kiện sau đây mà các thư ký chuyên nghiệp thiếu hẳn: hắn không có gia đình nên ở mãi cạnh ông được. Thư ký riêng thì các chủ nhơn họ hay cần dùng đến vào những giờ bất ngờ nhứt, lắm khi một giờ trưa, hoặc mười hai giờ đêm họ đưa công việc gấp, bắt phải làm ngay. Điều kiện thứ nhì là chính nhờ hắn không có gia đình và còn trẻ, không giao thiệp với giới làm ăn nào được, nên ông Hóa không phải lo hắn bép xép mà tiết lộ bí mật doanh nghiệp của ông. Nhưng điều kiện thứ ba mới là điều kiện nồng cốt. Ông Hóa cô đơn quá. Từ ngày bà Hóa qua đời, cách đây mười năm, ông trơ trọi một thân với đống tiền của mà ông không biết làm gì. Không con cháu, ông không lo của cải không người thừa hưởng bằng sợ sự vắng vẻ quanh ông. Ông chọn Minh vì hắn hiền hậu, dễ thương, ông xem hắn như là một người bạn được. Nơi bàn ăn của ông, ông có một thực khách thường trực, nơi phòng khách của ông, trong những giờ đầu hôm sau bữa cơm tối ông có một kẻ đối thoại giúp ông giết thì giờ. Ông Hóa ngồi sau bàn viết nhìn căn phòng minh mông nầy mà chán ngán. Phòng rộng đến sáu mươi bốn thước vuông, bốn buồng dưới của ngôi biệt thự nầy đã được phá vách ngăn để biến thành cái phòng rộng nầy, vừa là phòng tiếp khách, phòng ăn và phòng làm việc của ông và của Minh.