Giới thiệu Tác giả - Tác phẩm:
Trương Triều (张潮) tên chữ Sơn Lai (山来), hiệu Tâm Trai (心斋), người tỉnh An Huy (安徽), sinh năm 1650 vào năm Thuận Trị thứ tám, đời Thanh, không rõ năm mất. Tiểu sử của ông rất ít, hậu thế biết đến ông nhờ tác phẩm để lại. Ông là một nhà thơ, nhà văn, nổi tiếng với tập "U mộng ảnh" (幽夢影), và "Ngu sơ tân chí" (虞初新志).
“U mộng ảnh” là một tập sách gồm 220 câu cách ngôn nói về nghệ thuật thưởng thức đời sống, về sau rất được giới văn nhân tài tử ưa chuộng. Lâm Ngữ Đường nhận xét: "Cuốn "U mộng ảnh" của ông chứa nhiều câu cách ngôn cũng như nhiều tác phẩm khác của Trung Hoa, nhưng không cuốn nào bằng cuốn của ông. Cách ngôn của ông so với ngạn ngữ thì không khác chi truyện của Andersen so với truyện thần tiên của Anh, hoặc những khúc ca của Schubert so với các khúc dân ca. Cuốn đó được văn nhân Trung Hoa rất thích đọc và nhiều nhà đọc xong, ghi thêm ít lời phê bình trang nhã."
Tại Việt Nam, “U mộng ảnh” đã được dịch giả Huỳnh Ngọc Chiến biên dịch và chú thích 215 câu (Nxb Văn hóa Thông tin, 2007). Yeuchip thực hiện cuốn ebook này theo ấn bản điện tử của
http://codatu.wordpress.com, giới thiệu 200 câu trích từ bản của Huỳnh Ngọc Chiến.
Trích vài câu trong sách:
1. Kinh sách nên đọc vào mùa đông, vì tinh thần được chuyên nhất; sử nên đọc vào mùa hè, vì ngày dài; chư tử nên đọc vào mùa thu, vì nhiều ý lạ; sách các nhà khác nên đọc vào mùa xuân, vì khí trời thoải mái.
讀 經 宜 冬, 其 神 專 也 ; 讀 史 宜 夏, 其 時 久 也 ; 讀 諸 子 宜 秋, 其 致 別 也 ; 讀 諸 集 宜 春 其 機 暢 也。
Độc kinh nghi đông, kỳ thần chuyên dã; độc sử nghi hạ, kỳ thời cửu dã; độc chư tử nghi thu, kỳ trí biệt dã; độc chư tập nghi xuân, kỳ cơ sướng dã.
2. Kinh truyện nên đọc một mình, mà sử giám nên đọc cùng bạn.
經 傳 宜 獨 坐 讀,史 鑑 宜 與 友 共 讀。
Kinh truyện nghi độc tọa độc; sử giám nghi dữ hữu cộng độc.
3. Không thiện không ác là bậc thánh, nhiều thiện ít ác là bậc hiền, ít thiện nhiều ác là hạng người tầm thường, có ác không thiện là hạng tiểu nhân, có thiện không ác là hàng Tiên, Phật.
無 善 無 惡 是 聖 人, 善 多 惡 少 是 賢 者, 善 少 惡 多 是 庸 人, 有 惡 無 善 是 小 人, 有 善 無 惡 是 仙 佛。
Vô thiện vô ác thị thánh nhân; thiện đa ác thiểu thị hiền giả; thiện thiểu ác đa thị dung nhân; hữu ác vô thiện thị tiểu nhân; hữu thiện vô ác thị Tiên Phật.
...
Lời Bạt cuối sách của Huỳnh Ngọc Chiến cũng rất hay:
... Đúng là chúng ta đã sống quá lãng phí trước những tặng vật kỳ diệu của Thượng đế. Sống mà mắt như mù, tai như điếc trước thiên nhiên. Càng đọc U mộng ảnh chúng ta càng thấy cuộc sống ta lâu nay thảm hại là ngần nào. Chúng ta mãi bươn chải lao lướt theo cuộc sống, dùng mọi thủ đoạn để tồn tại với đủ mọi thứ tiện nghi vật chất phù phiếm, mà không hề biết cách:
Gầy hoa để gọi bướm, chất đá để mời mây, trồng thông để đón gió, chứa nước để gọi bèo; xây đài cao để mời trăng, trồng chuối để đón mưa, trồng liễu để gọi ve. (Nghệ hoa khả dĩ khiêu điệp; luỹ thạch khả dĩ khiêu vân; tài tùng khả dĩ khiêu phong; trữ thuỷ khả dĩ khiêu bình; trúc đài khả dĩ khiêu nguyệt; chủng tiêu khả dĩ khiêu vũ; trí liễu khả dĩ khiêu thiền).
Ngồi một mình giữa thung lũng đọc U mộng ảnh quả là một lạc thú trên đời. Song tôi thắc mắc mãi vì sao tiêu đề lại là U mộng ảnh? Đó là bóng mờ trong cõi mộng hay là chiếc bóng lẻ loi trong cõi mộng u buồn? Phải chăng ta chỉ thưởng ngoạn được vẻ đẹp của thế giới khi nhìn nó qua cõi mộng, như Trang Chu hoá bướm ngày xưa?
Trang Chu mộng thấy mình hoá thành bướm, đó là cái may mắn của Trang Chu; bướm nếu mộng thấy mình hoá thành Trang Chu, thì đó là cái bất hạnh của bướm. (Trang Chu mộng vi hồ điệp, Trang Chu chi hạnh dã; hồ điệp mộng vi Trang Chu, hồ điệp chi bất hạnh dã).
Giữa bóng trăng mờ ảo, lại ngồi một mình nơi quán cóc vắng vẻ ở vùng ngoại ô tĩnh lặng của thành phố cao nguyên, trong bụi cỏ rậm là tiếng côn trùng rả rích, tôi chợt nghiệm ra ý nghiã của chữ “u mộng” và thấy thấm thía biết bao khi đọc:
Đêm thanh ngồi cô độc, mời trăng kể lể chuyện buồn; canh khuya ngủ một mình, gọi dế nói niềm sầu hận (Thanh tiêu độc toạ, yêu nguyệt ngôn sầu; lương dạ cô miên, hô cung ngữ hận).
Mà có đêm trăng mờ nào trên cao nguyên lại không gợi lên bao nỗi buồn man mác?